Triển lãm tranh "Gia phả +": Nét đẹp về người quê

Thứ tư, ngày 23/02/2011 06:57 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Không mái lá, không ngói âm dương, không đồng xanh, cấy gặt, không gốc đa, miệng giếng, không hội he, lễ lạt..., Trần Hoàng Sơn tìm đường "về quê" bằng cách đối diện những khuôn mặt.
Bình luận 0

Gia đình trong tranh

"Đôi khi mình hay quan tâm đâu đâu" - hoạ sĩ Trần Hoàng Sơn (hiện là giảng viên Trường ĐH Mỹ thuật VN) chia sẻ: "Còn chính những người trong nhà lại dành cho mình những lo toan thường trực nhất".

img
Một số tác phẩm "Người ở làng" của Trần Hoàng Sơn.

Chính vì thế mà trong "nội dung làm việc" mấy tháng qua cho triển lãm cá nhân thứ hai (sau triển lãm cá nhân đầu tiên năm 2006 và rất nhiều triển lãm chung từ năm 1995), Trần Hoàng Sơn đã hướng rất nhiều về gia đình.

Không phải ở việc mời đông đủ những con người thân thiết ấy trong ngày khai mạc triển lãm tại Artvietnam gallery (số 7 Nguyễn Khắc Nhu, Hà Nội), mà chính họ đã trở thành nhân vật của anh trên bề mặt giấy dó được bồi toan, với những sắc màu tự nhiên, cùng sự khéo léo, chi ly trong thao tác kỹ thuật. Bao trùm tất cả là sự trìu mến.

Trần Hoàng Sơn vẽ bố - một sĩ quan công an với những bông hồng toả lan trước ngực và quấn quanh chiếc mũ công an lơ lửng trên đầu; vẽ mẹ với hoa hồng bao quanh cả hai bên mái tóc; vẽ con trai trong sự bao quanh của thế giới đồ chơi, vừa như ảo, vừa như thực...

Ở một bức khổ lớn khác, đứa con dang hai cánh tay rộng rãi như muốn ôm trùm tất cả bằng sự hồn nhiên chân thật của tuổi thơ, phảng phất chút kiêu hãnh, tự tin ban đầu của các cậu bé bước vào tuổi thiếu niên.

Hoạ sĩ Sơn vẽ những người khác, những anh, chị, em, dâu, rể trong gia đình, ai nấy được trang trí bởi hoa lá mềm mại và tươi tắn, bởi chữ song hỷ, và cả những tờ tiền bay phấp phới... Những trang trí ấy tôn họ thêm đẹp, tranh thêm sinh động và hàm súc. Sự chăm chú, kỹ càng trong từng nét vẽ ngắn, từng chi tiết nhỏ như sợi tóc, nếp nhăn… đều làm người trong tranh thêm sáng láng, tươi thắm. Và ánh mắt ai cũng trong trẻo, hồn hậu. Chính vì thế, mà loạt chân dung "gia phả" không chỉ thuần tuý thể hiện những người trong nhà, mà đó là cả một niềm mơ ước.

Về làng - ngôi nhà lớn

img Chương cuối của các tác phẩm này, mô tả những người sống ở làng, đánh dấu cái cực điểm của hành trình cuộc đời. Gia đình, tổ tiên ta đã được xác lập và tan rã, nhưng chỉ để được xác nhận lại lần nữa. Chủ đề ở đây là tính tiếp nối của cuộc đời. Để xác nhận lại, ta phải tìm về tổ tiên, về làng, về quê hương nguồn cội của gia đình. Sự tồn tại của mỗi chúng ta được xác nhận bằng con đường đó. img

Bà Suzanne Lecht -
Giám đốc Artvietnam Gallery

Từ không gian riêng tư ấy, nhiều trong số 35 bức chân dung đưa người xem mở rộng ánh nhìn ra xung quanh, trở về làng quê như một nguồn cội, một nơi mà dù nhiều người không lớn lên ở đó, nhưng vẫn mơ hồ có những gắn bó và chịu ảnh hưởng. Như hoạ sĩ bộc bạch: "Mình không lớn lên ở quê, nhưng mình vẫn cảm nhận về làng quê qua chính ông, bà, bố, mẹ với những nếp sống, nếp nghĩ của họ".

Trần Hoàng Sơn vẽ gia đình và những người thân khác trong chương đầu và chương hai: Thầy Phan Cẩm Thượng, các bạn hoạ sĩ Lê Quốc Việt, Xuân Quang, Trần Hậu Yên Thế… đều sáng sủa, trong trẻo, vừa với thực tâm cảm nhận, vừa như mong ước.

Hoạ sĩ vẽ chân dung những người già ở quê mà anh đã gặp trên những nẻo đường. Nếp khăn mỏ quạ, khăn trùm đầu, khăn vấn, cái áo nhung lót bông, hay cái cổ áo bà ba, rồi nếp cổ áo nâu các bà vãi hay mặc, đến những đường nhăn da mồi, đôi lông mày bạc, cái mím miệng đặc trưng của những người từ lâu đã không còn tráng niên, và những đốm sáng được thể hiện tinh tế trong đôi mắt, tất cả làm toát lên một không khí trong trẻo, một bản tính chất phác và lương thiện.

Và từ những chân dung đã gợi nhớ những đời sống nhẫn nại, dung dị của người quê ấy, phảng phất trong người xem sự liên tưởng về phía sau họ: Những không gian văn hoá làng quê đã bền vững bao đời nay, mộc mạc và trong mát.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem