Triển khai tạm trữ 1 triệu tấn gạo: Nóng chỉ tiêu phân bổ tạm trữ

HUỲNH XÂY Thứ hai, ngày 02/03/2015 09:17 AM (GMT+7)
Hôm qua (1.3), tại Cần Thơ, Bộ NNPTNT phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định 241/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ lúa đông xuân 2014-2015. Tại đây, việc phân bổ chỉ tiêu tạm trữ như thế nào đã được bàn thảo khá nhiều.
Bình luận 0

Triển khai sớm, người dân được hưởng lợi

Theo Bộ NNPTNT, nhằm ngăn chặn tình trạng giá lúa gạo xuống thấp, giúp cho người trồng lúa tăng thu nhập, ngoài vụ đông xuân 2014-2015, việc tạm trữ lúa gạo đã triển khai thực hiện 6 lần. Những lần triển khai, giá lúa đều nhích lên.

img

Người dân tỉnh Hậu Giang thu hoạch lúa đông xuân 2014-2015.        
Rút kinh nghiệm những “vướng mắc” trong quá trình triển khai trước đây, vụ đông xuân này trước Tết Nguyên đán, Bộ NNPTNT đã trình Chính phủ ban hành quyết định thu mua tạm trữ gạo và Thủ tướng Chỉnh phủ cũng đã có quyết định sẽ bắt đầu thực hiện từ ngày 1.3 và kết thúc ngày 15.4.

Ông Huỳnh Thế Năng – Phó Chủ tịch VFA nói: “VFA đã có công văn đề nghị các doanh nghiệp đăng ký thu mua tạm trữ. Sau đó, VFA cũng đã có dự kiến phân bổ chỉ tiêu theo 4 tiêu chí: Doanh nghiệp có đăng ký thu mua tạm trữ, có thành tích mua tạm trữ vụ đông xuân trước đó, có năng lực xuất khẩu và tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn”. Ông Năng cũng phân tích thêm: Trong quá trình xét, VFA không đưa vào các doanh nghiệp đã từng đăng ký tạm trữ nhưng không thực hiện đúng chỉ tiêu, trả lại chỉ tiêu, chưa có chứng nhận kinh doanh hợp pháp trong vùng ĐBSCL.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng thông tin: Phía Ngân hàng Nhà nước đã phân công cho 17 ngân hàng thương mại thực hiện việc cho vay tạm trữ, tăng thêm 1 ngân hàng cho vay so với vụ đông xuân trước đó. Theo đó, các ngân hàng trên sẽ chủ động cân đối nguồn vốn, bắt đầu giải ngân cho vay từ ngày 1.3. Nếu ngân hàng nói không thể cho vay vì thiếu vốn thì các doanh nghiệp, địa phương thông báo về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét.

Theo các địa phương vùng ĐBSCL, đầu tháng 2 tình hình xuất khẩu gặp nhiều khó khăn giá lúa đã xuống thấp, có địa phương giá lúa chỉ còn 3.800-4.000 đồng/kg (tùy loại lúa). Thế nhưng, sau khi có quyết định cho tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo, tác động từ việc nước ta vừa trúng thầu cung cấp cung cấp 300.000 tấn gạo cho Philippines đã làm cho giá lúa đã bắt đầu tăng từ 200-600 đồng/kg, người dân vô cùng phấn khởi vì thu nhập tăng lên.

Giải pháp can thiệp thị trường

Tại hội nghị, phần lớn các địa phương đề nghị tăng thêm chỉ tiêu đã phân bổ cho các doanh nghiệp dự kiến trước đó.

Theo Ông Lê Thành Trí – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, trong danh sách mà VFA phân bổ thì chỉ có 2 địa phương được tăng chi tiêu thu mua, còn lại đều giảm. “Tỉnh Sóc Trăng chỉ tiêu dự kiến vụ này chỉ có 26.000 tấn, đã giảm 5.000 tấn so với vụ đông xuân năm 2013-2014. Một số doanh nghiệp có có năng lực và điều kiện trên địa bàn tỉnh cần bổ sung thêm chỉ tiêu nếu được”- ông Trí nói.

Ông Cao Văn Hóa – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang thì cho rằng: “Vụ lúa này, Tiền Giang có khoảng 542.000 tấn lúa nhưng chỉ tiêu chỉ có khoảng 83.000 tấn gạo. Tôi nghĩ nên tăng chỉ tiêu, không nên cắt bỏ phần chỉ tiêu mà doanh nghiệp đã đăng ký vì những năm trước đây các doanh nghiệp này đã thu mua tạm trữ rất tốt. Tỉnh Tiền Giang cần thu mua tạm trữ đến 113.000 tấn gạo, trong đó doanh nghiệp trong tỉnh là 90.000 tấn, còn lại là các doanh nghiệp ngoài tỉnh”.

Ông Năng nói: “Việc giá lúa đang lên sẽ không kéo dài lâu được vì chúng ta còn một lượng gạo tồn kho. Chính sách đã làm tăng giá nhưng đến lúc nào đó vẫn phải quay về quy luật cung cầu. Riêng việc giao chỉ tiêu thì chỗ này tăng thì chỗ kia giảm, chúng tôi không thể đáp ứng tốt hết yêu cầu các địa phương, tuy nhiên chúng tôi sẽ cố gắng phân bổ thêm cho các địa phương”.

Phần lớn các đại biểu cho rằng, tạm trữ lúa gạo chỉ là giải pháp tạm thời, không nên làm như thói quen hàng năm. Bởi khi chưa tạm trữ thì các doanh nghiệp lấy cớ hạ giá, khi tạm trữ thì đẩy giá lên.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám nói: “Trước mắt, chúng ta vẫn chưa có giải pháp nào tốt hơn việc tạm trữ, khi giá thấp hơn giá định hướng thì Bộ NNPTNT sẽ đề xuất tạm trữ. Đây là giải pháp can thiệp thị trường, chứ không phải chính sách hỗ trợ cho nông dân. Trong quá trình thu mua tạm trữ, các địa phương phải chủ động theo dõi, kiểm tra. Riêng Bộ NNPTNT sẽ phối hợp kiểm tra 2 lần. Cũng trong thời gian này, chúng tôi rất mong các địa phương có ý kiến đề xuất cách làm tốt hơn chính sách tạm trữ”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem