Vụ đòi đất sau 5 lần xét xử và 24 năm đội đơn đi kiện

Hoàng Hạnh Thứ hai, ngày 06/07/2015 08:16 AM (GMT+7)
Hơn nửa đời người phục vụ cho cách mạng, giờ khi ở tuổi “gần đất xa trời”, người lính già Nguyễn Hồng Phước (85 tuổi, ngụ ấp 2, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) vẫn canh cánh nỗi đau mất mảnh đất Nhà nước xét cấp cho gia đình mình.
Bình luận 0

24 năm ròng đi kiện

Trong đơn gửi báo, ông Phước trình bày: Hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ, bản thân ông và 3 người con trai theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước đã nhập ngũ, cầm súng chiến đấu. Ngày đất nước thống nhất, ông mất người con trai thứ 3, và 2 con còn lại là thương binh. Riêng bản thân ông Phước với cấp hàm đại úy, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

“Năm 1974 tôi được Ban chấp hành Hội Nông dân xã Khánh Bình (nay là xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời) xét cấp cho gia đình (11 khẩu) 2ha đất hoang hóa. Vài năm sau, Nhà nước xét cấp lần hai, gia đình tôi còn lại 1,5ha. Mấy cha con ra sức khai phá sản xuất trên mảnh đất này. Đến năm 1984 tôi được điều động đi làm Chủ nhiệm HTX xay xát của xã Khánh Bình ngày nay. Đây cũng là thời gian tôi bị mất đi mảnh đất “xương máu” của mình”– ông Phước ngậm ngùi.

img
Ông Phước chuẩn bị hồ sơ yêu cầu giám đốc thẩm. (Ảnh: Hoàng Hạnh)

Ông Phước cho biết: Sau khi nhận lệnh điều động, ông đi thực hiện nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó vì nghĩ còn sức là còn cống hiến. Phần đất 1,5ha đất được cấp, ông Phước để lại cho người con trai út là Nguyễn Văn Đỏ canh tác. Trong khoảng thời gian này, ông Đỏ có vay của ông Tiêu Văn Chính (75 tuổi) ngụ cùng địa phương 3 chỉ vàng 24K, một năm sau vốn nhập lãi thành 4 chỉ vàng 24K. “Khi phát hiện thằng Đỏ cầm cố 1,5ha đất của gia đình với giá 4 chỉ vàng 24K (bằng với số vàng đang thiếu ông Chính), tôi đã về và đến gặp ông Chính yêu cầu được trả vàng, chuộc lại đất, nhưng ông Chính không đồng ý với giá chuộc là 4 chỉ vàng như thỏa thuận trước đó, mà đòi tôi phải trả 5 chỉ vàng cho mỗi công đất. Tôi không đồng ý nên từ năm 1991 đã phát đơn kiện ông Chính ra các cấp chính quyền, nhưng đến nay đất của tôi vẫn thuộc về ông Chính” – ông Phước cho hay.

Có bán hết nhà cũng phải kiện

Sau nhiều lần chính quyền cơ sở hòa giải không thành, năm 1997 ông Phước khởi kiện ông Chính ra TAND huyện Trần Văn Thời đòi lại đất.

Vụ việc được TAND huyện Trần Văn Thời thụ lý và đưa ra xét xử vào ngày 15.6.2006. Tòa ra bản án số 57/2006/DSST bác yêu cầu đòi lại đất của ông Phước và tuyên ông Chính thắng kiện, được quyền sử dụng phần đất đang tranh chấp. “Thua kiện vô lý, tôi làm đơn kháng cáo bản án sơ thẩm số 57/2006/DSST ngày 15.6.2006 của TAND huyện Trần Văn Thời. Đến ngày 25.10.2006, TAND tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm vì sai nghiêm trọng luật tố tụng, giao TAND huyện xử sơ thẩm lại. Từ đó đến nay đã qua 5 lần xét xử lại từ sơ thẩm đến phúc thẩm, nhưng cuối cùng đất của tôi vẫn bị ông Chính chiếm dụng” – ông Phước nói.

Đáng chú ý: Sau bản án phúc thẩm lần đầu số 574/2007/DS – PT ngày 29.11.2007 của TAND tỉnh Cà Mau tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm số 96/2007/STDS ngày 11 và 12.9.2007 của TAND huyện Trần Văn Thời tuyên ông Chính thắng kiện (xét xử lại sau khi bị TAND tỉnh Cà Mau hủy án), ông Chính đã đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và được ngành chức năng huyện Trần Văn Thời lúc bấy giờ cấp cho ông Chính.

Quá bức xúc, ông Phước làm đơn đề nghị giám đốc thẩm. Tiếp đến ngày 16.3.2011 TAND Tối cao (tòa dân sự) có quyết định giám đốc thẩm số 174/2011/DS – GĐT và tuyên hủy toàn bộ 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm mà tòa cấp huyện và cấp tỉnh Cà Mau đã tuyên trước đó cho ông Chính thắng kiện, giao tòa án huyện Trần Văn Thời xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

“Tôi hy vọng vào sự công tâm của quan tòa. Thế nhưng 2 lần xử sơ thẩm và phúc thẩm tiếp theo vào tháng 7.2014 và tháng 4.2015, Hội đồng xét xử đều tuyên tôi thua kiện, cho ông Chính tiếp tục canh tác trên phần đất “xương máu của gia đình tôi”. Hiện tôi đang làm đơn giám đốc thẩm tiếp theo. Dù có bán luôn căn nhà còn lại, tôi cũng đeo đuổi vụ án. Vì phần đất mà nhà nước cấp cho tôi trước đó là xét công trạng của tôi và các con, trong đó có cả sự hy sinh của người con trai thứ 3”- ông Phước khẳng định.

Các bản án đã vi phạm nghiêm trọng Luật Tố tụng hình sự. Cụ thể, tòa không căn cứ vào danh sách cấp đất ở thời điểm đó là cho ông Phước (không phải cấp cho ông Đỏ), có xác nhận của chính quyền địa phương. Ngoài ra, các bản án tuyên cho ông Chính thắng kiện căn cứ vào giấy ủy quyền của một người thứ 3 cho ông Đỏ được phép bán đất cho ông Chính, trong khi người thứ 3 này chưa phải là chủ sở hữu tài sản (trước đó ông Đỏ có kêu bán đất cho một người tên Mì, nhưng người này không có tiền để mua – PV), điều này là sai so với Bộ luật dân sự. Ông Mì không mua đất của ông Đỏ (thực chất là đất của ông Phước) nên không có chức năng ủy quyền được quy định trong 3 quyền năng quy định tại Bộ luật dân sự là chiếm hữu, sử dụng, định đoạt”.

Luật sư Hồng Ngọc Anh – Công ty Luật hợp doanh Tạ Nguyệt Thanh
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem