Lớp học hát then độc đáo giữa phố cổ Hà Nội

Thiên Việt Thứ ba, ngày 21/04/2015 08:03 AM (GMT+7)
Trong căn phòng  nhỏ, tiếng nhạc vọng lên réo rắt, ấm áp, với lời ca dịu dàng, ngọt ngào như lời ru của mẹ kể về tình yêu quê hương, tình yêu đôi lứa… làm cho người nghe bỗng thấy bồi hồi.
Bình luận 0

Chỉ có tình yêu

Giữa lòng Hà Nội, ở một con phố cổ có một câu lạc bộ của những người yêu đàn tính. Hàng tuần vào chiều Chủ nhật họ họp nhau ở đây để rèn luyện trau dồi những kỹ năng đàn hát then. Lớp có khoảng 20 học viên, một số là con em người Tày về công tác ở Hà Nội như chị Cam Thị Kim vốn là một cô gái người Tày học ĐH Văn hóa nghệ thuật Quân đội.

Hiện chị đã sống và công tác tại Hà Nội nhưng vẫn yêu mến tiếng đàn tính đã được nghe từ bé. Một số thành viên khác của lớp học là các sinh viên của các tỉnh miền núi đang học tại thủ đô. Có những người do ông bà bố mẹ có thời kỳ công tác tại Cao Bằng nay chuyển về Hà Nội và truyền cho con tình yêu đối với đàn tính.

img
Lớp học hát Then, đàn tính giữa lòng Hà Nội.  Ảnh: Thiên Việt

Lớp học này được mở từ tháng 6.2013 do 2 cô giáo là Nguyễn Thị Tuyết Mai- giáo viên Trường ĐH Văn hóa nghệ thuật Quân đội và chị Hoàng Cẩm Vân – nguyên là diễn viên đoàn ca múa nhạc Cao Bằng. Đây là lớp học miễn phí, từ cô giáo và học sinh đến đây chỉ vì một tình yêu thuần khiết đối với tiếng hát then.

Những người giàu kinh nghiệm thì dạy cho người trẻ cách luyến láy, phát âm tiếng Tày sao cho chuẩn vì bài hát được hát bằng hai thứ tiếng: Tiếng Việt và tiếng Tày. Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Mai nói: “Nếu tôi đi dạy thêm ở ngoài thì 1 giờ của tôi có thể được 200 ngàn đồng nhưng ở đây vì niềm đam mê với nghệ thuật nên tôi dạy miễn phí. Tôi mong rằng tương lai điệu nhạc then sẽ có một chỗ đứng vững chắc lòng người Thủ đô như những điệu chầu văn, câu hát ví giặm… vì nó là một thứ văn hóa dân gian cổ lưu truyền từ nghìn năm.

Cô Nguyễn Thị Tuyết Mai đã biên soạn một quyển sách sưu tầm những bài ca của người Tày dày hàng trăm trang để phục vụ công việc giảng dạy. Cô Cam Thị Kim nói: “Mọi người trong lớp đều rất yêu thứ nhạc này. Căn phòng học này cũng có một chị là thành viên trong lớp cho mượn không mất tiền, anh ạ”. Những ngày tháng sau Tết Ất Mùi, nhóm đã được mời tham gia biểu diễn ở nhiều nơi và đã được công chúng rất yêu thích tại Hà Nội.

Người truyền lửa

Nguyên là một giáo viên của Trường ĐH Văn hóa nghệ thuật Quân đội, cách đây hơn 10 năm cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Mai được giao làm một dự án dạy những điệu nhạc của các dân tộc cho học sinh trong trường. Cô lên Cao Bằng tìm tới những người già có nhiều kinh nghiệm trong nghề để học hỏi. Cô đã may mắn gặp được nhạc sĩ Hoàng Hoa Cương (người Tày) và đã được ông truyền cho rất nhiều kinh nghiệm.

Quan điểm

Cô giáo Tuyết Mai
  Rất tiếc là ở những nơi di tích lịch sử như thác Bản Giốc, Pắc Bó chưa có những nhóm nhạc để biểu diễn cho khách du lịch đến thăm  để giới thiệu về vẻ đẹp của quê hương mình”.  
Cô cho biết: “Hát then là một loại hình độc đáo của dân tộc Tày. Nó bao gồm ca múa nhạc tổng hợp phong phú đa dạng với hàng trăm làn điệu. Cấu trúc thường có 3 loại: Giữ nguyên giai điệu cổ lời mới; mở rộng vùng chất liệu mới; sáng tác mới nhưng dùng giai điệu đặc trưng”. Ở miền núi điệu hát này thường hát trong các dịp lễ, cúng, ăn cưới hoặc ma chay… Hơn 10 năm nghiên cứu hát then gặp gỡ các thầy cúng lâu năm trong nghề, cô Mai đã có thể phân biệt được cách hát của người Thái và người Tày như thế nào, đàn tính 2 dây và đàn tính 3 dây chơi khác nhau ra sao, điệu nhạc Then ở Lạng Sơn có lửa thế nào?...

 

Cô Mai tâm sự: “Đây là vốn quý của dân tộc. Càng tiếp xúc lâu càng thấy giá trị tinh thần sâu sắc của nó. Rất tiếc là ở những nơi di tích lịch sử như thác Bản Giốc, Pắc Bó chưa có những nhóm nhạc để biểu diễn cho khách du lịch đến thăm để giới thiệu về vẻ đẹp của quê hương mình. Ở Lạng Sơn tôi thấy hát then được giới thiệu rộng rãi hơn”.

Cô Mai cho biết, để dạy tốt loại hình âm nhạc này, giáo viên phải là người phải nắm được cả 2 kỹ năng ca, múa và nhạc. Nhưng hiện tại ở một số chương trình ở các tỉnh giáo viên dạy lời riêng, nhạc riêng nên kết quả học sinh tiếp thu không tốt. Tại Cao Bằng hiện nay, những người biết nhạc then còn rất ít và do học thường truyền khẩu cho nhau như nói tiếng “bồi” nên học sinh mau chán.

Hiện tại hát then đã được lập hồ sơ xin UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Nhờ những người truyền lửa tâm huyết như cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Mai, chúng ta hoàn toàn có lòng tin rằng môn nghệ thuật này sẽ có sức sống mãnh liệt không chỉ ở Cao Bằng mà còn ở bất cứ vùng miền nào của Tổ quốc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem