Ứng dụng OTT của các nhà mạng: Bí mật đến bao giờ?

Thứ tư, ngày 09/04/2014 13:43 PM (GMT+7)
Đại diện một nhà mạng tiết lộ, nhà mạng đã từng liên hệ với các nhà OTT đề xuất những gói cước dành riêng cho các ứng dụng OTT nhưng họ “chảnh”...
Bình luận 0
Trên thế giới, nhiều nhà mạng như Teltra, Verizon, AT&T… đã kết nối với các nhà OTT khi đưa ra những gói cước dữ liệu theo nhu cầu của từng thuê bao. Khi đăng ký những gói cước này, người tiêu dùng lựa chọn OTT quen dùng và tin cậy với những cam kết chất lượng. Nhờ những gói cước này mà chỉ số ARPU (mức sử dụng bình quân của một thuê bao/tháng) của nhiều nhà mạng tăng đáng kể, như Teltra từ 20 USD lên 40 USD.

Các ứng dụng OTT làm nhà mạng lo ngại.
Các ứng dụng OTT làm nhà mạng lo ngại.

Nhìn ra được xu hướng phát triển của dịch vụ di động trong tương lai, các nhà mạng di động Việt Nam đã bắt đầu nghĩ đến việc viết những ứng dụng OTT để trên nền tảng đó thiết kế những gói cước riêng.

Phó Tổng giám đốc Mobifone Nguyễn Đình Chiến cho biết, Mobifone vừa có văn bản gởi bộ thông báo về việc phát triển ứng dụng OTT, nhưng hiện nay ứng dụng này vẫn đang trong quá trình thử nghiệm nên ông Chiến từ chối công bố chi tiết.

Tổng giám đốc tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) Nguyễn Mạnh Hùng phân tích: “Những dịch vụ truyền thống thoại và tin nhắn SMS đã từng chiếm 100% doanh thu của các nhà mạng. Hiện nay, doanh thu của những dịch vụ trên khoảng 75%, vài năm nữa chỉ còn 25%”. Từ quan điểm kinh doanh trên, Viettel đã có nhiều nghiên cứu về ứng dụng OTT để chuyển sang kinh doanh dữ liệu nhưng đến giờ phút này vẫn chưa tiết lộ.

Vinaphone cũng đang thử nghiệm các ứng dụng OTT, vì nhìn thấy tương lai nếu không có OTT hoặc các ứng dụng OTT độc lập không sống được thì chính nhà mạng cũng “băng hà”.

“Trong năm năm tới, dịch vụ dữ liệu mới là dịch vụ chính và là nguồn thu chính của các nhà mạng, chứ không phải là dịch vụ thoại. Có thể lúc đó người dùng 3G được miễn cước cuộc gọi, nhắn tin”.

Thứ trưởng bộ Thông tin và truyền thông Lê Nam Thắng

Cuối năm ngoái, tại một toạ đàm về chủ đề OTT được tổ chức tại TP.HCM, cục phó cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã khẳng định: “Không thể ngăn chặn các ứng dụng OTT vì đây là xu thế công nghệ trên toàn thế giới. Nhà nước đang nghiên cứu chính sách để quản lý cũng như tạo điều kiện cho OTT hoạt động và cạnh tranh bình đẳng”.

Theo ông Nhã, các nhà mạng nên tìm cách hợp tác với các nhà phát triển OTT trong và ngoài nước. Gợi ý của ông cục phó là một hướng đi cho các nhà mạng trong khi chưa tự phát triển OTT riêng cho mình.

Chuyện các nhà mạng và nhà phát triển ứng dụng OTT cần hợp tác với nhau đã được đặt ra từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Đại diện một nhà mạng tiết lộ, nhà mạng đã từng liên hệ với các nhà OTT đề xuất những gói cước dành riêng cho các ứng dụng OTT nhưng họ “chảnh”, đặt ra nhiều điều kiện nên đàm phán không có kết quả. Ngược lại, một nhà phát triển OTT cho rằng, đã nhiều lần muốn tiếp xúc với các nhà mạng nhưng không đạt được “tinh thần hoà bình” ở mức tối thiểu.

Mới nhất, theo một nguồn tin đáng tin cậy, các nhà phát triển OTT đã đánh tiếng với các nhà mạng sẽ ngồi lại với nhau để tìm ra hướng hợp tác tích cực. Trong đó, có thể nhà phát triển OTT sẽ chia sẻ lợi nhuận thu được trên từng thuê bao với các nhà mạng. Ngược lại, các nhà mạng cũng có những cam kết về hạ tầng mạng cho các ứng dụng OTT hoạt động ổn định. Nhưng kết quả cuối cùng của những cuộc đàm phán đó vẫn còn bí mật.

Khảo sát thực tế người dùng, trong những ứng dụng OTT (viết tắt của cụm từ over the top – chỉ các nhà cung cấp dịch vụ nội dung trên nền mạng viễn thông internet) miễn phí có liên quan đến thoại, hiện có thể kể tên: Viber, Whatsapp, Kakao Talk, Zalo, Line, Tango… Trong đó, chỉ có Zalo là ứng dụng trong nước (của VNG) với số người dùng đã vượt qua con số 10 triệu thuê bao, còn lại là của các nhà phát triển nước ngoài. Whatsapp chưa công bố số liệu người dùng tại Việt Nam. Viber, tính đến nay ước chừng 4 triệu người dùng. Còn Kakao Talk và Line, ước chừng có khoảng 2 triệu thuê bao.

Theo thống kê của Google, số lượng người dùng smartphone tại Việt Nam chừng 21 triệu chiếc. Một ngày, mỗi thuê bao chỉ nhắn một tin và gọi 1 phút, nhà mạng đã mất 27,3 tỉ đồng. Mỗi năm các nhà mạng mất tròm trèm 1.000 tỉ đồng là con số có thể tin được. Nhưng đó chỉ là kết quả thiệt hại dựa trên mức sử dụng tối thiểu. Chưa kể nhà mạng còn hao tổn băng thông đáng kể.

Để hạn chế thất thu thì... “ai bảo chặn là sai”. Cả ba nhà mạng di động lớn của Việt Nam: Mobifone, Vinaphone và Viettel đều khẳng định như vậy khi người sử dụng phản ánh có thời điểm các ứng dụng OTT thoại và nhắn tin như: Viber, Whatsapp, Kakao Talk, Zalo, Line… không thể sử dụng được.

Gia Vinh (Thế giới Tiếp thị) (Gia Vinh (Thế giới Tiếp thị))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem