“Vắc-xin dịch vụ 6 trong 1 còn khan hiếm dài ngày”

Diệu Thu Thứ ba, ngày 04/08/2015 20:57 PM (GMT+7)
Đó là khẳng định của PGS.TS.Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng- Bộ Y tế bên lề buổi họp báo thông tin về tình kết quả triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin sởi-rubella diễn ra chiều 4.8.
Bình luận 0

Trao đổi với phóng viên, ông Phu cho biết, tình trạng khan hiếm vắc-xin “6 trong 1” hiện chưa có để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng dịch vụ cho người dân.

Ông Phu lý giải, do nhà sản xuất thay đổi dây chuyền sản xuất, lô sản xuất vắc-xin bị hỏng… dẫn tới hiện tượng thiếu vắc-xin.

Cũng theo ông Phu, trước nguy cơ khan hiếm vắc-xin, ngay từ đầu năm 2015, Bộ Y tế đã có yêu cầu nhà sản xuất phải công bố số lượng vắc-xin có thể cung ứng được trong năm 2015 để thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết.

Kết quả cho thấy, loại vắc-xin tiêm chủng dịch vụ như vắc-xin “6 trong 1” và "5 trong 1" chỉ đáp ứng được 100.000 trẻ trong khi Việt Nam có tới 1,6 triệu trẻ.

img

Vắc-xin dịch vụ "6 trong 1" còn khan hiếm dài ngày.

Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã yêu cầu các điểm tiêm chủng dịch vụ phải có vắc-xin tổng hợp Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng và vắc-xin này sẽ được tiêm miễn phí cho trẻ.

Điều này khiến các điểm tiêm chủng dịch vụ vất vả hơn nhưng Bộ Y tế đưa ra quyết định trên để đảm bảo quyền lợi của trẻ em.

“Tại Hà Nội, thời gian qua đã có 20.000 trẻ được tiêm vắc-xin tổng hợp Quinvaxem ở điểm tiêm chủng dịch vụ”, ông Phu nói.

Ông Phu cho biết, hiện nhiều người dân nhầm lẫn cho rằng vắc-xin của chương trình tiêm chủng mở rộng là vắc-xin nội. Vắc-xin dịch vụ là vắc-xin ngoại, điều này chưa chính xác. Vắc-xin của chương trình tiêm chủng mở rộng cũng có nhiều loại vắc-xin ngoại, ngược lại, vắc-xin dịch vụ cũng sử dụng vắc-xin do trong nước sản xuất.

Ông Phu khuyến cáo, các bà mẹ nên tin tưởng về tính an toàn và chất lượng vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Tất cả các loại vắc-xin đều phải qua kiểm định, đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới được đưa vào sử dụng. Hiện nay, vắc-xin Việt Nam đã được thế giới công nhận và đánh giá đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Để giảm thiểu các nguy cơ phản ứng sau tiêm, khi đưa con đi tiêm chủng, các bà mẹ cần mang theo sổ tiêm chủng của trẻ và thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình, như tiền sử quá trình sinh đẻ, bệnh tật, tiêm chủng của trẻ, đặc biệt lưu ý các phản ứng mạnh với lần tiêm trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, nôn trớ, phát ban, sưng nề vùng tiêm... để có chỉ định tiêm vắc-xin phù hợp.

Đặc biệt, trẻ cần được theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng và tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 48 giờ sau tiêm chủng. Cần đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng như sốt cao, co giật, khóc thét, quấy khóc kéo dài, li bì, bỏ bú, khó thở, tím tái... để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem