Dù "hóng" từng ngày, nhưng người lao động sát Tết mới được nhận tiền thưởng Tết, lý do chính xác là gì?

Thùy Anh Thứ sáu, ngày 12/01/2024 13:00 PM (GMT+7)
Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là tới Tết Nguyên đán năm 2024, thời điểm này, nhiều tỉnh thành đã công bố thưởng Tết. Thế nhưng tại nhiều doanh nghiệp, con số thưởng Tết chỉ mới dừng lại ở "lời đồn".
Bình luận 0

Công nhân mỏi mòn "hóng" thưởng Tết Nguyên đán năm 2024 

Mặc dù đã cận Tết và nhiều tỉnh, thành đã công bố thưởng Tết nhưng mức thưởng Tết thế nào thì những người được thụ hưởng vẫn không hay biết.

Chị Nguyễn Thị Lan Anh (28 tuổi), công nhân một công ty chuyên chế tạo linh kiện điện tử ở Đông Anh (Hà Nội) cho biết, năm nào công ty cô cũng cũng thưởng Tết cho công nhân lao động. Tuy nhiên, mức thưởng nhiều hay ít tùy thuộc làm tình hình làm ăn trong năm của doanh nghiệp.

"Tôi làm công ty được 5 năm, thường những năm trước, công ty thưởng Tết 1 tháng lương thứ 13, 1 tháng tiền lương bình quân cùng với các khoản tiền danh hiệu, tiền trang phục... Nhưng 3 năm nay, khi dịch Covid-19 xuất hiện, mức thưởng có giảm đi", chị Lan Anh nói.

thưởng tết

Doanh nghiệp "ngại" công bố thưởng Tết năm 2024 vì lo lao động phân bì. Ảnh: N.T

Tuy nhiên, cũng theo chị Lan, công ty chưa từng công bố mức thưởng Tết sớm, phải cận ngày nghỉ, thường là trước ngày nghỉ 3-5 ngày, công ty mới thông báo phát thưởng. Lúc đó, chị mới biết chính xác mức thưởng Tết là bao nhiêu, gồm những khoản nào.

Không chỉ chị Lan Anh mà hầu hết các công nhân làm việc ở các công ty, đơn vị sự nghiệp có thu cũng đều gặp phải tình trạng này. Các công ty, chủ sử dụng chỉ thông báo chi trả tiền lương, tiền thưởng vào gần sát ngày nghỉ Tết.

Năm nào cũng vậy, cứ sát ngày nghỉ Tết, đơn vị chị Nguyễn Thị Lương (35 tuổi) ở Nam Từ Liêm, Hà Nội mới trả thưởng Tết. Quê thì xa, tận Bình Định, nên Tết năm nào, gia đình chị cũng phải về quê sớm.

Báo cáo của 62/63 tỉnh thành phố (47.374 doanh nghiệp, tương ứng với 4,79 triệu lao động (chiếm 17,36% tổng số lao động làm công hưởng lương trên cả nước) gửi Bộ LĐTBXH cho thấy tình hình lương, thưởng tết có tăng nhẹ.

Đối với tết Dương lịch 2024, mức thưởng bình quân là 1,85 triệu đồng/người, tăng 49% so với thưởng dịp tết Dương lịch năm 2023 (1,24 triệu đồng/người). Mức thưởng tết Dương lịch 2024 cao nhất là 376,3 triệu đồng/người, thuộc về vị trí quản lý cấp cao tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở tỉnh Vĩnh Phúc. Mức thưởng tết Nguyên đán cao nhất năm 2024 là 5,68 tỉ đồng/người, thuộc về vị trí quản lý cấp cao tại doanh nghiệp FDI ở tỉnh Long An.

Về tiền lương trong 2023, bình quân của người lao động ước đạt 8,49 triệu đồng/tháng, tăng 3% so với năm 2022 (8,25 triệu đồng/tháng). Mức lương cao nhất năm 2023 là 834 triệu đồng/tháng, thuộc về vị trí quản lý cấp cao tại doanh nghiệp FDI ở Đồng Nai.

“Nhà 5 người, đi máy bay tốn kém nên tôi book vé tàu đi cho tiết kiệm. Một năm mới về quê 1 lần nên năm nào tôi cũng xin nghỉ phép sớm để về quê trước. Công ty trả thưởng muộn, có năm không nhận được, đành phải vay mượn bạn bè tiêu tạm, hoặc tạm ứng 1 khoản lương sau Tết mới lấy sau", chị Lương chia sẻ.

Theo chị Lương, công ty nên chi trả các khoản này sớm, ít nhất trước 1 tuần để người lao động phấn khởi và có tiền mua sắm Tết.

Lý do các doanh nghiệp ngại công bố thưởng Tết?

Chia sẻ với PV Báo Dân Việt về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, Bộ Luật lao động không quy định công ty hay chủ sử dụng phải trả tiền thưởng Tết cho người lao động. Vì thế, doanh nghiệp cũng không có nghĩa vụ phải công bố tiền thưởng tết cho công nhân, lao động. Nếu vấn đề này được đưa vào thỏa ước lao động và có ban hành quy định rõ trong nội quy công ty thì doanh nghiệp phải thực hiện theo. Tuy nhiên, hiện nay về cơ bản các công ty, doanh nghiệp đều có chế độ lương, thưởng Tết cuối năm cho người lao động. Bởi vì đây vừa là truyền thống tốt đẹp của dân tộc chăm lo cho lao động mỗi dịp Tết đến xuân về, cũng là cách để doanh nghiệp giữ chân người lao động.

thưởng Tết

Ông Lê Đình Quảng chia sẻ về thưởng Tết. Ảnh: N.T

"Thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng công khai mức thưởng Tết. Lý do là bởi mức tiền lương, tiền thưởng cũng là vấn đề nhạy cảm. Không đơn giản chỉ là câu chuyện chăm lo, chế độ phúc lợi mà nó còn là cách để doanh nghiệp thu hút người tài. Chưa kể tới các vấn đề phức tạp hơn", ông Quảng nói.

Chia sẻ thêm về câu chuyện doanh nghiệp ngại công bố tiền lương, tiền thưởng Tết, ông Quảng cho biết, trước đây đã có trường hợp công nhân lao động phản ứng, so sánh mức thưởng Tết giữa các đơn vị, dẫn tới đình công, biểu tình tự phát rất nguy hiểm. Bởi vậy, để tránh những phát sinh này, doanh nghiệp thường rất thận trọng khi công bố thưởng thưởng Tết.

Theo quan sát của phóng viên, đa phần các doanh nghiệp đều tổ chức trả lương tháng 13 và thưởng Tết cho người lao động vào sát ngày nghỉ, nhưng cũng có doanh nghiệp (chủ yếu doanh nghiệp nước ngoài) quy định trả thưởng Tết vào quý I của năm sau hoặc chia nhỏ các khoản thưởng ra từng quý hoặc quý II của năm đó. Điều này giảm bớt áp lực về tài chính, nhưng cũng tránh được tình trạng đình công của công nhân, lao động so sánh phân bì về mức thưởng Tết.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem