Vào "điểm nóng" di cư tự do ở Tây Nguyên (Kỳ 3): Nơi dân di cư tự do mong sớm được bố trí, ổn định

Khương Lực Chủ nhật, ngày 26/11/2023 10:55 AM (GMT+7)
Tình trạng di dân tự do trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã diễn ra từ nhiều năm nay. Suốt mấy chục năm qua, hơn 38 nghìn hộ dân với gần 174 nghìn người từ các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La, Điện Biên, Yên Bái… đã ồ ạt kéo vào Đắk Nông tìm miền đất mới. Họ ước nguyện đến đây sẽ có được cuộc sống no ấm.
Bình luận 0

Theo thống kê, toàn tỉnh Đắk Nông còn 5.450 hộ với 24.330 nhân khẩu chưa ổn định cuộc sống, trong đó có khoảng 3.200 hộ xâm chiếm hơn 20.934ha đất lâm nghiệp, đang sống rải rác trong khu bảo tồn, rừng phòng hộ và các công ty lâm nghiệp. Thực trạng này đã tạo áp lực rất lớn cho các đơn vị chủ rừng và chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng...

Gian khó đủ đường

Xã Đắk R'măng, huyện Đắk GLong, tỉnh Đắk Nông hiện có 5 điểm dân cư người Mông sinh sống ở các cụm dân cư 6, 8, 9, 10, 12. Các cụm dân cư này đều nằm trong khu vực quy hoạch đất rừng. Phần lớn các hộ dân ở đây chưa có đất ở, không có hộ khẩu và các giấy tờ liên quan. Từ trung tâm huyện Đắk GLong, tỉnh Đắk Nông muốn lên các điểm di dân tự do, ai cũng lắc đầu ái ngại. Ngay cả cánh chạy xe ôm chuyên nghiệp cũng không muốn vào nơi đó khi trời mưa.

Vào "điểm nóng" di cư tự do ở Tây Nguyên (Kỳ 3): Nơi dân di cư tự do mong sớm được bố trí, ổn định- Ảnh 1.

Con đường mòn, đất lầy lội dẫn vào khu đồng bào người Mông di cư tự do ở xã Đắk R'măng, huyện Đắk GLong, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: V.N

Vào "điểm nóng" di cư tự do ở Tây Nguyên (Kỳ 3): Nơi dân di cư tự do mong sớm được bố trí, ổn định- Ảnh 2.

Theo thống kê, toàn tỉnh Đắk Nông còn 5.450 hộ với 24.330 nhân khẩu chưa ổn định cuộc sống, trong đó có khoảng 3.200 hộ xâm chiếm hơn 20.934ha đất lâm nghiệp, đang sống rải rác trong khu bảo tồn, rừng phòng hộ và các công ty lâm nghiệp. Ảnh: V.N

Để vượt gần 10km đường rừng từ trung tâm xã Đắk R'Măng vào Cụm dân cư số 8, thuộc tiểu khu 1752, nằm trong vùng lõi của rừng phòng hộ Đắk R'măng (huyện Đắk Glong) chúng tôi đi mất chừng 1 giờ đồng hồ. Vào ngày mưa, xe máy phải quấn xích vào bánh mới đi được. Đến nay, Cụm dân cư số 8 có 56 hộ với 342 khẩu chưa được bố trí, ổn định. Cuộc sống của bà con H'Mông trong bản còn nhiều khó khăn. Đặc biệt các em nhỏ, để đến được trường kiếm con chữ thật sự rất là gian nan, vất vả.

Từ những năm 2000, những đồng bào người Mông ở các tỉnh miền núi phía Bắc di dân vào đây. Cuộc sống của họ gắn liền với việc phát nương, làm rẫy với hy vọng sẽ sống ổn ở vùng đất mới. Kết quả khảo sát, đánh giá tình hình dân di cư tự do vào cuối năm 2021 cho thấy, tổng số hộ dân di cư tự do trên địa bàn xã Quảng Hòa và xã Đắk R'Măng là 2.229 hộ với 11.720 nhân khẩu, trong đó xã Quảng Hòa là 1.467 hộ/7.471 khẩu, xã Đắk R'Măng 762 hộ/4.258 khẩu. Đến nay, số hộ dân đã ổn định đời sống là 1.779 hộ/9.028 hộ và hiện còn 450 hộ/2.701 nhân khẩu chưa ổn định.

Ông Sùng A Lực ở Cụm dân cư số 8 là người dân tộc Mông đã di dân vào vùng đất cao nguyên được 20 năm có lẻ. Nom ông không khắc khổ và vất vả như những ngày đầu cùng bầu đoàn thê tử di dân vào đây. Ông Lực kể, ở ngoài Bắc đất đai ít quá. Bà con sinh hoạt vô cùng kham khổ. Nghe anh em trong họ bảo di dân vào Tây Nguyên đất đai bạt ngàn và tốt tươi, rừng xanh vô tận. Trồng 1ha sắn có thể nuôi cả bản. "Nghe người thân nói mà tôi mê quá. Một số hộ trong bản cũng muốn thực hiện giấc mơ thoát nghèo, thoát khổ, nên cả mấy chục hộ gia đình cùng dắt díu nhau vào vùng đất đỏ" - ông Lực chia sẻ.

Vào nơi ở mới, việc đầu tiên là bà con phát nương, phát rẫy, phá rừng để làm nhà. Vốn là những nông dân yêu đất lại vô cùng kiễn nhẫn trong việc trồng trọt, chẳng mấy chốc bà con người Mông đã biến vùng đất hoang vu thành bản, thành làng. Vườn ngô, nương lúa, rẫy sắn đã bén rễ ở đất này. Chưa đầy nửa năm, cái bản mới đã dần thành hình. Mỗi nhà dựng tạm lấy cái lán nhỏ để ở. Mùa nối mùa trôi qua, cụm dân cư di dân tự do đã hình thành. Khi chính quyền phát hiện, họ đã sinh con, đẻ cái và phát xong nương rẫy.

Cũng giống như các hộ dân ở Cụm dân cư số 8, cả trăm hộ dân đồng bào người Mông di cư tự do ở phía Bắc vào xã Đắk R'Măng đã tự "biến" rừng nơi đây thành nương, thành rẫy. Họ đi đến đâu là rừng mất đến đó. Phần lớn người dân đang sinh sống, sản xuất trên diện tích đất lấn chiếm. Đời sống kinh tế, văn hóa của người dân còn nghèo nàn, lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo cao. Cuộc sống nơi đây còn mang tính tự cung, tự cấp, ít giao thương với khu vực bên ngoài do hệ thống giao thông chủ yếu là đường mòn, đi lại khó khăn.

Đáng chú ý, hầu hết các hộ di dân tự do đều chưa có đất sản xuất, nên họ đã không ngần ngại xâm canh, xâm cư vào diện tích rừng tại địa phương. Theo thống kê, toàn tỉnh Đắk Nông còn 5.450 hộ với 24.330 nhân khẩu chưa ổn định cuộc sống, trong đó có khoảng 3.200 hộ xâm chiếm hơn 20.934ha đất lâm nghiệp, đang sống rải rác trong khu bảo tồn, rừng phòng hộ và các công ty lâm nghiệp. Thực trạng này đã tạo áp lực rất lớn cho các đơn vị chủ rừng và chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng...

Nỗ lực bố trí ổn định cho các hộ dân di cư tự do

Dòng người di cư tự do đến tỉnh Đắk Nông với ước nguyện có được cuộc sống no ấm, nhưng điều này đã khiến tỉnh Đắk Nông phải tiếp nhận miễn cưỡng một lượng lớn các hộ dân, tạo sức ép lên chính quyền địa phương. Sau mấy chục năm nỗ lực ổn định dân cư, giúp bà con tái định cư, tình hình di dân tự do cũng tạm thời lắng xuống, tình trạng dân di cư tự do đã giảm mạnh. Cả vạn hộ dân đã nhận được chủ trương hỗ trợ kịp thời của Nhà nước.

Vào "điểm nóng" di cư tự do ở Tây Nguyên (Kỳ 3): Nơi dân di cư tự do mong sớm được bố trí, ổn định- Ảnh 4.

Do chưa được bố trí, ổn định dân cư nên đời sống của các hộ dân di cư tự do còn gặp rất nhiều khó khăn.Ảnh: V.N

Ông Nguyễn Doãn Hùng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông cho biết, từ Tính đến tháng 7/2023, tỉnh Đắk Nông có hơn 38 nghìn hộ với gần 174 nghìn khẩu dân di cư tự do từ các tỉnh thành trên cả nước đến sinh sống. Đến nay, tỉnh Đắk Nông đã ổn định đời sống cho hơn 32.000 hộ, còn hơn 5.000 hộ với 24.000 khẩu chưa ổn định cuộc sống, cần bố trí, sắp xếp trong thời gian tới.

Theo ông Hùng, được sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt thực hiện Chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 590/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (thay thế QĐ số 1776/QĐ-TTg) và Nghị quyết số 22/NQ-CP của Chính phủ, từ năm 2005 đến nay, tỉnh Đắk Nông đã phê duyệt và thực hiện đầu tư 13 dự án bố trí, ổn định dân di cư tự do, trong đó 9 dự án đã hoàn thành và 4 dự án còn dở dang, tiếp tục đầu tư trong giai đoạn 2022-2025.

"Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, chúng tôi đã đề xuất với Bộ NNPTNT cũng như Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, bố trí hỗ trợ cho tỉnh Đắk Nông với số vốn còn thiếu khoảng 400 tỷ đồng để thực hiện hoàn thành 3 dự án đang đầu tư dở dang. Khi được bố trí các nguồn vốn đó, chúng tôi sẽ thực hiện và ổn định các hộ dân đã di cư tự do đến tỉnh Đắk Nông từ những năm 2000" – ông Hùng nói. 

 Việc thực hiện bố trí sắp xếp ổn định dân di cư tự do luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành quan tâm chỉ đạo, vì vậy các cấp chính quyền địa phương có dân di cư tự do tiếp tục quan tâm tổ chức thực hiện; rà soát, ưu tiên tổng hợp danh mục dự án bố trí ổn định dân cư vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, hoàn thành dứt điểm các dự án, bố trí sắp xếp các hộ dân vào điểm dân cư theo quy hoạch, tạo điều kiện cho các hộ dân di cư tự do ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem