Vì sao thị trường tranh được quảng bá nhiều mà vẫn ế ẩm?

Chủ nhật, ngày 05/04/2015 09:00 AM (GMT+7)
Bằng nhiều cách, các họa sĩ, nhà sưu tập cũng như nhiều chủ gallery đang ra sức quảng bá tranh Việt qua các trung tâm nghệ thuật, triển lãm di động tại siêu thị, trung tâm thương mại, nơi trưng bày của một hãng ô tô… Thậm chí có họa sĩ dự định bày tranh ở bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) nhằm đưa nghệ thuật tới gần hơn với công chúng hơn.
Bình luận 0

Bằng nhiều cách, các họa sĩ, nhà sưu tập cũng như nhiều chủ gallery đang ra sức quảng bá tranh Việt qua các trung tâm nghệ thuật, triển lãm di động tại siêu thị, trung tâm thương mại, nơi trưng bày của một hãng ô tô… Thậm chí có họa sĩ dự định bày tranh ở bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) nhằm đưa nghệ thuật tới gần hơn với công chúng hơn.

img

Ngày đầu triển lãm bao giờ cũng khá đông người, còn từ ngày thứ hai phòng tranh vắng hoe

Khoảng cách giữa công chúng và mỹ thuật

Ngày 6.4 tới, chương trình "Bảo tàng mỹ thuật trong đời sống đương đại” sẽ diễn ra tại Hà Nội cũng là một cách để hâm nóng thị trường tranh Việt. Nhiều người trong giới mỹ thuật cho rằng hiện công chúng ít quan tâm tới hội họa, khách mua tranh đa số là người nước ngoài. 

Họa sĩ Vũ Hồng Nguyên (sinh năm 1976) từng gặt hái nhiều thành công, tạo dấu ấn trong làng hội họa bằng những triển lãm cá nhân, cũng như gửi tranh tham dự trong các triển lãm mang tính chuyên nghiệp trong và ngoài nước, nhưng anh vẫn hoạt động theo cách "mai danh ẩn tích”.

Tranh của Vũ Hồng Nguyên được anh "niêm yết” giá cao nhất là 50.000 USD. Còn bức "Mạch sống”, chất liệu sơn mài, anh đã bán ra nước ngoài giá 35.000 USD. Anh chia sẻ: "Hàng chục năm nay, tranh của tôi bán ở thị trường nước ngoài Hà Lan, Singapore, Hongkong, Pháp. Đa phần tôi bán cho những người sưu tập tranh. Còn với thị trường trong nước, dù rất muốn những tác phẩm của mình đến với công chúng, nhưng có lẽ tôi chưa có cơ hội làm việc đó”.

Lý giải điều này, theo họa sĩ Trần Lương, người Việt không mua tranh không hẳn là vì họ không có tiền, không đến xem triển lãm mỹ thuật không phải vì không có thời gian. Vấn đề là cần phải đưa công chúng tới gần với nghệ thuật, tạo ra môi trường hoạt động mỹ thuật để nâng cao nhận thức trong dân trí. Ví dụ như Trung tâm Mỹ thuật đương đại (Art-centre) là hình thức rất hiệu quả, nó là cầu nối công chúng và nghệ thuật. Mở những lớp học cơ bản về nghệ thuật, mời nghệ sĩ đến nói chuyện, giao lưu với công chúng… là cách để công chúng tiếp cận với nghệ thuât.

img

Thay vì tranh nghệ thuật thì những sản phẩm souvenir đang ngày một nhiều hơn ở những địa chỉ du lịch

Giấc mơ xa

Để chuẩn bị công chúng mỹ thuật thì phải hướng dẫn, nhưng giáo dục mỹ thuật ở trường học của chúng ta hiện nay rất hạn chế. Đáng buồn là ngay cả một số sinh viên tốt nghiệp trường mỹ thuật có khi cũng chưa biết... xem tranh. 

Về việc dạy vẽ trong trường phổ thông, nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật cho rằng đừng cố gắng dạy các em vẽ cái lọ hoa này, hay cái mũ, ngôi nhà, con mèo... sao cho thật giống, mà nên cho các em làm quen với các tác phẩm nghệ thuật. Làm sao để các em nhận ra được các thể loại tranh, các hình thái, trường phái để các em tự cảm nhận. Nhờ vào giáo dục của thày cô giáo hướng dẫn đào tạo người xem tranh bắt đầu từ lúc bé. Nói cách khác là hãy "tiêm” vào đứa trẻ những vaccine để chống sự lãnh cảm trước tác phẩm nghệ thuật, để chống đề kháng lại sự xa lạ của những tác phẩm nghệ thuật. 

Dễ dàng nhận thấy ở các cuộc triển lãm tranh, khi khai mạc thì rất đông bè bạn của họa sĩ, nhà báo… được mời tới tham dự. Nhưng sau màn nâng ly chúc tụng, tặng hoa, khen có, chê có thì ngay hôm sau, triển lãm vắng tanh. Mặc dù có những cuộc triển lãm rất đẹp, rất đáng để xem của các họa sĩ tài năng, hoặc các họa sĩ trẻ tìm tòi sáng tạo.  

Việc trám "lỗ hổng” kiến thức mỹ thuật không phải chuyện một sớm một chiều. Họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ: Gần đây, tôi làm triển lãm mà không in một chữ tiếng Anh nào trên các phương tiện quảng bá, từ giấy mời, bao bì, sách triển lãm... Tôi làm vậy không phải là hy vọng có người Việt mua tranh, mà để thể hiện sự tôn trọng với người Việt trước đã. Rồi hy vọng vài năm nữa, 10 năm, 20 năm nữa họ giàu có hơn, họ yêu thích và hiểu mỹ thuật hơn. Nhưng không biết điều đó có thành hiện thực hay không.

Về việc này, nhìn sang Indonesia, thực tế cho thấy nếu không có những người chơi tranh bản địa thì giá tranh của các họa sĩ trong nước không bao giờ lên tới 1 triệu USD. Tương tự, nếu không có những đại gia ở Hongkong chơi tranh thì không có những bức tranh trên 1,5 triệu USD. Nếu nhìn như vậy, mới thấy thương trường hội họa trong nước còn rất èo uột, mà chưa có liều thuốc nào đặc hiệu.
(Theo Báo Đại Đoàn Kết)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem