Trị bệnh vàng lá, rụng lá ở cây cao su

Thứ ba, ngày 03/08/2010 11:33 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nấm Corynespora cassiicola gây bệnh vàng lá, rụng lá trên cây cao su đang hoành hành ở các tỉnh Bình Dương, Bình Phước khiến sản lượng mủ giảm, thậm chí cây có thể chết.
Bình luận 0
img
Bệnh vàng lá, rụng lá làm xuất hiện những hình tròn màu xám trên lá non.

Trước tình hình này, Chi cục Bảo vệ thực vật các tỉnh khuyến cáo nông dân không nên dùng nước phân heo để tưới cây vì sẽ làm cho bệnh phát triển trên diện rộng hơn.

Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật Bình Dương, hiện nay toàn tỉnh có trên 400ha cao su bị nhiễm bệnh, chủ yếu ở các huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bến Cát… Tỷ lệ lá bị bệnh phổ biến từ 3-10%, nơi cao nhất là 20%. Tỉnh Bình Phước có 562ha cao su bị nhiễm nấm bệnh, chủ yếu ở huyện Đông Phú và Hớn Quản.

Ông Nguyễn Trung Hiếu - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Dương cho hay, bệnh xuất hiện trong mùa mưa khi nhiệt độ và ẩm độ cao. Năm nay, do hạn hán kéo dài, nhiệt độ tăng cao xen kẽ vài cơn mưa nhỏ tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh phát triển mạnh hơn nữa. Bệnh có thể lây nhiễm rất nhanh và làm lá rụng, quá trình quang hợp của lá cũng giảm. Nấm tập trung gây bệnh ở dòng cao su vô tính như RRIC 103, RRIC 104.

Khi bị bệnh trên lá sẽ xuất hiện vết màu đen có dạng hình xương cá dọc theo gân lá, sau đó lá đổi màu vàng và rụng. Lá non sẽ có những hình tròn màu xám đến nâu, lá quăn lại và rụng toàn bộ. Các chồi là nơi mà nấm gây hại nặng nhất. Dấu hiệu đầu tiên là vết nứt dọc theo chồi có dạng hình thôi, bị rỉ mủ ra sau đó đen lại, vết bệnh có thể phát triển và lây lan nhanh dài đến 20cm gây chết chồi, đôi khi chết cả cây.

Ông Hiếu cho biết, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã kết hợp với Viện Nghiên cứu cao su khuyến cáo bà con làm vệ sinh vườn, gom lá bệnh đem đốt nếu bệnh xuất hiện. Nếu vườn rộng thì rải vôi lên mặt tầng lá để tiêu diệt các bào tử nấm. Sau đó dùng nấm men Trichoderma rải hoặc tưới lên bề mặt để hạn chế sự phát triển của nấm. Nông dân nên giảm cường độ cạo mủ hoặc ngưng cạo. Tăng lượng kali và giảm bón urê để tăng sức đề kháng cho cây.

Khi bệnh xuất hiện, người dân nên dùng 25-30 ml thuốc Anvil cho bình 8 lít hoặc 15 ml Anvil 5EC và 15 ml Carbendazim cho bình 8 lít, với lượng nước trung bình 800- 1.000 lít nước dung dịch thuốc trên 1 ha. Phun phủ đều mặt dưới lá và theo nguyên tắc 4 đúng (đúng loại, đúng liều, đúng lúc, đúng cách), phun xịt sau đó 10-14 ngày để tiêu diệt triệt để các bào tử nấm còn sót lại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem