“Viên ngọc” ca trù nơi cửa biển

Chủ nhật, ngày 16/02/2014 07:46 AM (GMT+7)
Văn hóa nghệ thuật ở thành phố biển Hải Phòng đa dạng, độc đáo và hấp dẫn, trong đó có loại hình nghệ thuật ca trù.
Bình luận 0
Với nhịp trống “tom - chát”, tiếng đàn đáy trầm đục, hòa quyện cùng với nhịp phách và lời hát tinh tế, hư thực, níu kéo người nghe…, ca trù đất Cảng được ví như là “viên ngọc” ở vùng cửa biển này.

Vang bóng một thời

Tại Hải Phòng, nhiều thế kỷ qua, hầu hết các huyện như: Thủy Nguyên, Kiến Thụy, An Lão, Vĩnh Bảo… đều có các phường hát ca trù. Còn khu vực nội thành, hàng chục ca quán nổi tiếng ở Cánh gà ngoài (tức Dư Hàng Kênh), Cánh gà trong (tức khu Quán Bà Mau- Lạch Tray), hay Cam Lộ (tức Thượng Lý), Quy Tức (khu Kiến An)… hiện vẫn còn dấu tích về sự hội tụ của những kép đàn, đào hát một thời vang bóng.

Một canh hát ca trù của CLB Ca trù Hải Phòng tại Đình Kênh (Hải Phòng).
Một canh hát ca trù của CLB Ca trù Hải Phòng tại Đình Kênh (Hải Phòng).

Quá trình sưu tầm, nghiên cứu ca trù Hải Phòng, ông Giang Thu - Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (mất cách đây 6 năm) đã từng phải thốt lên: “Thật hiếm có nơi nào, ca trù lại “phát” một cách rầm rộ, với nhiều thế hệ nối tiếp cùng hành nghề như ở làng Đông Môn, xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên”. Tại đây còn có cả phủ từ thờ tổ nghề do những người hành nghề hát ca trù từ “tam phủ, bát huyện” về đóng góp, xây dựng. Cũng xin được nói thêm: Giáo phường ca trù Đông Môn từng là một trong số giáo phường lớn, có uy tín bởi được tổ chức với những quy ước rất chặt chẽ, từ thi tuyển, đào tạo, sát hạch đến kết nạp và cho hành nghề. Những danh ca, danh cầm trong các ca quán thuở trước, như kép đàn Trần Trọng Quế, Nguyễn Hãn (mất năm 2012); đào nương Nguyễn Thị Chín… ở khu vực nội thành, vào dịp ngày sinh, ngày hóa của tổ nghề làng Đông Môn, lại kéo nhau về đây hát thờ, hát thi cùng với các đào nương là người làng này như các cụ bà Nguyễn Thị Chính (mất năm 2011), Tô Thị Chè (mất năm 2009)...

Mai một và quên lãng

Đâu chỉ nắn phím, so dây, những điệu hát cổ, lời cổ với kỹ thuật hát được “chuốt” một cách điêu luyện, có sức lay động lòng người, đã hút khá đông đủ mọi giới chức, lứa tuổi đến thưởng thức. Người Đông Môn không chỉ tổ chức hát ca trù ở ngay tại nhà mình, mà còn đi hát ở các nơi, theo lời mời của hàng tỉnh, hàng huyện hay hàng tổng, hàng xã. Nhiều người đàn hay, hát giỏi còn lên tận Hà Nội mở ca quán ở Khâm Thiên, đưa những đào kép danh tiếng từ Đông Môn lên hành nghề.

Tiết mục Múa dâng hương của CLB Ca trù Hải Phòng tại Liên hoan Ca trù toàn quốc 2011.
Tiết mục Múa dâng hương của CLB Ca trù Hải Phòng tại Liên hoan Ca trù toàn quốc 2011.

Đáng tiếc, nhiều thập kỷ qua, ca trù Hải Phòng bị mai một, thậm chí đi vào quên lãng. Có người còn ví, ca trù ở vùng cửa biển này giống như thân phận cô gái đa đoan, sắc còn mệnh mỏng.

Trăn trở với số phận của ca trù, năm 1985, TP.Hải Phòng chủ trương sưu tầm, nghiên cứu môn nghệ thuật độc đáo này. Tuy nhiên, vì chưa có cơ chế bảo tồn nên ca trù đất Cảng vẫn chỉ là “viên ngọc” ngủ yên dưới lòng biển. Phần đông những danh ca, danh cầm hoặc “mai danh ẩn tích”, hoặc đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, cuộc sống đời thường khó khăn, không có điều kiện để “nắn phím, so dây” trở lại.

May thay, năm 1989, một vài người cao tuổi ở địa phương, vì quá say sưa, lưu luyến với ca trù đã âm thầm, lặn lội, tự tìm kiếm những danh ca, danh cầm cũ, như các cụ: Ngô Duy Thẩn, Đào Thị Bảo, Đào Thị Thẩm… nhằm tập hợp để ôn luyện. Kết quả là, một buổi công diễn ca trù đầu tiên sau nhiều năm vắng bóng, đã ra mắt khán giả vào đầu Xuân 1992, tại Nhà Văn hóa Trung tâm TP.Hải Phòng. Ca trù Hải Phòng hồi sinh kể từ đó.

Qua tâm sự của những “người trong cuộc”, lần hội ngộ trên sân khấu năm 1992 ấy thật cảm động. Các ca nương, kép đàn gặp nhau trong mừng, tủi. Họ mừng vì xưa kia cùng nhau đem tiếng đàn, tiếng hát dâng tặng người tri âm, tri kỷ, thì nay lại được tìm về để dốc hết sức tàn, bắt tay chỉ ngón, truyền nghề lại cho thế hệ tiếp nối. Còn tủi vì các cụ tiếc cho những giai âm bị chìm trong quá khứ quá lâu, không ai hay, ai biết để gọi về trên đôi tay và khóe miệng của các kép đàn cùng đào hát.

Nỗ lực bảo tồn


Nhưng muộn còn hơn không, với chủ trương bảo tồn và phát triển vốn văn hóa cổ của dân tộc, ca trù cả nước nói chung và Hải Phòng nói riêng được cơ quan văn hóa chỉ đạo sưu tầm, tìm kiếm và trân trọng một cách thực sự. Sẽ khó kể hết ra đây những đóng góp của các cá nhân đã bỏ thời gian, công sức ngụp lặn, mò tìm và làm sáng lại “viên ngọc” quý ở nơi cửa biển này. Chỉ biết, nghệ nhân Trần Trọng Quế (sinh năm 1919, từng 2 lần đoạt giải Á khôi trong các cuộc thi đàn ở Hà Nội và Hải Phòng), trước khi đôi tai nghễnh ngãng, gân cốt những ngón tay chẳng theo ý người, đã kịp truyền dạy lại những ngón đàn “độc chiêu” của mình cho một số bạn trẻ.

Việc truyền dạy cũng như quảng bá cái hay, cái đẹp của ca trù tại Hải Phòng, hiện vẫn chưa có cơ chế hỗ trợ thỏa đáng từ phía trung ương và địa phương. Vượt lên những khó khăn đó, vẻ đẹp của “viên ngọc” ca trù Hải Phòng vẫn đang tỏa sáng trong các không gian hát Cửa đình, hát Thi, hát Chơi và hát Cửa quyền vào mỗi sáng thứ 7 hàng tuần.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Chín, tuổi ngoài 90, từng nổi tiếng với làn điệu Cung bắc và Chức cẩm hồi văn, tuy kén chọn học trò, nhưng cũng quyết truyền dạy được những ngón nghề mà cụ có được trong suốt một đời ca hát. Được biết, trong số 35 ca nương do cụ Chín tuyển lựa, dạy dỗ, rất nhiều người nay đã thành danh. Riêng cụ Nguyễn Thị Chính, sau 70 năm “mai danh ẩn tích”, trước khi về với tiên tổ, cũng đã cầm lại lá phách, chuốt lại giọng ca với kỹ thuật điêu luyện đến mức “không còn chỗ để chê” và cũng đã truyền dạy lại được kỹ thuật đó cho những người thực tâm cầu học…

Nói tới sự hồi sinh của ca trù Hải Phòng, không thể không nhắc tới các câu lạc bộ (CLB) hiện hành. Ngoài CLB nổi tiếng ở làng Đông Môn, năm 1993, CLB Ca trù thuộc Hội Văn nghệ Dân gian Hải Phòng được thành lập và được liệt vào hàng các CLB mạnh của cả nước, với 5 thế hệ hội viên đàn và hát. Nghệ nhân cao tuổi nhất đang sinh hoạt là kép đàn Trần Trọng Quế, 95 tuổi, và nhỏ nhất là quan viên Lê Anh Tùng, 13 tuổi. Từ năm 2005 đến nay, CLB này đã đoạt 10 Huy chương Vàng và Bạc tại 4 kỳ Liên hoan Ca trù cấp quốc gia. Bên cạnh 5 kép đàn và ca nương được phong Nghệ nhân năm 2009, ca nương Đỗ Quyên, 64 tuổi (chủ nhiệm CLB Ca trù Hải Phòng) mới đây đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT. Nhiều ca nương trẻ, có cả thanh lẫn sắc khác cũng đã khẳng định được vị trí của mình trong việc chinh phục nghệ thuật ca trù – một thể loại âm nhạc rất khó hát và khó học, kể cả đối với những người yêu say nó.

Thu Ngân (Thu Ngân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem