Trong tháng 5, xuất khẩu gạo “tụt dốc” cả lượng lẫn giá

Thuận Hải Thứ tư, ngày 08/06/2016 06:20 AM (GMT+7)
Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong tháng 5, Việt Nam chỉ xuất khẩu đạt khoảng 400.000 tấn gạo các loại. Đây là mức xuất khẩu thấp nhất từ đầu năm đến nay.
Bình luận 0

Tính đến cuối tháng 4, nhờ các hợp đồng gối đầu từ cuối năm 2015, giá gạo Việt Nam ở mức cao nhất so với các nước như Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ… Tuy nhiên, sang tháng 5, giá gạo Việt Nam lại tụt xuống mức thấp nhất trong các nguồn cung. Hiện giá gạo trong nước đã giảm khoảng 250 đồng/kg, giá gạo xuất khẩu trong tháng 3 đạt 375 – 380USD/tấn nhưng đến nay chỉ còn khoảng 350 – 355USD/tấn. 

img

Hoạt động xuất khẩu gạo ở ĐBSCL. Ảnh: TH

Cùng với giá giảm, lượng gạo còn trong kho doanh nghiệp cũng không còn nhiều, chỉ khoảng 1,15 triệu tấn, trong khi các hợp đồng đã ký còn hơn 1,25 triệu tấn. Như vậy, so với nhu cầu xuất khẩu, tồn kho gạo đang hụt khoảng 100.000 tấn.

“Dù tồn kho có hụt nhưng do thị trường chưa có nhu cầu nhập khẩu nên giá xuất khẩu đã tụt mạnh trong tháng qua. Giá gạo Việt Nam hiện mềm nhất trong rổ gạo thế giới, thấp hơn cả Ấn Độ. Thực tế là từ đầu năm tới nay, Việt Nam chỉ giao hàng các hợp đồng cũ, chưa có hợp đồng tập trung mới”- ông Huỳnh Minh Huệ - Tổng Thư ký VFA giải thích.

Ông Huệ dự báo, với tình hình này, nếu các nước có nhu cầu mới thì giá gạo xuất khẩu sẽ tăng trở lại. Hiện tại, các nước rục rịch nhập khẩu gạo cho đợt 6 tháng cuối năm, tuy nhiên, số lượng chưa nhiều. Dự báo tình hình xuất khẩu gạo 6 tháng cuối năm sẽ không mấy ảm đạm.

Báo cáo của Cục Trồng trọt cũng cho biết, tới thời điểm hiện tại, cả nước đã gieo sạ được hơn 1,1 triệu ha trong tổng số 1,65 triệu ha lúa hè thu. Nếu thời tiết thuận lợi, sản lượng vụ hè thu và thu đông sẽ tăng, bù đắp lại phần sụt giảm trong vụ trước.

Cùng với tình hình xuất khẩu, tại cuộc họp giữa Bộ NNPTNT và các doanh nghiệp VFA tổ chức sáng 7.6, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã “chốt” rằng, Bộ và doanh nghiệp sẽ cùng thành lập Hội đồng quốc gia về xây dựng thương hiệu và cấp logo cho các sản phẩm gạo Việt Nam. Ông Huỳnh Minh Huệ cho rằng, để xây dựng thương hiệu gạo trước hết phải chọn được dòng sản phẩm tốt, đáp ứng được 3 yếu tố: Chất lượng được thị trường chấp nhận, có khả năng sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường và khả năng cạnh tranh. Tiếp sau đó mới tính tới chuyện xây dựng quy trình sản phẩm quốc gia. Doanh nghiệp nào muốn “treo” logo gạo Việt Nam thì phải đạt tiêu chuẩn đã ban hành.

Về vấn đề này, ông Ông Lê Văn Bảnh - Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, cho biết đơn vị này đang xây dựng quy chuẩn kỹ thuật cho gạo trắng hạt dài và gạo thơm Việt Nam xuất khẩu. Dự báo đến cuối năm nay sẽ có bảng quy chuẩn đầy đủ./.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem