Từ câu hỏi: "Con giun có tội tình gì?" đến giải thưởng báo chí về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Lê Hoàng Trà My (báo Phú Thọ) Thứ năm, ngày 07/12/2023 13:55 PM (GMT+7)
Khi nhận được thông tin loạt phóng sự - ghi chép: "Cuộc chiến" bảo vệ giun đất là 1 trong 26 tác phẩm được chọn trao giải tại Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam năm 2023, tôi rất vui và xúc động vì đây là lĩnh vực tôi luôn tâm huyết.
Bình luận 0
Từ câu hỏi: "Con giun có tội tình gì?" đến giải thưởng báo chí về nông nghiệp, nông dân, nông thôn - Ảnh 1.

Khi tìm hiểu thông tin để triển khai loạt phóng sự - ghi chép "Cuộc chiến" bảo vệ giun đất, tôi có nhiều cảm xúc, trong đó nổi lên là xót xa và bất lực. Xót xa trước thực trạng loài sinh vật hiền lành là bạn của người nông dân – giun đất bị coi như một món hàng để săn lùng, mua bán, làm giá. Bất lực bởi những người trực tiếp cắm thanh kim loại dẫn điện kích loài sinh vật hiền lành đang nằm sâu dưới đất chui lên, không ai khác, chính là một bộ phận những người nông dân.

Tôi tự đặt ra câu hỏi tại sao, nguyên nhân là gì mà mối quan hệ cộng sinh vốn rất bền vững suốt hàng nghìn năm giữa giun đất và người nông dân lại trở thành như vậy?. Và điều gì khiến kích điện bắt giun đất trở thành một cơn sốt, được người dân đua nhau thực hiện, bất chấp mặt trái của nó là nguy cơ làm thoái hoá đất trồng tự nhiên, gián tiếp gây ảnh hưởng đến ngành trồng trọt của cả tỉnh.

Từ câu hỏi: "Con giun có tội tình gì?" đến giải thưởng báo chí về nông nghiệp, nông dân, nông thôn - Ảnh 1.

Nhà báo Lê Hoàng Trà My, báo Phú Thọ, trong một lần tác nghiệp tại cơ sở. Ảnh: NVCC.

Đi sâu tìm hiểu, tôi thấy rằng có một mạng lưới cung - cầu rất chuyên nghiệp giữa các thương lái Trung Quốc tới tận các chân rết là các xưởng thu mua, chế biến ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Cách thức hoạt động của những đối tượng này có thể lần ra nhờ sự phát triển của các hội nhóm trên Internet.

Lần về tới các xưởng thu mua, chế biến giun, tôi thật sự choáng ngợp. Trước hết bởi số lượng và quy mô của các cơ sở này rất lớn. Nếu giữa một vùng nông thôn trung du, những cơ sở có đến hàng chục nhân công, hoạt động thường xuyên suốt ba năm ròng, vượt qua cả thời đại dịch COVID-19 thì phải nhận định rằng việc săn lùng, thu mua, chế biến giun đất đã thành một nghề mang lại lợi nhuận lớn.

Những khu mổ giun tanh mùi bùn đất, nhà sấy giun ngợp khói, tiếng động cơ của máy mổ giun… làm tôi ám ảnh. Những người nông dân vội vã đến mang theo một thùng giun mới kích điện từ sáng bán lại cho chủ cơ sở rồi vội vã đi về. Giun đất của chúng ta đã bị săn lùng để sẵn sàng chế biến, vận chuyển về biên giới như thế đấy.

Từ câu hỏi: "Con giun có tội tình gì?" đến giải thưởng báo chí về nông nghiệp, nông dân, nông thôn - Ảnh 2.

Dụng cụ kích giun nhà báo Lê Hoàng Trà My chụp lại trong lần tác nghiệp, triển khai loạt bài: Cuộc chiến bảo vệ giun đất.

Tất nhiên, đã là một "nghề" – các "công cụ lao động" phục vụ cho "nghề kích giun" cũng được bày bán vô cùng phong phú. Trong vai người mua, tôi được đầu mối giới thiệu các bộ máy kích nhiều loại, máy mổ hiện đại, lò sấy điện… 

Thậm chí được "dạy nghề" kích như thế nào để giun lên tuỳ vào loại đất và thời tiết, kích như thế nào để giun không chết, không mất giá khi mang đi bán… Trong tiếng "chi chi" của điện, đầu kích kim loại cắm xuống mặt đất, những con giun quằn quại ngoi lên.

Con giun có tội tình gì?. Đó không chỉ là câu hỏi của riêng tôi, mà còn của nhiều người dân phẫn nộ, lên án những đối tượng kích điện bắt giun đất. Khi thực tế chứng kiến, tôi nhận thấy rằng sức mạnh của nhân dân khi muốn bảo vệ một điều gì đó thật đáng nể.

Từ câu hỏi: "Con giun có tội tình gì?" đến giải thưởng báo chí về nông nghiệp, nông dân, nông thôn - Ảnh 3.

Một xưởng sấy giun đỏ lửa. Ảnh: Lê Hoàng Trà My.

Tuy chưa có một chế tài nào quy định khung xử phạt cho nạn kích điện bắt giun đất, người dân vẫn tự lập ra những hương ước quy định phải bảo vệ giun đất. 

Những khu vườn nhỏ treo mảnh bìa ghi "Cấm kích điện bắt giun đất" – sau mỗi khi mưa lại được thay mới. Những khu ruộng, bãi ngô được người dân cắt cử canh gác cả đêm, bất chấp mưa bão. Người dân cùng nhau tạo thành một lá chắn bảo vệ người bạn lâu năm hiền lành của họ. Điều này khiến tôi thật sự xúc động và tự hào khi được là người chứng kiến và ghi lại sức mạnh đoàn kết chân thực này.

Kết thúc loạt bài, câu hỏi đặt ra là chúng ta có phương án quản lý như thế nào để chấm dứt tình trạng kích điện bắt giun đất vốn đã tồn tại nhiều năm và gây bức xúc trong nhân dân?.

 Nếu giun đất thật sự mang lại lợi nhuận lớn chúng ta phải làm sao để có thể tìm con đường "chính ngạch", biến nó thành một loại sản phẩm có quy trình sản xuất, sơ chế rõ ràng, có thị trường riêng để tiêu thụ. Câu trả lời sẽ đợi các chuyên gia, cơ quan có thẩm quyền, còn tôi, chúng ta - những nhà báo sẽ tiếp tục theo dõi, ghi lại những sự thật khách quan, những câu chuyện xung quanh "cuộc chiến" bảo vệ giun đất.

Vì vậy, khi loạt bài được ghi nhận tại Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam tôi thấy rất tự hào, xúc động, vì những cố gắng của mình đã được ghi nhận, vì sự đồng tình, cùng lên tiếng bảo vệ loài thiên địch làm giàu cho đất này. Giải thưởng cũng sẽ là động lực hơn để tôi cố gắng, tìm tòi những đề tài mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam năm 2023 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam chỉ đạo, giao Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt phối hợp với Agribank tổ chức thực hiện. Lễ trao giải sẽ được tổ chức vào hồi 20h00 ngày 10/12/2023 tại Nhà hát Lớn (Hà Nội), được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem