TP.HCM: Khi nào gắn chip theo dõi chó, mèo?

Quang Sung Thứ năm, ngày 25/04/2024 19:00 PM (GMT+7)
Nếu Quy định tạm thời về quản lý nuôi chó, mèo trên địa bàn TP.HCM được thông qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y sẽ tham mưu Sở NNPTNT triển khai thí điểm gắn chip trên chó, mèo tại một số khu vực nhất định trong nội thành.
Bình luận 0

Tại buổi họp báo kinh tế xã hội chiều 25/4, ông Nguyễn Văn Dũng - Trưởng phòng chăn nuôi dịch tễ (Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM) cho biết, hiện Quy định tạm thời về quản lý nuôi chó, mèo trên địa bàn TP.HCM đang được xem xét.

TP.HCM: Khi nào gắn chip theo dõi chó, mèo?- Ảnh 1.

TP.HCM dự kiến thí điểm gắn chip chó, mèo trong nội thành nếu Quy định tạm thời về quản lý nuôi chó, mèo trên địa bàn TP.HCM được thông qua. Ảnh: Q.S

Nếu quy định này được UBND TP.HCM thông qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y sẽ tham mưu Sở NNPTNT triển khai thí điểm gắn chip trên chó, mèo tại một số khu vực nhất định trong nội thành. Sau đó tiến hành đánh giá về hiệu quả và khuyến khích các hộ nuôi chó, mèo trên địa bàn thành phố gắn chip, đặc biệt là các hộ nuôi chó, mèo cảnh có giá trị.

Theo ông Dũng, việc gắn chip giúp thuận tiện trong việc quản lý; trong việc truy xuất các thông tin liên quan như chủ vật nuôi; lịch sử tiêm phòng; giống; di chuyển động vật từ nơi này đến nơi khác được chặt chẽ. Các thông tin dữ liệu sẽ được cập nhật vào cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, việc đăng ký chăn nuôi chó, mèo với chính quyền địa phương sẽ giúp cho cơ quan nhà nước quản lý được chặt chẽ được tổng đàn chó mèo nuôi trên địa bàn.

Đây là cơ sở để triển khai các biện pháp quản lý chăn nuôi, phòng chống, giám sát dịch bệnh như: dự trù vắc-xin, các nguồn lực để triển khai phù hợp với thực tế và đạt hiệu quả cao.

TP.HCM: Khi nào gắn chip theo dõi chó, mèo?- Ảnh 3.

Đến nay, TP.HCM có 59 đội chuyên trách bắt chó thả rông. Ảnh: H.H

Trước đó, Sở NNPTNT TP.HCM đã có những đề xuất quy định tạm thời về quản lý nuôi chó, mèo trên địa bàn TP.HCM, trình UBND TP.HCM xin ý kiến.

Theo đó, về trách nhiệm của chủ vật nuôi, Sở NNPTNT đề xuất người dân phải đăng ký và kê khai việc nuôi chó, mèo với UBND phường, xã. Đồng thời, khuyến khích các hộ nuôi gắn microchip trên chó, mèo nhằm quản lý các thông tin liên quan đến vật nuôi ở mức độ cá thể (phối giống, tiêm phòng, kiểm dịch vận chuyển).

Bên cạnh đó, Sở NNPTNT cũng đề xuất hạn chế nuôi các giống chó to, bản tính hung dữ như chó Pit Bull (Mỹ), chó Perro de Presa Canarios (Tây Ban Nha), chó săn Dogo Argentinos (Argentina), chó Tosa (Nhật Bản) và chó Fila Brasileiros (Brazil)...

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, từ năm 2018 đến nay, đơn vị này đã tiến hành tập huấn công tác bắt chó thả rông cho nhân sự của UBND cấp xã. Hiện nay, việc thành lập tổ bắt chó thả rông cũng như công tác bắt chó thả rông do UBND các xã triển khai thực hiện dựa trên Kế hoạch của UBND quận, huyện ban hành.

Đến nay có 79 xã, phường đã thành lập tổ bắt chó thả rông trên địa bàn thành phố. Các tổ bắt chó thả rông hoạt động tương đối hiệu quả nên đã góp phần hạn chế tình trạng chó thả rông trên địa bàn thành phố. Do vậy, người dân khi phát hiện chó thả rông khu vực nào đề nghị liên hệ UBND phường, xã nơi đó để xử lý theo quy định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem