Trồng chuối sứ, thương lái tới tận vườn thu mua, nông dân huyện miền núi ở Bình Định phấn khởi

Diệp Thị Diệu Thứ ba, ngày 18/07/2023 18:52 PM (GMT+7)
An Lão là huyện miền núi của tỉnh Bình Định, có điều kiện đất đai đồi núi lớn. Những năm gần đây, nhiều nông dân huyện An Lão đã mở rộng diện tích để trồng chuối sứ, mở ra triển vọng mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo sinh kế bền vững, mang lại thu nhập khá cho bà con miền núi.
Bình luận 0

Ông Đinh Văn Nhiên (ở thôn 5, xã An Nghĩa) là một trong những hộ tiên phong trồng chuối sứ với gần 5 năm kinh nghiệm. 

Hiện nay, gia đình sở hữu vườn chuối lớn nhất nhì xã với gần 0,5ha, hơn 200 gốc chuối. Chuối là cây dễ trồng, trồng sau 15 tháng sẽ cho thu hoạch quanh năm. 

Chia sẻ về kỹ thuật trồng chuối sứ, ông Nhiên cho biết: Chuối trồng bụi cách bụi khoảng 1m. Trồng chuối không tốn nhiều công chăm sóc, mỗi năm bón phân từ 1-2 lần. 

Chuối sau khi chặt buồng thì tiến hành chặt tỉa cây, lá cho thoáng bụi để chuối phát triển tốt.

Cũng như hộ ông Nhiên, gia đình Chị Đinh Thị Thu (ở thôn 2, xã An Quang) đã hơn 4 năm gắn bó với cây chuối sứ. 

Tận dụng diện tích đất sẵn có, gia đình chị Thu đã mạnh dạn chuyển hơn 5 sào đất đồi trồng keo sang trồng chuối. 

Nhờ hợp với thổ nhưỡng, cộng với kinh nghiệm chăm sóc nên vườn chuối của gia đình chị Thu phát triển tốt, thân to, buồng chuối lớn, quả đẹp. Mỗi tháng 2 lần, thương lái trong huyện và các huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn đến tận vườn để thu mua chuối.

Chị Đinh Thị Thu phấn khởi chia sẻ: Mỗi tháng 2 lần, vào các ngày 10, 11 và ngày 24, 25, 26 âm lịch thương lái họ lên tận đồi thu mua. 

Cây chuối sứ mang về thu nhập khá cho nông dân An    Lão - Ảnh 1.

Niềm vui của nông dân huyện An Lão, tỉnh Bình Định trồng chuối sứ khi được các thương lái thu mua tận vườn với giá ổn định. Ảnh: Diệp Diệu

Bình quân tháng nhiều bù tháng ít, thu hoạch khoảng 100 buồng/tháng. Cứ một buồng chuối khoảng 8 nải, một nải chuối giá khoảng 8.000 đồng, trừ công và chi phí rồi vẫn được lãi từ 3- 4 triệu đồng/tháng. So với cây trồng khác, thấy trồng chuối thu nhập hơn hẳn. Kinh tế gia đình có chiều hướng phát triển hơn.

Ông Lê Hoàng Hiền - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: Để cây chuối sứ phát triển ổn định như ngày hôm nay là một quá trình. Cán bộ hội nông dân phối hợp với ngành chuyên môn thường xuyên bám rẫy, cầm tay chỉ việc để hướng dẫn bà con trong suốt quá trình chăm sóc đến khi thu hoạch, những nỗ lực trên đã thu được kết quả thỏa đáng. 

Phong trào trồng chuối sứ nhanh chóng được lan tỏa, chỉ vài ha ban đầu, đến nay đã nhân rộng hơn 30ha; đây là cây trồng có chi phí đầu tư thấp, hầu như không tốn công chăm sóc, có thị trường tiêu thụ ổn định. Nếu so với các loại cây khác, chuối sứ là cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với tập quán canh tác của bà con đồng bào nơi đây.

Có thể nói, cây chuối sứ đã khẳng định được ưu điểm vượt trội, không chỉ cho năng suất cao mà còn góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc. Định hướng của huyện là tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân cải tạo lại vùng đất trống, sườn đồi để mở rộng diện tích trong những năm tới. Tuy nhiên, để cây chuối sứ phát triển và nhân rộng hơn nữa, chính quyền và các cấp Hội Nông dân huyện An Lão sẽ tiếp tục giúp người dân địa phương trong việc định hướng sản xuất, tập huấn khoa học, kỹ thuật, để cây chuối sứ thực sự trở thành cây "xóa đói, giảm nghèo" trên địa bàn huyện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem