Vật vã sống cùng di sản: Đừng bỏ quên lợi ích của dân

Thứ bảy, ngày 18/05/2013 06:51 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ở Quảng Nam, tỉnh đã lập ra một đề án bảo tồn và trùng tu di tích hàng năm rất tốt. Di sản mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân địa phương khiến họ yên tâm sinh sống và gìn giữ.
Bình luận 0

Hơn 30 tỷ đồng để tu bổ cấp thiết

Theo ông Phan Văn Cẩm- Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và Danh thắng tỉnh Quảng Nam, hiện tỉnh này có 286 di tích cấp tỉnh, 54 di tích quốc gia, 2 di tích quốc gia đặc biệt đã được xếp hạng. Trong đó, có hơn 120 di tích của tỉnh đã và đang bị xuống cấp cần tu bổ cấp thiết.

img
Người dân Hội An ý thức được rằng mình đang hưởng lợi từ các di tích nên đã hết lòng bảo tồn di tích

Để bảo tồn giá trị văn hóa và tạo ra không gian cho người dân đang sở hữu di tích trên, ngày 26.11.2011 UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt “Đề án Tu bổ cấp thiết di tích cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011-2020”. Đây cũng là đề án đầu tiên trên địa bàn khu vực miền Trung về việc tu bổ di tích. Đến nay, tổng số tiền của đề án do UBND tỉnh cấp hàng năm và huy động từ nguồn vốn địa phương hơn 30 tỷ đồng.

Việc ra đời của đề án thật sự tạo bước đột phá trong việc quản lý, trùng tu và bảo tồn di tích ở tỉnh Quảng Nam, góp phần tháo gỡ những lúng túng của các địa phương trong suốt một thời gian dài. Trong các địa phương có di tích, Quảng Nam quan tâm nhất đến Hội An.

Để đảm bảo nơi ở, sinh hoạt của người dân trong những khu vực di tích, Hội An đã có Đề án “Quy hoạch và bảo tồn phát huy giá trị di sản” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngoài ra, nơi đây còn có Đề án “Xây dựng mở rộng dãn dân” ra ngoài khu vực lân cận nhằm đảm bảo được giá trị di sản và khu vực nhà phố cổ. Đề án này đang chờ cấp trên phê duyệt.

Nơi đây đất chật, người đông. Hàng năm di tích nào tại Hội An xuống cấp, tỉnh và trung ương đều bỏ kinh phí tu bổ lại. Ngoài ra, người dân Hội An cũng tự biết họ đang hưởng lợi rất nhiều từ các di tích trên địa bàn. Ngoài việc có ý thức bảo tồn, gìn giữ di tích, người dân còn chủ động phối hợp với Nhà nước trong việc đóng góp tài chính tu sửa các di tích hư hỏng.

An cư để giữ di sản

Ông Nguyễn Chí Trung- Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản TP.Hội An cho biết, tại Hội An chưa hề có chuyện người dân trả lại bằng công nhận di tích. Đơn giản bởi vì Hội An đang làm tốt công tác bảo tồn di tích. Mỗi di tích xuống cấp sẽ được hỗ trợ trùng tu từ 40 - 75% kinh phí. Quảng Nam đã vạch ra một “quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị di tích, danh thắng” nhằm cho ra đời một hành lang pháp lý vững chắc để các địa phương chủ động thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn di tích có lợi cho người dân.

Một chuyên gia về du lịch cho biết, nếu qua Vân Nam, một tỉnh nghèo của Trung Quốc, sẽ thấy các hướng dẫn viên đã rất có ý thức trong việc tranh thủ thời gian để giới thiệu về các điểm đến, các phong tục, tập quán, sản phẩm hàng hoá của địa phương. Họ rất khéo léo trong việc kết nối các cơ sở dịch vụ vào lộ trình của mỗi ngày.

GS Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam cho biết: “Bất kỳ di tích nào, nếu không có sự quan tâm đúng mức của cơ quan quản lý, không dung hòa được quyền lợi của 3 đối tượng là Nhà nước – người dân – công ty du lịch thì cũng sẽ không thể tồn tại được. Đời sống tối thiểu của mỗi con người còn chưa được đảm bảo thì làm sao yêu cầu họ chung sức gìn giữ phát triển di tích được? Cho nên muốn giữ được di sản cho muôn đời sau thì không có cách nào khác là phải giúp người dân an cư lạc nghiệp”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem