Trên cánh đồng ở An Giang, một bên lúa tốt bời bời, một bên ngã rạp, nông dân thích thú đến xem

Minh Huệ Thứ năm, ngày 29/02/2024 15:00 PM (GMT+7)
Tại khu trình diễn, một bên là ruộng lúa nếp IR4625 áp dụng máy gieo sạ cụm, lượng giống 60kg/ha, lúa đang chín vàng và vẫn đứng vững. Tuy nhiên ở ruộng bên cạnh, áp dụng sạ lan bằng tay, lượng giống gieo sạ là 200kg/ha, do gieo quá dày nên cây lúa đều bị đổ rạp sát mặt đất.
Bình luận 0

CLIP: Hình ảnh so sánh giữa ruộng sạ cụm bằng máy, ruộng sạ lan bằng tay và ruộng sạ lan bằng máy bay không người lái, thực hiện tại huyện Tân Phú (tỉnh An Giang). Video: Văn Đây 

Đây là khu ruộng ở ấp Phú Quới, xã Phú Thành, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang trong khuôn khổ mô hình "Canh tác lúa thông minh phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL", do Trung tâm Khuyến nông An Giang phối hợp Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền, Công ty TNHH Bayer Việt Nam, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sài Gòn Kim Hồng thực hiện.

Mô hình nhằm giúp bà con nông dân có giải pháp thích ứng với những điều kiện khó khăn trong canh tác lúa hiện nay, đồng thời tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật mới trong trồng lúa, qua đó giúp giảm chi phí, tăng năng suất và bảo vệ môi trường, góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững. 

Theo Trung tâm Khuyến nông An Giang, mô hình trình diễn này nhằm giúp bà con nông dân thấy được hiệu quả kinh tế rõ rệt từ việc áp dụng 3 giải pháp kỹ thuật đồng bộ: Giảm lượng giống gieo sạ theo tập quán từ 120 – 150kg/ha xuống 60kg/ha bằng máy sạ cụm; Áp dụng kỹ thuật bón phân Đầu Trâu mặn phèn đầu vụ và phân bón chuyên dùng cho lúa để tăng hiệu quả sản xuất lúa; áp dụng đồng bộ kỹ thuật sản xuất và biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM để giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, quản lý dịch hại theo phương pháp Much More Rice (giải pháp quản lý cỏ dại và các dịch hại tích hợp trên ruộng lúa theo bộ sản phẩm của Bayer).

Trên cánh đồng ở An Giang, một bên lúa tốt bời bời, một bên ngã rạp, nông dân thích thú đến xem- Ảnh 2.

Bà con nông dân thích thú thăm mô hình trồng lúa vụ đông xuân được gieo sạ bằng máy sạ cụm. Lúa được gieo theo hàng, mật độ thưa hơn sạ lan nên lúa lên tốt bời bời, cây khỏe không khác nào ruộng cấy tay. Ảnh: V.Đ

Theo đó, hộ ông Lê Quốc Kiệt ở ấp Phú Quới, xã Phú Thành được chọn tham gia mô hình, với diện tích 1,5ha áp dụng quy trình canh tác lúa thông minh sạ cụm không vùi phân. Mô hình đối chứng có diện tích 1,5ha., canh tác theo tập quán cũ. Giống lúa sử dụng tại mô hình là nếp IR4625. 

Các kỹ thuật áp dụng trong mô hình: Sử dụng thiết bị gieo sạ theo cụm do Công ty TNHH TMDV Sài Gòn Kim Hồng cung ứng. Mật độ gieo sạ 60kg/ha; giống nếp IR4625. 

Quản lý nước theo quy trình ngập khô xen kẽ, quy trình bón phân theo khuyến cáo của nhà sản xuất (lượng: 80N – 48P2O5 – 49K2O – 7Ca – 8S – 0,5SiO2). Ngày xuống giống là 27/11/2023 và mới đây các đơn vị tham gia mô hình đã tổ chức hội thảo đánh giá. 

Có thể thấy, mặc dù lượng giống và mật độ sạ ít hơn ruộng đối chứng gấp 3 lần nhưng về sau số chồi giai đoạn trổ vẫn không chênh lệch nhiều so đối chứng. 

Đây là một trong những yếu tố giúp người dân đánh giá được hiệu quả của việc giảm giống, tác động tích cực trong việc thay đổi quan điểm gieo sạ dày để đạt nhiều bông của nông dân.

Trên cánh đồng ở An Giang, một bên lúa tốt bời bời, một bên ngã rạp, nông dân thích thú đến xem- Ảnh 4.

Ruộng lúa áp dụng máy sạ cụm với lượng giống phù hợp, sạ thẳng hàng như ruộng cấy, giúp cây lúa cứng cây, phát triển khỏe mạnh, ít nhiễm sâu bệnh.

Bên cạnh đó, do sử dụng loại phân bón chuyên dụng, tan chậm nên đã giúp mô hình hạn chế được việc thất thoát phân bón qua con đường bốc hơi và chảy tràn mà vẫn cung cấp được dinh dưỡng thiết yếu cho cây trong suốt quá trình sinh trưởng. 

Trên cánh đồng ở An Giang, một bên lúa tốt bời bời, một bên ngã rạp, nông dân thích thú đến xem- Ảnh 5.

Lúa tại ruộng áp dụng máy sạ cụm, lượng giống gieo 60kg/ha vẫn đứng vững không bị đổ ngã hàng loạt như ruộng sạ lan bằng tay ở phía sau. Ảnh: V.Đ

Quá trình thực hiện, hộ ông Lê Quốc Kiệt ghi chép đầy đủ các chi phí từ gieo sạ đến thu hoạch, bao gồm: Chi phí vật tư, phân bón, nhiên liệu và thiết bị, chi phí thuê mướn lao động để dễ dàng hiệu quả sản xuất mỗi mô hình. 

Trên cánh đồng ở An Giang, một bên lúa tốt bời bời, một bên ngã rạp, nông dân thích thú đến xem- Ảnh 6.

Mô hình canh tác lúa thông minh giảm lượng giống gieo sạ từ 120 – 150 kg/ha xuống 60 kg/ha bằng máy sạ cụm, lúa lên thẳng hàng, cứng cây, ít đổ ngã hơn so với ruộng đối chứng sạ lan. Ảnh: V.Đ

Ông Kiệt cho biết đã áp dụng đúng yêu cầu kỹ thuật của mô hình đặt ra, nhờ vậy giảm được nhiều chi phí sản xuất như: Giống, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động... 

Do ảnh hưởng đầu vụ sự cố thuốc cỏ nên mô hình đã bổ sung thêm phân bón, vì thế chi phí sản xuất của ruộng mô hình cao hơn so với đối chứng, mục tiêu giảm chi phí sản xuất chưa đạt được như mong muốn.

Tuy nhiên, nhờ năng suất lúa ở mô hình cao hơn so với ruộng đối chứng nên sau khi trừ chi phí, hiệu quả kinh tế đạt được vẫn cao hơn. Tổng lợi nhuận thu được của mô hình trình diễn cao hơn đối chứng tương đương 4,7 triệu đồng/ha.

Tại buổi hội thảo tổng kết đánh giá mô hình, đại diện Trạm Khuyến nông huyện Phú Tân cho biết, để có kết quả thuyết phục hơn, mô hình cần duy trì thực hiện 3 vụ liên tiếp/năm/địa điểm, từ đó có đủ tiêu chí đánh giá năng suất, sự thay đổi môi trường sinh thái xung quanh và cải tạo độ phì của đất, cũng như có được quy trình khuyến cáo cụ thể cho từng vụ khác nhau trong năm.

Hệ thống gieo sạ cần thiết kế bộ phận đánh rãnh để tạo điều kiện tốt hơn trong quản lý dinh dưỡng. Đề nghị phía Công ty Bayer có quy trình hướng dẫn sử dụng thuốc cụ thể và tăng cường hơn trong công tác phối hợp thăm đồng cùng cán bộ địa bàn và nông dân, để kịp thời phân tích, xử lý những tình huống thực tế trong sản xuất. 

"Kiến nghị Công ty phân bón Bình Điền tiếp tục phối hợp với địa phương tổ chức lớp tập huấn đầu vụ để nâng cao vai trò, truyền tải mục tiêu thực hiện của mô hình đến nhiều nông dân hơn, giúp người dân hiểu lợi ích của quy trình canh tác thông minh và những cách làm cụ thể, từ đó bà con nông dân chủ động thay đổi quy trình sản xuất" - Trạm Khuyến nông huyện Phú Tân đề nghị. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem