Từ vụ đánh bom ở Thái Lan: Thách thức cho an ninh khu vực

Đăng Thúy (thực hiện) Thứ sáu, ngày 21/08/2015 07:48 AM (GMT+7)
Nhìn từ vụ đánh bom ở Bangkok, Thái Lan, ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế, thuộc Bộ Ngoại giao nhận định, Việt Nam đã hóa giải rất tốt những nguy cơ an ninh, nhưng Việt Nam không được chủ quan khi khu vực đang đứng trước những thách thức lớn.
Bình luận 0

Thưa ông, phía sau vụ đánh bom ở Bangkok gây chấn động mấy ngày vừa qua, nhiều người đang lo ngại khủng bố quốc tế đã tràn vào khu vực Đông Nam Á?

img

Ông Trần Việt Thái

- Vụ đánh bom ở trung tâm thủ đô Bangkok tối 17.8 và những vụ nổ khác diễn ra 2 ngày sau đó đang được giới chức Thái Lan cho là do một thủ phạm gây ra. Theo thông tin ban đầu từ giới chức Thái Lan, vụ đánh bom có bàn tay của các phần tử quá khích quốc tịch nước ngoài. Nếu đúng thì đây là lần đầu tiên, khủng bố nước ngoài thực hiện đánh bom làm chết nhiều người nhất với thủ đoạn tinh vi nhất ở khu vực Đông Nam Á. Điều này cũng đặt ra những thách thức cho an ninh của Thái Lan nói riêng và toàn khu vực Đông Nam Á nói chung. Thái Lan đã hứng chịu một số vụ đánh bom trong 5 năm qua, nhưng chưa bao giờ số người chết lại nhiều đến như vậy. Cách thức đánh bom này khiến chúng ta nghĩ đến nguy cơ các nhóm khủng bố có thể có liên quan đến Hồi giáo đã thâm nhập vào Thái Lan, đánh vào trung tâm đầu não và kinh tế của nước này, gây ra bất ổn cho khu vực.

img

Hình ảnh 2 nghi phạm mới do cảnh sát Thái Lan công bố. Ảnh:  foxnews.com

Ngoài ra, một giả thiết nữa là các phần tử Duy Ngô Nhĩ nhúng tay vào vụ việc ở Thái Lan. Nếu đúng như vậy thì tình hình khá nghiêm trọng bởi thời gian gần đây, nhiều phần tử người Duy Ngô Nhĩ đã sử dùng các ngả ở Đông Nam Á để trốn từ Trung Quốc qua khu vực này, có những tác động nhất định đối với khu vực.

Thưa ông, nếu đặt giả thiết, khủng bố quốc tế đã đặt chân đến Đông Nam Á. Vậy phải lý giải điều này như thế nào?

- Hiện nay khu vực Đông Nam Á là một trong những trọng điểm của các nhóm khủng bố trong đó có Nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Thứ nhất là một số nước ở Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia đã có một số công dân bị kích động, lôi kéo và có không ít người đã bỏ gia đình, đất nước để tham gia thánh chiến ở Trung Đông. Hơn nữa, khu vực Đông Nam Á là điểm trung chuyển quan trọng của nhiều luồng người di cư khác nhau. Các dòng người di cư này có nguy cơ bị lợi dụng, nhất là tình cảnh khốn khó của các tộc người thiểu số, các nhóm khủng bố, các nhóm dân tộc cực đoan có nguy cơ bị kích động, lôi kéo, điều này không chỉ ảnh hưởng đến cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu mà đến nỗi lực chống khủng bố của từng quốc gia trong khu vực.

Riêng đối với Việt Nam, thời gian qua, chúng ta đã xử lý rất tốt những thách thức đối với chống khủng bố. Có thể nói, lực lượng an ninh, dân quân của chúng ta đã hóa giải thành công các nguy cơ tấn công. Tuy nhiên chúng ta không thể chủ quan trước các nguy cơ xâm nhập và cần phải cảnh giác hơn nữa, đặc biệt là việc kiểm soát ở các cửa khẩu, kiểm tra tạm trú, tạm vắng và người dân cũng phải nêu cao cảnh giác, bất cứ phát hiện khả nghi nào cũng phải báo cho nhà chức trách để kịp thời xử lý. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì nguy cơ khi nào cũng thường trực, cái chính là chủ động của người dân và sự phối hợp, quản lý của cơ quan chức năng tốt thì sẽ hóa giải được những thách thức đặt ra.

Có vẻ như cả Đông Nam Á đang thiếu một hệ thống chống khủng bố chung của khối, thưa ông?

- Không hẳn như vậy. Các nước Đông Nam Á đang có chung một hệ thống cảnh sát Aseanpol và các nước trong khu vực cũng đã có những hoạt động diễn tập và chia sẻ thông tin trong các lĩnh vực an ninh, công an… Tuy nhiên, thách thức hiện nay đặt ra ngày càng lớn đó là sự trỗi dậy của IS và các phần tử Hồi giáo cực đoan, đòi hỏi chúng ta phải tăng cường hơn nữa sự cảnh giác và phối hợp giữa các quốc gia. Bởi chuyện xảy ra ở Thái Lan không hẳn chỉ có tác động ở mỗi Thái Lan mà còn cho thấy nguy cơ hiện hữu đối với bất kỳ quốc gia nào trong khu vực.

Trở lại vụ đánh bom ở Thái Lan, kết luận cuối cùng vẫn phải chờ cơ quan điều tra nước này công bố, tuy nhiên nhìn bên ngoài, chúng ta đều thấy rất rõ mục tiêu của bọn tấn công khủng bố là nhằm vào khách du lịch và người nước ngoài, cho thấy vụ việc có tính chất trả thù, rất nguy hiểm.

Xin cảm ơn ông!

 Ngày 20.8, chính quyền quân sự Thái Lan cho biết  vụ đánh bom tại đền thờ Erawan ở thủ đô Bangkok tối 17.8  làm 20 người chết chưa chắc liên quan tới hoạt động của các nhóm khủng bố toàn cầu, mặc dù có một người nước ngoài được xác định là nghi can chính.   

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem