Vừa bán cá vừa hát

Thứ hai, ngày 11/02/2013 08:48 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Này, chú cá hồi bay tới tận Alaska này ! Dô hầy, này...” một dàn những giọng nam cất lên hào sảng. Câu hát vừa dứt, chú cá hồi - đúng là cá hồi thật, nặng tới 7-8kg, bay vèo từ tay một chàng bán cá hói đầu đang đứng cạnh sạp cá tới tay một chàng khác đứng cạnh bàn tính tiền.
Bình luận 0

Tiếng vỗ tay của du khách xúm xít chung quanh rào rào. Tiếng cười, tiếng nói hể hả. Đèn flash máy ảnh nháy lia lịa. Không khí rộn ràng, vui tươi như trong một lễ hội, chứ không phải trong một phiên chợ cá.

Seattle là thủ phủ của bang Washington, phía tây bắc nước Mỹ. Người dân Seattle vẫn tự hào vì đây là quê hương Microsoft của tỷ phú Bill Gates, của hãng máy bay Boeing hùng mạnh, của tập đoàn bán hàng trên mạng Amazon.com, về cả bộ phim “Không ngủ ở Seattle” nổi tiếng có tài tử Tom Hanks mê cô nàng Meg Ryan xinh đẹp nữa. Nhưng chợ cá Seattle cũng là một niềm tự hào khác. Nhiều người còn gọi nó là “linh hồn” của Seattle.

img
Ryan - anh chàng bán cá vui tính

Chợ nằm ngay trung tâm thành phố, mặt hướng ra phố, lưng dựa vào vịnh biển. Diện tích chợ không lớn lắm, dài chắc vài trăm mét, chỉ đi bộ chừng 10 - 15 phút là hết một vòng chợ. Người trong chợ chen vai thích cánh. Đông nhất là khách du lịch, đủ các màu da, các ngôn ngữ. Ai cũng lăm lăm máy ảnh, máy quay phim. Những phóng viên truyền hình tất bật phỏng vấn, ghi hình...

Những họa sĩ già ngồi vẽ ký họa lấy ngay. Một chàng thanh niên râu quai nón vừa chơi guitar vừa lắc vòng rất điệu nghệ ngay cổng chợ, dưới chân là tấm biển “hứa” giảm giá 50% cho khách nào muốn tặng tiền. Tiếng nhị của ông lão Trung Hoa tấu một giai điệu phương Đông buồn bã…

Những sạp hàng san sát. Không chỉ có cá mà có cả rất nhiều hoa quả, rau, đồ thủ công mỹ nghệ, giày dép, quần áo, đồ lưu niệm,... Nhưng tất nhiên, nhiều nhất ngoài chợ cá vẫn phải là... cá các loại. Cá tầm đỏ hồng, cá hồi lấp lánh ánh bạc (có con dài 3 feet – gần tới cả mét), cá song đen sẫm, cá mặt quỷ dữ tợn... Hào xù xì. Tu hài bóng loáng. Ốc vòi voi to nần nẫn. Cua huỳnh đế kềnh càng.

Tôm hùm oai vệ nhấc lên nặng trĩu tay... Tất cả đều tươi ngon, nồng nàn vị mặn mòi của biển cả. Những tấm biển đề dòng chữ “Chúng tôi cam kết tất cả hải sản đều đánh bắt trong vòng 48 giờ” như một bảo chứng cho chất lượng. Mà giá cả thì rất rẻ. Cá hồi vua nguyên con 8USD/1 pound (1pound xấp xỉ 0,5 kg), filet cá hồi 20USD/pound, càng cua huỳnh đế (dài hơn 30 cm) 34,99 USD/pound, tôm hùm 30 đô/pound... Giá này chỉ bằng khoảng hai phần ba trong siêu thị, lại tươi hơn hẳn.

Tôi nhẩm tính có những loại hải sản (như tôm hùm, ốc vòi voi…) giá còn rẻ hơn ở VN rất nhiều. Điền Trang – một Việt kiều đã sống ở Seattle gần 10 năm cho biết: Dân Mỹ khoái chợ cá này lắm. Vì cái cảm giác được hỏi han, trao tiền tận tay, nhận con cá, con tôm trực tiếp từ người bán nó thích hơn hẳn khi đi siêu thị, đứng đối mặt với những cái tủ kính lạnh lùng. Còn người Việt mình thì khỏi nói rồi. Tháng nào, dù bận bịu đến đâu, Trang cũng cố gắng dắt vợ và 2 con trai ra chơi chợ. Để đến khi nào về thăm VN, 2 đứa nhỏ đừng lạ lẫm với những cái chợ quê nhà.

Và “đặc sản” làm nên sự nổi tiếng toàn thế giới của chợ cá Seattle chính là màn tung cá hàng ngày được các anh hàng cá biểu diễn thuần thục. Trên logo của rất nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ gian hàng ở đây đều có hình ảnh chàng trai tung cá. Vừa bán cá vừa tung, vừa hát – một công việc bình thường lại mang đến một niềm vui thực sự. Ryan – anh chàng bán cá hói đầu, có cặp mắt rất tinh nhanh, nói với tôi: “Chẳng biết việc tung cá này có từ bao giờ. Cụ nội tôi đến từ Ailen đã làm nghề cá. Ông nội tôi, rồi đến cha tôi, cũng đều bán cá. Các ông bảo từ lúc đó các ông đã tung cá rồi. Cả người bán lẫn người mua đều hứng thú khi con cá được tung lên...”.

Bài học rút ra được từ những người bán cá Seattle: Mỗi khi bắt đầu một ngày mới, cũng như bắt đầu bất cứ công việc gì, phải biết tạo ra một môi trường làm việc đầy ắp niềm vui, để mỗi ngày đều trở thành có ý nghĩa. Chợ cá Seattle ngày nay không chỉ là một địa danh, mà đã trở thành một triết lý sống.

Quả thực, ít người nghĩ rằng cái trò tung cá đơn giản lại tạo nên hiệu quả bất ngờ đến thế. Mỗi năm, người ta thống kê được có tới 10 triệu du khách từ khắp nơi tới tham quan chợ cá, xem các anh hàng cá tung cá. Người Mỹ thực dụng rất giỏi trong việc kết hợp một công việc tưởng như nhàm chán của những nông dân mộc mạc với công nghệ làm du lịch. Và cao hơn nữa, chợ cá đã được nâng thành một thái độ ứng xử với cuộc sống. Năm 2006, cuốn sách “Triết lý Chợ cá cho cuộc sống” của các tác giả S.Lundin, J.Christensen, H.Paul lấy cảm hứng trực tiếp từ những người bán cá ở Seattle đã trở thành best-seller, bán được hơn 4 triệu bản và dịch ra 35 thứ tiếng trên thế giới (ở VN cuốn sách được NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành). Hàng trăm công ty trên thế giới, trong đó có những đại công ty rất nổi tiếng, đã áp dụng những nguyên tắc sống và làm việc của những người bán cá ở Seattle để cải tổ lại doanh nghiệp và thu được thành công rực rỡ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem