“Kéo co ngồi” được phong danh là di sản quốc gia: Liệu có nhầm lẫn?

Thứ hai, ngày 27/04/2015 14:40 PM (GMT+7)
Mới đây, lễ đón nhận Bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia kéo co ngồi ở Long Biên (Hà Nội) được tổ chức khá đình đám thu hút sự chú ý của công luận.
Bình luận 0

Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa không khỏi "giật mình” bởi thực chất di sản này mới được "ngồi” trong danh mục di sản quốc gia chứ chưa hề được phong danh. Thực tế trên cho thấy tình trạng di sản chạy theo danh hiệu vẫn đang diễn ra.

img
Kéo co ngồi vừa góp mặt trong danh sách di sản cấp quốc gia

Nói cách khác, vì cơn khát danh hiệu di sản mà nhiều địa phương sẵn sàng bỏ qua thực chất của việc công nhận là để nắm bắt giá trị của di sản chứ không phải để lấy đó phục vụ các mục đích khác.

Trở lại với lễ đón nhận Bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia kéo co ngồi đã đề cập ở trên, không lẽ chính quyền địa phương lại có sự nhầm lẫn? Một băn khoăn khác cũng được đưa ra, chẳng lẽ mới chỉ được đưa vào danh mục di sản (chưa công nhận) mà Bộ VHTT&DL cũng đã cấp bằng?!

Bởi theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, rõ ràng tấm bằng ấy ghi rõ đưa di sản kéo co ngồi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, chứ không phải là xếp hạng cấp quốc gia cho di sản này. Và có lẽ điều này chỉ là thói quen có tư duy "xếp hạng” của người làm văn hóa địa phương?

Khi di sản này ở danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hay nếu sau này ở danh mục di sản văn hóa phi vật thể thế giới liên quốc gia thì Bộ VHTT&DL và UNESCO chỉ nhằm mục đích tôn vinh, nắm bắt di sản ở mức độ nào, thúc đẩy nhận thức của cộng đồng để họ có thái độ ứng xử đúng với di sản, chứ không phải ở "cái mẽ” danh hiệu.

Ở nhiều địa phương, người ta luôn nghĩ đưa du lịch vào di sản thì di sản đó mới oai, mới có giá trị, đó là ý nghĩ rất sai lầm, bởi không có du lịch thì di sản vẫn có giá trị với cộng đồng.

"Tôi nghĩ, di sản kéo co ngồi ở đền Trấn Vũ (Long Biên, Hà Nội) nên duy trì ở quy mô của phường, của xã, đừng mở rộng thêm nó vì đó là nhu cầu tâm linh, là đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng đó chứ không phải của người bản địa khác. Du lịch chỉ nên "nhón” trong hàng vạn di sản để kết nối, để làm kinh tế, còn đa số các di sản văn hóa phi vật thể khác hãy giữ lại làm đời sống văn hóa của cộng đồng”, TS Huy nhấn mạnh.

Ở góc độ bảo tồn, nhiều địa phương hiện đang quá quan tâm tới việc được cấp danh hiệu để có kinh phí bảo tồn di sản, và tiêu tốn quá nhiều tiền của cho việc bảo tồn. Thời gian gần đây, người ta bắt đầu nhắc đến việc bảo tồn có chọn lọc. TS Nguyễn Văn Huy cho rằng: Bảo tồn di sản không tiêu tốn quá nhiều tiền. Điều quan trọng là người làm quản lý văn hóa, nhà nghiên cứu phải giúp người dân nhận diện được di sản, chỉ ra được giá trị của nó thì cộng đồng bản địa sở hữu di sản đó sẽ chung tay bảo vệ. Nhưng cũng có những di sản cần phải xây dựng đề án để bảo tồn, để lưu giữ . Khi đặt lên bàn cân, một là để di sản mất đi, hai là có nguồn kinh phí để "chữa cháy” và "cấp cứu” thì nên chọn phương án nào?

Liên quan với việc phong danh di sản hiện nay, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cảnh báo: "Nếu chỉ hoan hỉ để phong tặng các danh hiệu mà không quan tâm đến giá trị đích thực, những khao khát thậm chí trong đó còn nhuốm cả màu hơi vụ lợi, rất thích được phong tặng, coi đó là giá trị cao nhất của di sản thì rất nguy. Sau khi được phong danh thì lại có thái độ thỏa mãn. Chúng ta không nên loạn chuẩn trong việc xếp hạng, phân loại… nó sẽ đưa đến bức tranh hỗn loạn về di sản”.
(Theo Báo Đại Đoàn Kết)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem