Vi phạm quyền lợi người tiêu dùng: Mức xử phạt chưa đủ sức răn đe

Thứ ba, ngày 03/04/2012 19:06 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội trao đổi với phóng viên về các mức xử phạt hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng quy định tại Nghị định số 19 vừa ban hành.
Bình luận 0
img
 Ông Vũ Vinh Phú

Theo Nghị định 19, nếu vi phạm chất lượng hàng hóa mức phạt có thể lên tới 70 triệu đồng, đây có phải là mức phạt cao nhất từ trước tới nay?

- Nhiều năm làm lãnh đạo trong ngành thương mại, tôi rút ra một kinh nghiệm là người kinh doanh chỉ sợ nhất là không được phép kinh doanh. Còn lại các hình thức phạt, tịch thu hàng hóa... thì chưa bao giờ khiến họ sợ cả. Nghị định 19 của Chính phủ rất chi tiết, cụ thể; các mức phạt cũng đưa ra khá cao nhưng tôi cho rằng vẫn sẽ không đủ sức răn đe trong bối cảnh quyền lợi người tiêu dùng đang bị xâm phạm nghiêm trọng như hiện nay.

Ông có thể lấy ví dụ cụ thể được không?

- Ví dụ, vi phạm về chất lượng xăng dầu mà phạt 70 triệu đồng thì chả nghĩa lý gì. Các doanh nghiệp lớn sẵn sàng nộp tiền phạt, thậm chí "đút lót" để tiếp tục hoạt động và rồi lại vi phạm chất lượng hàng hóa. Chưa kể, sẽ xảy ra tình trạng có những đối tượng không đủ điều kiện để phạt, ví dụ như bà bán rau bẩn ở chợ gây ngộ độc thì làm sao phạt được? Rồi các chế tài đưa ra để phạt cũng không rõ ràng, ai phạt, phạt ở đâu?... Những biện pháp mang tính hành chính như Nghị định 19 nêu ra chỉ là bổ sung thôi chứ không thể ngăn chặn ngay được các vi phạm.

Vậy theo ông, làm sao để quyền lợi người tiêu dùng được bảo đảm nếu không có ít nhất là các biện pháp hành chính như vậy?

- Tôi chỉ ví dụ, hành vi dùng chất tạo nạc trong chăn nuôi cũng đủ để rút giấy phép và cấm nuôi hay truy tố trước pháp luật. Hay pha tạp chất vào xăng cũng vậy. Chúng ta đừng nghĩ tới việc phạt vài chục triệu, đình chỉ kinh doanh vài tháng là xong, đó chỉ là “phủi bụi” mà thôi. Do vậy, đi kèm với các biện pháp hành chính thì các nhà làm luật cần tư duy lại, nên làm cho người ta sợ, đừng để người ta nhờn, sẽ dẫn tới nhiều văn bản luật bị vô hiệu hóa trên thực tế (như phạt người hút thuốc nơi công cộng).

Theo tôi, những vi phạm đã động tới sức khỏe người tiêu dùng cần phải bị cấm kinh doanh vĩnh viễn. Chúng ta cần có các chế tài để xử lý vi phạm từ gốc, từ sản xuất, từ trang trại... - đấy là mấu chốt của quản lý nhà nước về vi phạm quyền lợi người tiêu dùng; còn đã đến chợ hay lên bàn ăn rồi thì không cơ quan chức năng nào kiểm soát xuể.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem