Vào biên chế cũng có... suất ngoại giao

Thứ hai, ngày 08/11/2010 14:43 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Những ngày qua, nhiều thương, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng ở Nam Đàn, Nghệ An đã phải “gõ” nhiều nơi để kêu cứu việc con em họ bị đối xử không công bằng trong việc xét tuyển biên chế giáo viên.
Bình luận 0
img
Ông Nguyễn Kim Sinh đã gửi đơn kiến nghị đi nhiều nơi

Dư luận bức xúc

Năm 2009, giới giáo chức ở Nam Đàn rất phấn khởi, bởi huyện có chủ trương xét biên chế lớn. Theo Quyết định số 459/QĐUB ngày 27- 9- 2009 của UBND huyện Nam Đàn, các tiêu chí thuyên chuyển, xét tuyển giáo viên (GV) từ hợp đồng sang biên chế, sẽ ưu tiên xét tuyển theo thứ tự: GV giỏi quốc gia, GV có trình độ thạc sĩ trở lên; GV giỏi cấp tỉnh, vợ (hoặc chồng) liệt sĩ, con liệt sĩ, con thương binh, con Anh hùng LLVT trên địa bàn huyện quản lý; GV giỏi cấp huyện, con thương binh 2/4, con bệnh binh mất sức từ 61% trở lên; con thương binh¾, con bệnh binh 2; con thương binh 4/4, con bệnh binh 3.)

Đợt xét tuyển biên chế này lớn nhất từ trước tới nay ở Nam Đàn với gần 100 người/300 GV hợp đồng. Hội đồng xét tuyển của huyện gồm 4 lãnh đạo huyện do ông Trần Đình Hường - Chủ tịch UBND huyện (nay là Bí thư Huyện uỷ Nam Đàn) đứng đầu. Thế nhưng, kết quả xét tuyển đã khiến cho nhiều người thấy thất vọng, bất bình.

Ông Nguyễn Kim Sinh - thương binh 4/4 ở xóm 6 xã Nam Anh, bố của GV Nguyễn Thị Hương (Trường Tiểu học Nam Anh) bức xúc: “Trường Tiểu học Nam Anh có 4 GV hợp đồng từ năm 2003 làm đơn xin xét biên chế. Đến nay 3 GV đã được biên chế, trừ con tôi.

Điều đáng nói, những người được vào biên chế chỉ có bằng trung cấp, chuyên môn bình thường, gia đình không thuộc diện chính sách. Ngược lại, Hương bằng cấp chính quy, là GV dạy khá, giỏi nhiều năm liền. Bản thân vợ chồng tôi đều là thương binh chống Mỹ. Thế nhưng con tôi lại bị gạt ra ngoài”.

Nhiều trường hợp chính sách bị loại

Đợt xét biên chế này, ngoài trường hợp của cô Hương, còn một số trường hợp GV khác là con thương binh - bệnh binh cũng chịu kết quả tương tự. Đó là trường hợp GV Hồ Thị Nga (có mẹ là thương binh 4/4, ký hợp đồng năm 2002, dạy tại Trường THCS Nam Trung); GV Nguyễn Thị Thuý Hằng (GV dạy giỏi cấp tỉnh 2008 – 2009, dạy tại Trường TH Nam Tân, có bố là bệnh binh 71%); GV Hoàng Thị Nhung (Trường THCS Hùng Tiến) - GV dạy giỏi cấp huyện, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, có chồng là bộ đội công tác xa nhà…

Trao đổi với NTNN, ông Phạm Hữu Từ - Phó Phòng Giáo dục huyện Nam Đàn thừa nhận: “Đợt xét tuyển vừa qua, có một vài trường hợp huyện cho biên chế là để quan hệ đối ngoại. Những trường hợp giáo viên gia đình chính sách như trên phải được vào biên chế, tuy nhiên không hiểu sao hội đồng xét duyệt lại bỏ ra ngoài? Có khoảng 10 - 15 trường hợp như thế, quyết định bổ sung cũng không phải là quá khó khăn”.

Để làm rõ về vấn đề này, GV Nguyễn Thị Hương đã có đơn khiếu nại và huyện Nam Đàn đã lập đoàn thanh tra. 50 ngày sau đoàn thanh tra kết luận, theo thứ tự cô Hương ở dạng ưu tiên thứ 5 nên chưa được xét biên chế.

Kết luận trên đã khiến cho nhiều GV con gia đình chính sách rất bức xúc bởi trong khi họ bị loại ra thì có khá nhiều GV không thuộc đối tượng chính sách, tiêu chuẩn xét tuyển thấp hơn, thời gian giảng dạy ít hơn, thậm chí chưa đạt chuẩn đào tạo… thì lại được vào biên chế.

Đơn cử như cô L.T.T.H ký hợp đồng năm 2002, 5 năm liên tiếp xếp loại trung bình; cô P.T.L.A ký hợp đồng năm 2003, 4 năm xếp loại trung bình…

Ngày 2-11, UBND huyện Nam Đàn đã thành lập Đoàn thanh tra do ông Hoàng Đình Tiến - Chánh Thanh tra huyện làm Trưởng đoàn để làm rõ những vấn đề mà các GV đã phản ánh. Đoàn thanh tra sẽ làm việc trong 30 ngày.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem