Về thăm Hưng Xá…

Võ Hoài Nam (từ Mátxcơva) Thứ hai, ngày 01/09/2014 21:56 PM (GMT+7)
Cuối năm 2012 trong chuyến về thăm quê hương sau bao năm xa cách, tôi được một chú em tên Bảo mời tới chơi. Nhà Bảo ở xóm 3, xã Hưng Xá, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.
Bình luận 0
Vùng đất của tình người

Thực ra, vùng đất Hưng Nguyên này đâu có lạ lẫm gì đối với tôi. Những năm tháng chiến tranh của một thời bom rơi đạn nổ phải đi sơ tán, gót chân thời niên thiếu của chúng tôi đã rải mòn trên đất cát của vùng ven thị xã Vinh này…

Trên mảnh đất Hưng Xá này có nhiều truyền thống cách mạng mà người dân nơi đây thường rất tự hào. Trải qua hai cuộc kháng chiến anh dũng của dân tộc có biết bao anh hùng liệt sĩ và những vị cách mạng lão thành như: Lê Xuân Đào, Võ Trọng Cảnh, Nguyễn văn Cừ, Võ Trọng Nhỏ, Trần Giản, Lê Thúc Cương, Trần Mạnh Chín, Võ Trọng Cư, Võ Trọng Ân, Võ Trọng Linh, Trần Mạnh Chưởng…

img

Làng Văn Hóa xóm 3, xã Hưng Xá.

Trần Quang Bảo, một người con quê Hưng Xá, vừa lái xe vừa giới thiệu về những công trình của xã đang dần hiện ra trước mắt tôi. Từ xa, cổng chào “Hưng Xá kính chào quý khách!” trông nổi hẳn giữa bầu trời xám xịt đang sụt sùi cơn mưa dầm se lạnh cuối năm.

Đi qua cổng chào Làng Văn hóa thôn, Bảo nói “gia đình em cũng có chút ít đóng góp đấy anh ạ”. Tôi càng tò mò. Thêm nữa, nghĩa trang của xã và Đài tưởng niệm liệt sĩ, gia đình Bảo cũng tham gia góp tiền của tu sửa và xây mới.

Không chỉ với các công trình trong xã mà ngay cả trong dòng họ, gia đình Bảo cũng tích cực bỏ tiền của góp thêm để xây nhà thờ, hoặc giúp đỡ bà con lối xóm có hoàn cảnh kinh tế khó khăn…Với những đóng góp đáng khích lệ dó, gia đình Bảo nhiều lần được cấp bằng khen “Gia đình Văn Hóa”.

img Trước Đài Tưởng niệm liệt sĩ của xã Hưng Xá.

Tôi đi từ hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, xem ra sự đóng góp vật chất vì lợi ích chung của cộng đồng mà gia đình Bảo đang tích cực tham gia là những việc làm ý nghĩa vô cùng thiết thực, không phải ai cũng có thể sẵn lòng “mở hầu bao” như vậy. Nhất là trong thời buổi làm ăn kinh tế khó khăn như hiện nay. 

Con đường về Hưng Xá hôm nay mở rộng hơn nhiều, được rải nhựa bằng phẳng, nhà cửa hai ven đường mái ngói, thậm chí có cả những ngôi nhà hai, bà tầng cũng nhiều lên. Đâu như ngày xưa, đất cát gồ ghề với những ổ gà, ổ voi, với những mái tranh nghèo mộc mạc. Xem ra, đời sống nhân dân của xã  đã và đang có sự thay đổi rõ rệt.

Đến thăm ngôi nhà từ đường mới hoàn thiện của gia đình nơi mà những anh chị em của Bảo góp bao công sức, tiền của xây dựng mấy năm nay, tôi thấy được phần nào tình cảm, tấm lòng hiếu thảo và sự tôn kính của họ dành cho ông cha mình.

img

Ngôi nhà từ đường đang xây dang dở của gia đình Bảo (cuối năm 2012). 

Phiến gỗ rộng 1 mét 50, dài 3 mét, dày 20 cm, chạm khắc quang cảnh quảng trường Đỏ như để tri ân một nước Nga đã cưu mang mấy anh chị em Bảo gần ba chục năm lao động, làm ăn sinh sống. Một phiến gỗ khác tương tự cũng được chạm khắc cảnh Văn Miếu Quốc Tử Giám, như để nhắc nhở luôn ghi nhớ một nền văn hóa Việt của ông cha.

Tấm lòng của những người con xa quê

May mắn của mấy anh chị em nhà Bảo là họ có một người cha,một người mẹ hiền từ luôn răn dạy con cái làm những điều hay lẽ phải.  Cha Bảo là ông Trần Mạnh Chưởng, nguyên cán bộ ở Ban kiểm tra Đảng của huyện ủy Hưng Nguyên đã tham gia cách mạng với 50 năm tuổi Đảng, được Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương, bằng khen, giấy khen…Mẹ Bảo là bà Nguyễn Thị Nhiên, một phụ nữ nông dân hiền lành chất phác đảm đang, chiều chồng thương con, luôn chăm lo hạnh phúc gia đình để chồng yên tâm công tác. Gia đình Bảo có người chú ruột hi sinh năm 1968.

img
 

Cụ Trần Mạnh Chưởng, cán bộ lão thành cách mạng với 50 tuổi Đảng.

Nhà có 6 anh chị em thì người anh cả Trần Quang Thanh hiện là đại tá đang phục vụ trong quân đội, hai người chị là cán bộ nhà nước, còn 3 người em: Trần Quang Bảo, Trần Thị Lan và Trần Quang Đạo thì hiện đều đang làm ăn sinh sống tại Liên Bang Nga. Ngay cả vợ của Bảo, hay chồng của Lan cũng đang làm ăn tại Mátxcơva. Sống trong môi trường đó, mấy anh chị em nhà Bảo trưởng thành khôn lớn cũng là điều dễ hiểu. Tôi luôn nghĩ về sự đóng góp cho xóm thôn làng xã của họ bởi cái tâm ở bên trong mà không phải ai cũng có.

Bảo trước khi sang Liên xô lao động hợp tác (1986) cũng từng là lính đảo Trường Sa và từng bị thương. Bởi thế, dịp tháng 5 năm ngoái, khi tôi ra thăm đảo Trường Sa trong chuyến công tác với đoàn Việt Kiều do Ủy ban nhà nước về người nước ngoài tổ chức, Bảo nhiều lần tâm sự: “Em cảm thấy nhớ đảo, nhớ biển, nhớ bạn bè năm xưa cùng mình ở đấy, nếm trải gian khổ từng ngày từng đêm…” Hèn chi, năm kia, Bảo cùng Liễu và Lan đã rất nhiệt tình cùng Hội đồng hương Nghệ An tại Mátxcơva xúc tiến phong trào “Góp đá ủng hộ Trường Sa” và nhiều hoạt động từ thiện xã hội khác.

Năm 1986, sang Liên Xô lao động hợp tác, Liễu và Lan là hai trong số hai trăm cô gái xứ Nghệ là thợ dệt xuất sắc ở nhà máy dệt Blagovenxco được tuyên dương “Người lao động cần cù, chịu khó và sáng tạo”. Thời kì những năm 90 về trước, khi Liên Xô tan rã, họ không về nước mà ở lại Nga làm ăn sinh sống. Trải qua bao vất vả, vật lộn với thương trường Nga thời mở cửa, họ đã tự đứng trên đôi chân của chính mình và đóng góp sức lực để giúp đỡ gia đình, thôn xóm.

…Ngôi nhà của gia đình Bảo nằm ven bờ sông Lam. Đứng trên đó, nhìn ra dòng Lam thơ mộng, tôi thấy tình người, tình đất mặn mà với quê hương sâu thẳm trong trái tim mỗi người dân Hưng Xá  nơi đây.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem