Trào lưu bố nuôi, con nuôi trên Twitter: Là mại dâm trá hình (kỳ cuối)

Đình Việt Chủ nhật, ngày 26/07/2020 13:00 PM (GMT+7)
Chuyên gia pháp lý đã có những phân tích xung quanh những biến tướng trên mạng xã hội Twitter mà Báo điện tử Dân Việt đã đăng tải.
Bình luận 0

Khó xử lý

Báo điện tử Dân Việt đã đăng tải loạt bài phản ánh việc, mạng xã hội Twitter đang dần biến tướng, clip sex tràn lan, nội dung thô tục, bên cạnh đó sự nở rộ của trào lưu Sugar daddy và sugar baby Twitter (tạm dịch: Bố nuôi - con nuôi). 

Những hiện tượng này đang có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến tư tưởng vào đạo đức của giới trẻ. Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) đã có những phân tích về những vấn đề trên.

Trào lưu bố nuôi, con nuôi trên Twitter: Là mại dâm trá hình - Ảnh 1.

Trên mạng xã hội Twitter, nhiều trang được lập ra để "se duyên" cho các cặp bố nuôi, con nuôi.

Theo vị luật sư, thực tế cho thấy, việc các bài viết trên mạng xã hội không chỉ Twitter mà Facebook, Instagram hay các website, diễn đàn có nội dung thô tục, nhạy cảm vẫn đang được đăng tải hàng ngày và thu hút sự quan tâm rất lớn của cư dân mạng, trong đó đa phần là giới trẻ.

Việc người sử dụng mạng xã hội quá dễ dàng tiếp cận mọi thông tin như hiện nay trong khi những mạng xã hội không có yêu cầu phải xác minh tính xác thực của tài khoản khiến cho người dùng có tâm lý đây là không gian ảo, có thể làm mọi thứ tùy thích mà không cần phải chịu trách nhiệm.

Lối suy nghĩ này là một vấn nạn cực kỳ nguy hiểm nếu không có các biện pháp ngăn chặn quyết liệt, kịp thời từ các cơ quan chức năng và từ chính những doanh nghiệp cung cấp nền tảng mạng xã hội.

Trên khía cạnh pháp luật, pháp luật Việt Nam mặc dù cấm những cá nhân, tổ chức có hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, có thể xử phạt tiền lên tới 50 triệu đồng theo Nghị định 15/2020 của Chính phủ. Pháp luật cũng có chế tài xử lý hình sự và thậm chí sử dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi này còn là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên thông thường các cơ quan chức năng chỉ xử lý khi việc đăng tải những nội dung được coi là nhạy cảm, đồi trụy gây hậu quả từ một vụ việc nhất định xảy ra, bởi lý do việc để xác minh, làm rõ, xử lý những vụ việc kiểu như này trên mạng xã hội thường rất mất thời gian và không dễ dàng.

Luật An ninh mạng có hiệu lực từ 1/1/2019 có thể coi là một bước đi kịp thời khi Internet ngày càng phát triển và ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt trong đời sống của người dân.

Tại chương V của luật này có rất nhiều biện pháp để có thể ngăn chặn được tình trạng loạn thông tin từ việc xây dựng một lực lượng chuyên trách về bảo vệ an ninh mạng, giáo dục, bồi dưỡng nghiệp vụ đến việc phổ biến kiến thức đến mọi công dân trong xã hội để tạo một thói quen đối với người sử dụng mạng. Tuy nhiên những quy định trên vẫn chưa thể đi vào thực tế.

Trước khi Luật An ninh mạng có hiệu lực thì pháp luật đã có Nghị định 72/2013/NĐ-CP quy định về việc quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng; Thông tư 38/2016/TT-BTTTT quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới.

Những thông tư, nghị định này quy định, các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin công cộng qua biên giới có nghĩa vụ tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam khi cung cấp thông tin công cộng cho người sử dụng tại Việt Nam.

Theo đó, đối với các trường hợp như chống phá Đảng, Nhà nước; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc sau khi nhận được đề nghị phối hợp từ Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT), trong vòng 24 giờ, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin công cộng qua biên giới xác định thông tin vi phạm và thực hiện việc xử lý thông tin theo đề nghị.

Sau thời hạn nêu trên, nếu tổ chức, cá nhân nước ngoài không xử lý thông tin vi phạm theo yêu cầu và cũng không phản hồi trở lại, Bộ TTTT sẽ gửi thông báo lần 2.

Trường hợp 24 giờ sau khi Bộ TTTT gửi thông báo lần 2, nếu tổ chức, cá nhân nước ngoài vẫn tiếp tục không xử lý thông tin vi phạm theo đề nghị và cũng không phản hồi trở lại, Bộ TTTT sẽ thực thi các biện pháp kỹ thuật cần thiết.

Biện pháp chặn kỹ thuật chỉ được gỡ bỏ sau khi các thông tin vi phạm đã được tổ chức, cá nhân nước ngoài xử lý theo yêu cầu của Bộ TTTT.

Như vậy, rõ ràng việc kiểm soát nội dung sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào đơn vị cung cấp dịch vụ mạng xã hội mà ở đây là nền tảng Twitter và chúng ta chỉ có thể yêu cầu hoặc áp dụng biện pháp ngăn chặn để người dùng tại Việt Nam không được phép truy cập Twitter chứ không thể xử phạt được đơn vị này.

Mại dâm trá hình

Về trào lưu Sugar daddy và sugar baby (tạm dịch: Bố nuôi - con nuôi), theo luật sư Tuấn Anh, đây là mối quan hệ của những nam/nữ thanh niên trẻ tuổi với những người đàn ông/phụ nữ lớn tuổi hơn mình. Những người trẻ trong mối quan hệ này sẽ phải đánh đổi tình cảm, thể xác để nhận lại những giá trị là tiền mặt, là quà tặng đắt đỏ hay những chuyến du lịch sang chảnh từ những người bố nuôi hoặc mẹ nuôi.

Trào lưu bố nuôi, con nuôi trên Twitter: Là mại dâm trá hình - Ảnh 3.

Luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội).

Những người bắt đầu mối quan hệ này đều hiểu rằng chắc chắn sẽ phải trao đổi tình dục lấy lợi ích về vật chất. Nếu mối quan hệ này đơn thuần chỉ là việc tìm hiểu nhau giữa nam và nữ thông thường thì sẽ không được gọi là "sugar daddy".

Theo Pháp lệnh phòng, chống mại dâm có hiệu lực từ ngày 1/7/2003 định nghĩa mại dâm là hành vi mua dâm, bán dâm, trong đó: Bán dâm là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác. Để đạt được điều này, họ chủ động thực hiện hành vi giao cấu với người đã hoặc sẽ trả tiền hay lợi ích vật chất cho họ. Mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu.

Căn cứ định nghĩa như quy định pháp luật, rõ ràng mối quan hệ bố nuôi, con nuôi chính là một hình thức mại dâm trá hình, một mối quan hệ vi phạm pháp luật được gọi theo một cái tên màu hồng hơn mà thôi.

Pháp luật Việt Nam cấm mọi hình thức mại dâm, đối với hành vi môi giới mại dâm thì có thể bị xử phạt hành chính lên đến 20.000.000 đồng tại điểm c, khoản 4, Điều 24 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ; thậm chí là xử lý hình sự về tội môi giới mại dâm được quy định tại Điều 328 Bộ luật Hình sự 2015 với mức xử phạt lên đến 15 năm tù giam.

Tuy nhiên, với việc đánh tráo khái niệm của mối quan hệ giữa bố nuôi và con nuôi, vì vậy nên thực tế vẫn có rất nhiều nhóm trên mạng xã hội được lập ra để kết nối những người tìm đến mối quan hệ này.

Theo vị luật sư, việc xử lý vi phạm pháp luật trên môi trường mạng chưa bao giờ là dễ dàng, vì vậy cơ quan chức năng cần phải đấu tranh một cách quyết liệt hơn nữa để có thể ngăn chặn những mối quan hệ trá hình kiểu như này, tránh để lại hệ quả nghiêm trọng về sau.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem