Việt Nam mua lượng khổng lồ một loại nông sản của Campuchia, chế biến bán cho Trung Quốc, Đài Loan

K.Nguyên Thứ ba, ngày 25/07/2023 14:26 PM (GMT+7)
Là nước xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn lớn nhất nhì thế giới nhưng Việt Nam vẫn phải nhập một lượng lớn từ Campuchia.
Bình luận 0

Việt Nam đang nhập lượng sắn khổng lồ từ Campuchia

Là nước xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn lớn nhất nhì thế giới nhưng Việt Nam vẫn nhập một lượng lớn sản phẩm sắn từ Campuchia.

Theo Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia, trong 5 tháng đầu năm 2023, Campuchia đã xuất khẩu gần 1,2 triệu tấn sắn và sản phẩm sắn, phần lớn được xuất khẩu sang Thái Lan và Việt Nam.

Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2023, Campuchia xuất khẩu sang Việt Nam 350.000 tấn sắn và sản phẩm từ sắn (gồm 184.860 tấn sắn tươi, 124.750 tấn sắn lát và 39.800 tấn bã sắn). 

Trong khi đó, Campuchia xuất khẩu sang Thái Lan gần 830.000 tấn sắn và các sản phẩm sắn (gồm 751.600 tấn sắn tươi, 71.250 tấn sắn lát và 7.100 tấn bã sắn).

Dự kiến năm nay lượng sắn lát của Campuchia đưa về Việt Nam sẽ muộn hơn, nhiều diện tích sắn tại Campuchia bị ảnh hưởng do nắng hạn kéo dài. 

Việt Nam mua lượng khổng lồ một loại nông sản của Campuchia, chế biến bán cho Trung Quốc, Đài Loan - Ảnh 1.

Là nước xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn lớn nhất nhì thế giới nhưng Việt Nam vẫn nhập một lượng lớn sản phẩm sắn từ Campuchia. Ảnh: T.L

Việt Nam xuất gần 90% lượng sắn và sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc

Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc chiếm 89,43% về lượng và chiếm 88,04% về trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của cả nước, đạt 1,34 triệu tấn, trị giá 522,85 triệu USD, giảm 15,1% về lượng và giảm 23,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022

Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc có xu hướng tăng kể từ tháng 3/2023 đến nay. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc vẫn giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2022, ở mức 389,3 USDtấn

Các chủng loại sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2023 chủ yếu là tinh bột sắn và sắn lát khô. Trong đó, lượng sắn lát xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 87,9% tổng lượng sắn lát xuất khẩu của cả nước; trong khi lượng tinh bột sắn xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 91,1% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu của cả nước. 

Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu nhận định, tại thị trường Trung Quốc, sắn và tinh bột sắn của Việt Nam đang phải cạnh tranh mạnh với sắn và tinh bột sắn của Thái Lan, Lào và Campuchia. Trong ngắn hạn, để cạnh tranh với Thái Lan trong việc xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn sang Trung Quốc là khó đối với doanh nghiệp Việt Nam, song với lợi thế giá rẻ, giao thương quen thuộc, thị trường gần, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ vững và mở rộng thị phần tại thị trường Trung Quốc.

Trong khi đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, thị trường Đài Loan nhập khẩu 171.490 tấn tinh bột sắn (HS 110814), trị giá 87,37 triệu USD, giảm 3,6% về lượng và giảm 9,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. 

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp tinh bột sắn cho thị trường Đài Loan, đạt 25.270 tấn, trị giá 12,68 triệu USD, tăng 65,5% về lượng và tăng 50,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. 

Thị phần tinh bột sắn của Việt Nam chiếm 14,74% trong tổng lượng tinh bột sắn nhập khẩu của thị trường Đài Loan.

Hiện lượng tồn kho sắn vụ cũ tại Việt Nam vẫn khan hiếm, trong khi hàng vụ mới chưa có nhiều. Giá tinh bột sắn của Việt Nam xuất khẩu qua đường biển và qua cửa khẩu biên giới được thiết lập ở mức cao do sự khan hiếm nguồn cung giao hàng ngay. Giá tinh bột sắn xuất khẩu bằng đường biển sang Trung Quốc hiện dao động khoảng 540-547 USD/tấn, FOB với nguồn hàng từ Tây Ninh.

Tuy là nước xuất khẩu sắn lớn thứ 3 trên thế giới, nhưng hiện cả nước mới có 27 tỉnh có nhà máy chế biến tinh bột sắn và có khoảng 120 nhà máy chế biến tinh bột sắn quy mô công nghiệp với tổng công suất thiết kế 11,3 triệu tấn củ tươi/năm. Trong đó, có khoảng 26% số cơ sở có gắn kết chặt chẽ với vùng nguyên liệu. Xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn chiếm khoảng 70% tổng sản lượng sắn thu hoạch của cả nước. Tiêu thụ sắn và sản phẩm sắn của Việt Nam vẫn còn nhiều khâu trung gian, khả năng cạnh tranh thấp do chi phí logistics của Việt Nam cao.

Để nâng cao sức cạnh tranh, nhiều chuyên gia cho rằng, ngành sắn cần phải khắc phục những điểm yếu, đồng thời cần đầu tư nâng cao chất lượng sắn xuất khẩu sang nhiều thị trường, đặc biệt là EU. Thời gian qua việc phát triển thị trường mới còn chậm, do đó Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính sắn và các sản phẩm sắn của Việt Nam.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem