Treo mình đu dây qua sông mưu sinh

DUY HẬU Thứ bảy, ngày 09/08/2014 19:37 PM (GMT+7)
Hơn 1 năm sau khi những hình ảnh nguy hiểm của những người dân đu dây qua sông Re, sông Nhệ được đăng tải trên báo chí, khái niệm “làng đu dây” tưởng như đã không còn xuất hiện. Vậy mà mới đây, tại xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông (Đăk Lăk), người ta lại thấy hàng trăm người dân treo mình trên dây thép để qua sông mưu sinh mỗi ngày.
Bình luận 0

“Giáp mặt” Hà Bá

“Hôm ấy nếu nước lớn hoặc rơi ở giữa dòng chắc tôi đã bị Hà Bá lôi đi”- chị Võ Thị Hoa (thôn 8, xã Hà Lễ) bàng hoàng kể lại giây phút mình bị rơi xuống sông khi đang đu trên dây thép. Chị Hoa cho biết: Kinh tế gia đình chỉ trông vào mấy ha cà phê, bắp bên kia sông. Vậy nên dù muốn hay không thì cả gia đình chị cũng phải qua sông. Hôm đó cũng như mọi ngày, chị dùng ròng rọc treo người lên dây để qua sông Krông Ana chăm sóc vườn cà phê. Khi đi vào đến gần bờ thì bất ngờ cái ròng rọc gãy mối hàn, chị Hoa rơi tõm xuống sông.

Theo anh Trương Công Lý ở thôn 5, không chỉ riêng chị Hoa, có rất nhiều trường hợp người dân khi đi qua sông bằng dây cáp đã bị sự cố bất ngờ như đứt dây, ròng rọc gãy hoặc bị kẹt giữa dòng. Gặp những sự cố ấy, họ không còn cách nào là phải tự nhảy xuống sông mặc cho số phận. “May mắn là chưa có ai bị thiệt mạng nhưng cũng chẳng ai biết được tai họa có đến hay không. Biết vậy nhưng ruộng nương bên đó bỏ làm sao được” - anh Lý nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hơn 10 năm qua, người dân xã Hòa Lễ đã phải sang sông canh tác. Ban đầu, để qua sông họ làm cầu khỉ. Nhưng những cây cầu này làm rất tốn công mà chỉ dùng được vài tháng, lũ vừa về là đã cuốn đi mất. Sau đó “phương án” khác để qua sông là dùng xuồng tự chế. Chẳng bao lâu người dân cũng buộc phải bỏ “phương án” này vì nước sông vào mùa lũ ngày càng hung dữ mà xuồng của họ thì quá nhỏ nên đã có quá nhiều tai nạn thương tâm xảy ra. Vậy nên, “phương án” dùng cáp treo qua sông mới ra đời.

Mới đầu, cáp treo chủ yếu dùng để vận chuyển nông sản về nhà và chuyển phân bón, dụng cụ… sang để sản xuất. Nhưng sau đó, vì nhu cầu đi lại quá bức xúc nên người dân cũng đánh liều treo mình qua sông. Lúc đầu chỉ người lớn, sau cả trẻ em cũng treo mình sang sông phụ giúp bố mẹ.

Bao giờ có một cây cầu?

Ông Nguyễn Minh Sơn - Phó Chủ tịch xã Hòa Lễ cho biết, xã có khoảng 300 ha đất canh tác của hơn 100 hộ dân ở bên kia sông Krông Ana. Hiện trên đoạn sông chảy qua xã (khoảng 10km) có chừng 20 điểm được người dân đặt cáp treo để sang sông. Cáp được cố định 2 đầu vào cây rừng bên sông hoặc trụ tự trồng. Do chỉ làm đơn giản và ít được thay thế, sửa chữa nên rất dễ xảy ra các sự cố như tụt cáp, đứt cáp, gãy ròng rọc… rất nguy hiểm. 

Quá bức xúc về nhu cầu đi lại, mới đây, người dân thôn 9 đã tự góp tiền làm cầu. Cầu được làm khá kiên cố với trụ sắt, mặt lát ván. Nhưng do nước sông mùa lũ rất lớn nên chiếc cầu chỉ có thể đi lại được vào mùa khô. 

“Từ năm 2011, xã đã nhiều lần phản ánh việc này lên cấp trên qua các cuộc họp. Năm 2013, xã cũng đã có văn bản đề nghị cấp trên tạo điều kiện làm cầu cho dân, song đến nay vẫn chưa có một phản hồi tích cực nào”. Tây Nguyên đang bước vào mùa mưa lũ và cũng là lúc những vườn cà phê sắp cho thu hoạch. Trong khi, những người dân ở đây vẫn ngày ngày đau đáu mong mỏi có một cây cầu.

  Không chỉ ở Hòa Lễ, tại Đăk Lăk, người dân xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn cũng đang hàng ngày “đánh đu” với Hà Bá khi treo mình trên cáp để… sang sông. Tại các thôn 7,8 của xã này, hàng ngày cũng có khoảng 200 lượt người treo mình sang sông để canh tác. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem