Về bài “Nông trường chiếm đất rừng của dân”: Sẽ xác định ranh giới để trả lại đất cho dân

Ngọc Lê Thứ hai, ngày 25/08/2014 11:19 AM (GMT+7)
Như NTNN đã thông tin (xem số 202/2014) về việc “Nông trường chiếm đất rừng của dân” tại Nghệ An, phản ánh việc Nông trường Cao su Quế Phong ngang nhiên chiếm đất rừng của cộng đồng bản Pỏm Om, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong nhưng không chịu trả lại. 
Bình luận 0

Để làm rõ vấn đề này, PV NTNN đã trao đổi với ông Lê Hữu Huy- Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển cao su Nghệ An. Ông Huy hiện cũng đang được giao phụ trách Nông trường (giám đốc cũ là ông Hồ Văn Mười đã được điều chuyển công tác).

Nói về việc nông trường chiếm đất của dân, ông Huy cho rằng, diện tích đất của cộng đồng bản Pỏm Om nằm ở tiểu khu 85, sát với diện tích đất theo quyết định đã được UBND tỉnh Nghệ An giao cho Tổng đội Thanh nhiên xung phong quản lý, sau đó diện tích đất này đã được bàn giao nguyên trạng sang cho nông trường. Song không hiểu sao, UBND huyện Quế Phong lại đi cấp bìa đỏ cho cộng đồng ở đây, mà đáng lẽ phải thống nhất trước khi cấp đất cho cộng đồng. Tuy nhiên, khi nghe chúng tôi hỏi biên bản bàn giao đâu, ông Huy lại nói đang để ở… công ty.

Ông Huy cũng thừa nhận, trong dự án này cũng tồn tại một số điểm hạn chế, trong 8.700ha đất của nông trường trải dài 8km, có nhiều chỗ ranh giới không rõ nên có thể có chỗ khi san ủi bị lấn sang một vài mét. “Sau khi trồng, chúng tôi mới biết diện tích đất này của dân đã được cấp sổ đỏ và đã làm việc với xã. Nhưng cũng phải khẳng định, cấp đất mà không có ý kiến của Công ty cao su là sai” - ông Huy nói thêm.

Hiện tại, theo thống kê chính thống của Công ty Cao su Nghệ An, có 1.786 cây cao su trồng sang phần đất mà cộng đồng bản Pỏm Om đang yêu cầu trả lại. Về vấn đề này, ông Huy cho biết, bản thân công ty không thể tự ý thanh lý số cây cao su kể trên mà phải báo cáo với Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam. Tuy vậy, ông Huy cũng khẳng định: “Tôi xin khẳng định sẽ giải quyết dứt điểm việc này, trong trường hợp nếu tới đây đo lại diện tích nếu đúng lấn sang đất của dân, chứ không phải vì mấy nghìn cây cao su mà cứ để tranh cãi mãi, chúng tôi sẽ trả lại đất cho dân. Chúng tôi cũng sẽ báo cáo với tập đoàn để thanh lý số cây cao su trên”.

Ông Huy cũng đề xuất phương án, có thể công ty sẽ lập phương án đền bù, giải phóng mặt bằng cho dân. Tuy nhiên, hiện phía UBND xã Hạnh Dịch vẫn bảo lưu quan điểm, yêu cầu trả lại nguyên trạng diện tích đất mà nông trường đã chiếm của dân, bởi đây là khu vực rừng thiêng, có nhiều ý nghĩa với cộng đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem