Trái cây Việt xuất ngoại: Mở thị trường đã khó, giữ thị phần còn khó hơn

Khánh Nguyên Thứ năm, ngày 29/12/2022 13:12 PM (GMT+7)
Đó là nhận định của ông Hoàng Trung (ảnh) - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) về việc đàm phán mở cửa thị trường cho trái cây Việt trong năm 2022.
Bình luận 0
Trái cây Việt xuất ngoại: Mở thị trường đã khó, giữ thị phần còn khó hơn - Ảnh 1.

Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT).

Ông Trung cho rằng, doanh nghiệp, người dân nên tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, không nên ồ ạt mở rộng diện tích, nhất là với những loại trái cây đang có chiều hướng xuất khẩu tốt như sầu riêng.

Đã có 5.300 mã số vùng trồng được công nhận

Năm 2022 đánh dấu công tác mở cửa thị trường xuất khẩu (XK) trái cây đạt kết quả khả quan. Một trong những yêu cầu bắt buộc của thị trường nhập khẩu là vùng nguyên liệu phải được cấp mã số vùng trồng. Thời gian qua, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đã tiến hành việc này như thế nào, thưa ông?

- Theo thông lệ quốc tế và quy định của các nước, mã số vùng trồng là yêu cầu bắt buộc của các nước nhập khẩu nông sản hiện nay. Trong thời gian qua, Cục BVTV được giao hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương xây dựng mã số vùng trồng cho nhiều loại nông sản phục vụ XK. Tùy từng yêu cầu của thị trường, Cục đã có hướng dẫn chi tiết các địa phương xây dựng mã số vùng trồng và các cơ sở đóng gói.

Đến nay, đã có 5.300 mã số vùng trồng được công nhận với tổng diện tích hơn 300.000ha. Dù đã có nhiều nỗ lực trong thời gian qua nhưng đây vẫn là con số khiêm tốn so với vùng sản xuất rộng lớn ở các địa phương. 

Do vậy, từ năm 2021, Cục BVTV đã có văn bản hướng dẫn các địa phương tự đăng ký, xây dựng mã số vùng trồng, Cục có trách nhiệm giám sát đảm bảo việc cấp mã số vùng trồng đúng quy định. Với cách làm này, thời gian tới, số diện tích được cấp mã số vùng trồng ở các địa phương sẽ tăng nhanh.

Tôi lấy ví dụ quả sầu riêng, trong đợt kiểm tra trực tuyến đầu tiên, Trung Quốc đã cấp mã số xuất khẩu cho 51 mã số vùng trồng; vừa qua Trung Quốc tiếp tục cấp thêm 32 mã số vùng trồng và 5 cơ sở đóng gói và đang có 149 mã đang tiếp tục xem xét. Nếu được cấp trong thời gian tới thì sẽ có khoảng 60% diện tích sầu riêng có mã số, đảm bảo yêu cầu đầu tiên khi XK sang Trung Quốc.

Ngoài các loại trái cây, Cục BVTV cũng đã đề nghị các tỉnh xây dựng mã số vùng trồng trên các loại rau quả, lúa gạo XK. Điều đáng mừng là, các địa phương cũng rất quan tâm đến vấn đề này nên tôi tin trong thời gian tới diện tích các loại cây trồng được cấp mã số vùng trồng sẽ còn tăng.

Trái cây Việt xuất ngoại: Mở thị trường đã khó, giữ thị phần còn khó hơn - Ảnh 2.

Quả nhãn tươi Việt Nam chính thức được cấp phép xuất khẩu sang Nhật Bản. Trong ảnh: Nông dân Sơn la thu hoạch nhãn. Ảnh: P.V

Không nên ồ ạt mở rộng diện tích

Theo ông Hoàng Trung, sau khi ký Nghị định thư XK với Trung Quốc, XK sầu riêng sang Trung Quốc đã tăng mạnh nhưng đi kèm với đó là hiện tượng nhiều nơi người dân có xu hướng phá bỏ nhiều loại cây trồng khác chuyển sang trồng sầu riêng.

"Bà con cần lưu ý, xuất khẩu sầu riêng tăng thời gian qua chỉ là hiện tượng nhất thời, trong khi chu kỳ phát triển của sầu riêng phải kéo dài 4 - 5 năm, do vậy, khi có dự định mở rộng diện tích sầu riêng cũng cần phải tính toán, không nên ồ ạt chạy theo phong trào, có thể để lại hệ lụy về quy hoạch phát triển cây trồng của địa phương và gây sức ép lên thị trường" - Cục trưởng Cục BVTV khuyến cáo.

P.V

Dù đã đạt được nhiều kết quả trong việc mở cửa thị trường nhưng thời gian qua vẫn còn hiện tượng gian lận mã số vùng trồng, nhất là quả sầu riêng. Để hướng tới xuất khẩu bền vững, theo ông cần những giải pháp gì?

Trái cây Việt xuất ngoại: Mở thị trường đã khó, giữ thị phần còn khó hơn - Ảnh 4.

 - Hướng tới XK bền vững, Cục BVTV đã xây dựng các quy định, quy trình tiêu chuẩn, đồng thời mở các lớp tập huấn, hướng dẫn chi cục BVTV các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp, người dân để mỗi đơn vị, cá nhân đều nắm rõ quy trình này. 

Ví dụ, với thị trường Trung Quốc, các địa phương thực hiện theo đúng các tiêu chuẩn đã hướng dẫn, hồ sơ ghi chép nhật ký thế nào, quy trình sản xuất ra sao, cần thiết thì Cục BVTV mới kiểm tra ngẫu nhiên. Phía Trung Quốc sau khi xem xét, hồ sơ nào đầy đủ thì họ sẽ kiểm tra trực tuyến hoặc trực tiếp, thậm chí có thể kết hợp cả kiểm tra trực tuyến và trực tiếp. Sau khi kiểm tra xong họ sẽ phê chuẩn gửi về Cục BVTV. Cục có trách nhiệm thông báo cho người quản lý mã số vùng trồng để có trách nhiệm duy trì, quản lý mã số đó.

Hiện, có một vấn đề đặt ra, ai là chủ sở hữu mã số vùng trồng? Chúng tôi khuyến khích các hợp tác xã là chủ sở hữu để có thể gắn kết người dân để có quy mô sản xuất lớn hơn. Thứ hai là doanh nghiệp với điều kiện doanh nghiệp phải liên kết với người dân, cam kết hỗ trợ người sản xuất theo đúng quy chuẩn.

Người dân cũng có thể tự liên kết xây dựng mã số vùng trồng nhưng phải cử ra một đại diện, có sự xác nhận của cơ quan chức năng. Sau khi có mã số, các chủ thể sẽ gửi thông tin cho các cửa khẩu. Lô hàng nào có mã số đó thì mới được XK và việc này sẽ được kiểm soát từ bên này biên giới. Trong trường hợp có ủy quyền sử dụng mã số vùng trồng thì phải có sự thống nhất giữa các chủ thể và có xác nhận của địa phương.

Hiện, Cục BVTV cũng đang phối hợp với cơ quan công an xử lý các vi phạm liên quan đến mã số vùng trồng và sẽ làm nghiêm vì việc gian lận sẽ ảnh hưởng đến ngành hàng, đến công sức của các ngành chức năng, doanh nghiệp đã dày công xây dựng trong bao nhiêu năm qua. 

Bởi chỉ vì việc làm vô trách nhiệm của một cá nhân nào đó thì công sức bao năm qua sẽ đổ xuống sông xuống biển.

Tiếp tục mở cửa thị trường cho trái cây

Trên cơ sở những kết quả đàm phán mở cửa thị trường năm 2022, ông nhận định như thế nào về năm 2023 và có khuyến cáo gì để người dân, doanh nghiệp sản xuất, XK hiệu quả?

- Phải khẳng định, kết quả mở cửa thị trường xuất khẩu cho nhiều loại trái cây trong năm 2022 là kết quả đàm phán tích lũy từ các năm trước để có sự bùng nổ như trong thời gian qua khi Trung Quốc và Việt Nam đã ký nghị định thư XK chanh leo, ớt, sầu riêng, khoai lang; đồng thời tiếp tục chuẩn hóa lại 8 nghị định thư với 8 loại nông sản XK chủ lực, trong đó chuối đã hoàn thành. Chúng tôi cho rằng, đây là cơ hội tốt nhằm nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp, người dân hướng đến làm ăn bài bản, có hệ thống, làm một cách đồng bộ.

Đơn cử như thị trường Mỹ, việc đàm phán mở cửa XK trái bưởi tươi đã tạo ra cơ hội tốt để nông sản Việt tiếp cận các thị trường khác. Hiện, những lô bưởi đầu tiên được đánh giá tốt, giá cao, mọi thứ đang vận hành rất trơn tru. Nhật Bản cũng đang hoàn thiện các thủ tục cho phép Việt Nam XK nhãn; các cơ sở xử lý lạnh, cơ sở đóng gói đã sẵn sàng cho những lô hàng đầu tiên.

Chúng tôi cũng đang trong lộ trình đàm phán mở cửa XK nhiều loại trái cây sang thị trường Hàn Quốc, Đài Loan,… Hy vọng trong năm 2023 sẽ có thêm nhiều loại trái cây được tiếp cận thị trường mới. Tuy nhiên, tôi cho rằng, mở cửa được đã khó nhưng duy trì và mở rộng thị phần còn khó hơn. Do vậy, mỗi người dân, doanh nghiệp cần sản xuất có trách nhiệm, để đáp ứng được yêu cẩu của từng thị trường.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem