Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cảnh báo 'sốc': 'Nhân loại đã mở cổng địa ngục'

Minh Nhật (theo Yahoo News) Thứ năm, ngày 21/09/2023 21:09 PM (GMT+7)
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Tham vọng Khí hậu của Liên Hợp Quốc tại thành phố New York với một tuyên bố cực "nóng" rằng: “Nhân loại đã mở ra cánh cổng địa ngục”.
Bình luận 0
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cảnh báo 'sốc': 'Nhân loại đã mở cổng địa ngục' - Ảnh 1.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres phát biểu tại phiên họp thứ 78 của Đại hội đồng Liên HợpQuốc. (Richard Drew/AP)

Sau mùa hè nóng kỷ lục, trong đó có một số hiện tượng thời tiết cực đoan tàn khốc liên quan đến nhiệt độ toàn cầu tăng cao, tại Hội nghị thượng đỉnh Tham vọng khí hậu diễn ra ngày 20/9, Tổng thư ký Guterres nhấn mạnh: "Nhân loại đã mở các cánh cửa địa ngục. Sức nóng khủng khiếp đang gây ra những hậu quả khủng khiếp. Người nông dân đau khổ nhìn mùa màng bị lũ cuốn trôi. Nhiệt độ ngột ngạt sinh ra nhiều loại bệnh tật. Hàng nghìn người phải sơ tán khi cháy rừng lịch sử hoành hành. Tuy nhiên, hành động vì khí hậu bị thu hẹp do thách thức ngày càng lớn.".

Người đứng đầu Liên Hợp Quốc tiếp tục kêu gọi hành động mạnh mẽ hơn để giảm lượng khí thải nhà kính gây ra biến đổi khí hậu và tăng cường hỗ trợ tài chính cho các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất. 

Ông Guterres cho biết, các nước "vẫn có thể khống chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở mức 1,5 độ C - mục tiêu cần thiết để tránh thảm họa khí hậu về lâu dài. Ông cảnh báo nếu không thay đổi, nhiệt độ thế giới có thể tăng tới 2,8 độ C - hướng đến một thế giới bất ổn và nguy hiểm. 

Phân tích nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng khí hậu, ông Guterres cho rằng tốc độ chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu tái tạo còn quá chậm. Chính vì vậy, các nước cần có cam kết tham vọng hơn về giảm phát thải nhà kính phù hợp với mục tiêu duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5°C, trong đó các nước phát thải nhiều cần đi đầu trong giảm phát thải khí nhà kính, các nước phát triển cần đạt phát thải ròng bằng “0” muộn nhất vào năm 2040 trong khi các nền kinh tế lớn mới nổi là vào năm 2050. 

Các nước phát triển cần hỗ trợ các nước đang phát triển, phù hợp với nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng khác biệt. Ngoài ra, Các nước phát triển phải đáp ứng cam kết đóng góp 100 tỷ USD dành cho các nước đang phát triển, bổ sung Quỹ Khí hậu Xanh và tăng gấp đôi kinh phí thích ứng. Không chỉ vậy, tất cả người dân đều phải được bảo vệ thông qua các hệ thống cảnh báo sớm vào năm 2027.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, việc Trung Quốc, Mỹ, cùng một số nước có lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất trên thế giới không đưa ra phát biểu tại Hội nghị cho thấy nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu vẫn tiến triển chậm. Theo ông Manuel Pulgar-Vidal, người đứng đầu chiến dịch năng lượng và khí hậu toàn cầu của Quỹ động vật hoang dã, cần có sự thay đổi đột phá trong ý chí chính trị để có thể thúc đẩy mạnh mẽ các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem