“Vác tù và” bằng lòng nhiệt tình

Thứ tư, ngày 26/12/2012 07:48 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Nếu không có tấm lòng, không ai làm được cộng tác viên dân số” - đây là nhận định chung của hơn 160.000 cộng tác viên dân số toàn quốc.
Bình luận 0

“Chân mòn đến gối”

Một cộng tác viên (CTV) dân số nói vui: “Nếu chân tôi làm bằng gỗ thì nó đã mòn đến tận gối rồi”. Lời nói hài hước nhưng là nỗi niềm của hàng trăm ngàn CTV dân số. Bà Nguyễn Thị Nga (54 tuổi, CTV dân số thị trấn Chợ Chu, Định Hóa, Thái Nguyên) đã gắn bó với dân số được 13 năm. Hàng ngày, bà phải lăn xả tới từng nhà, làm bạn, làm em, làm cháu của mọi người rồi mới hỏi được chuyện con cái, nắm tâm tư nguyện vọng của họ rồi mới tìm được điểm nhạy cảm để tác động vào suy nghĩ của họ.

img
Cộng tác viên dân số luôn làm việc với phương châm: “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”.

Bà Nga cho biết, nhiều gia đình “cố thủ” với tư tưởng nhất định phải sinh con trai. Có người chồng mắng bà “rỗi hơi, đưa chuyện”, nhưng bà vẫn nhẫn nại, đợi hôm sau quay lại. Bà lấy gương của những gia đình sinh con một bề là gái sống vui vầy, hạnh phúc để vận động. “Quan trọng là phải trở thành bạn của họ trước khi thành CTV dân số” – bà Nga cho biết.

Ngày 25.12, Bộ Y tế tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam 26.12. Theo Bộ Y tế, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp tục được báo động. Tỷ lệ này hiện nay trên cả nước là 112,3/100, nhưng nếu không có can thiệp tích cực, dự báo đến năm 2020 tỷ lệ này là 125/100.

Còn anh Nguyễn Đình Thoảng (46 tuổi, CTV dân số xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) phải vác cả chăn màn của nhà đi tặng các gia đình khó khăn. Người dân Hòa Hiệp Trung chủ yếu làm nghề đi biển, thường vắng nhà nên tập hợp họ để vận động là rất khó khăn.

Gần 50 CTV dân số xã Hòa Hiệp Trung đã tập trung với nhau thành lập CLB tuyên truyền viên dân số, cùng nhau chia sẻ khó khăn và tìm cách thức sinh hoạt phù hợp. CLB đã tự thành lập đội văn nghệ xung kích, tự tập đàn hát và định kỳ tổ chức cho bà con xem 2 tháng một lần, khi người dân vừa đi biển về. “Có tiếng đàn, tiếng hát là người dân tự nhiên tìm đến, lúc đó chúng tôi sẽ lồng ghép tuyên truyền các kiến thức dân số”- anh Thoảng nói.

Chính sách có như không

Hiện nay, theo chế độ chung, mỗi CTV dân số được hưởng 50.000 đồng/tháng từ ngân sách nhà nước. Còn các tỉnh, tùy tình hình sẽ hỗ trợ thêm. Tuy nhiên, bà Nga (Định Hóa, Thái Nguyên) cho biết, mỗi tháng bà chỉ nhận được duy nhất 50.000 đồng.

Anh Hà Văn Thi (CTV dân số Lào Cai) cho biết, nếu nghĩ đến thù lao thì không ai mất thời gian đi nói chuyện sinh đẻ, dùng bao cao su với đồng bào vùng cao. Hàng ngày, họ phải trèo núi, băng suối để đi vào từng bản, từng nhà. Đó là chưa kể đến tình huống “cười ra nước mắt” khi chuyện ý nhị nhưng không thể nói ý nhị mà phải “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ thì bà con mới hiểu và làm đúng.

Ông Đỗ Sĩ Hùng – Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh Lào Cai cho biết, toàn tỉnh có hơn 1.800 cán bộ y tế thôn bản kiêm nhiệm CTV dân số và hơn 200 CTV dân số khác tại địa bàn thành phố, thị xã. Theo ông Hùng, chính sách để cán bộ y tế thôn bản phụ trách thêm công tác dân số có lợi trong việc theo dõi, báo cáo vì họ có kiến thức, biết chữ. Đội ngũ này có lương của y tế thôn bản, còn công tác dân số cũng vẫn chỉ được 50.000 đồng/tháng.

“Công sức mà những CTV dân số bỏ ra là không thể định lượng hết được. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa có điều kiện để tăng chế độ đãi ngộ cho họ” - ông Hùng cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem