Tốn thêm hàng nghìn tỉ với đề xuất gắn hộp đen cho ô tô của Bộ GTVT

Phi Long Thứ hai, ngày 06/08/2018 13:00 PM (GMT+7)
Điểm mới của Dự thảo sửa đổi Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô (Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014), vừa được Bộ GTVT trình Thủ tướng xem xét ban hành là đề xuất Grab, Uber thay đổi toàn bộ thiết bị giám sát hành trình ô tô (hộp đen), doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng.
Bình luận 0

img

Tốn thêm hàng nghìn tỉ với đề xuất gắn hộp đen cho ô tô của Bộ GTVT (Ảnh: IT)

Chi phí tăng thêm khoảng 3.000 tỷ đồng

Theo Dự thảo Nghị định, việc lắp đặt và truyển tải dữ liệu hình ảnh về hoạt động của lái xe thực hiện theo lộ trình: Với xe khách theo hợp đồng, xe du lịch từ 9 chỗ trở lên phải thực hiện trước ngày 1.7.2022; Với xe khách tuyến cố định, xe buýt, container, xe đầu kéo rơ moóc thực hiện trước 1.7.2023; Với xe tải hàng hóa từ 20 tấn trở lên thực hiện trước ngày 1.7.2024; Với xe khách dưới 9 chỗ phải thực hiện từ 1.7.2025.

Theo Bộ GTVT, sẽ có trên 340.000 ô tô kinh doanh vận tải hiện phải thực hiện thay thế, bổ sung thiết bị hộp đen để đáp ứng yêu cầu về cung cấp hình ảnh lái xe. Với giá thiết bị hộp đen từ 4,5 - 5,5 triệu đồng/chiếc, chi phí duy trì máy chủ và đường truyền dữ liệu khoảng 120.000 đồng/xe/tháng. Tổng chi phí lắp đặt thiết bị mới khoảng 1.500 - 1.900 tỷ đồng, chi phí duy trì máy chủ và đường truyền khoảng 500 tỷ đồng/năm.

Cũng trong Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 trình Thủ tướng, Bộ GTVTgiữ quan điểm hình thức sử dụng phần mềm để kết nối khách hàng với lái xe, định giá cước… đều là hoạt động kinh doanh vận tải. Dự thảo Nghị định cũng được xây dựng theo hướng Uber, Grab… tiếp tục là xe hợp đồng điện tử (không phải taxi điện tử), nhưng có một số điều kiện khác để loại hình này hoạt động như taxi. Ðây được xem là phương án 1, Bộ GTVT nghiêng về lựa chọn phương án này. Theo đó, chỉ DN, hợp tác xã được cấp giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng mới được sử dụng ô tô dưới 9 chỗ để kinh doanh vận tải khách sử dụng hợp đồng vận tải điện tử; trên xe phải dán phù hiệu xe hợp đồng điện tử… 

Với phương án 2 về quản lý Uber, Grab… trong Tờ trình Chính phủ, Bộ GTVT đưa ra theo đề xuất của các DN taxi. Theo đó, quy định toàn bộ các phương tiện kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ ứng dụng phần mềm tính tiền (bao gồm cả Uber, Grab) phải là taxi.

img

Đề xuất không gắn mào lên xe Grab đang được nhiều chuyên gia và doanh nghiệp có ý kiến phản đối (Ảnh: IT)

Phải coi Grab là loại hình taxi

Trao đổi với Dân Việt, TS. Nguyễn Trọng Thủy, chuyên gia giao thông cho rằng: Trước đây, Bộ GTVT đã quản lý Grab, Uber là loại hình taxi thì phải đồng nhất và coi loại hình này là taxi. Do đó, việc cho gắn mào hoặc quản lý loại hình này bằng công nghệ 4.0 hay dán các thông số quy định để quản lý theo loại hình taxi đề công bằng với các loại hình kinh doanh taxi truyền thống.

“Mục tiêu cuối cùng của các loại hình taxi là phục vụ người dân tốt hơn. Do đó, việc quản lý các loại hình này cần phải tạo ra sự công bằng, minh bạch và giúp cho các loại hình vận tại cùng cạnh tranh lành mạnh, hạ giá thành và thay đổi cung cách phục vụ”, ông Thủy nói.

Theo Nghị định 171/NÐ-CP, trước ngày 1.7.2016, khoảng 800.000 phương tiện vận tải (xe khách, taxi, xe tải) phải gắn hộp đen, với chi phí doanh nghiệp (DN) bỏ ra ước tính trên 3.000 tỷ đồng. Nay số hộp đen này nguy cơ sẽ bị vứt bỏ nếu quy định mới mà Bộ GTVT vừa đề xuất Thủ tướng được ban hành. Ngoài việc đề nghị bổ sung thêm quy định về loại phương tiện phải gắn hộp đen (xe trung chuyển), Bộ GTVT còn đề xuất thêm nội dung dữ liệu hộp đen phải lưu trữ. Cụ thể như thông tin về thời gian lái xe liên tục, thời gian làm việc của lái xe trong ngày, hình ảnh hoạt động của lái xe. Với quy định mới này, các thiết bị hộp đen cũ đã lắp doanh nghiệp sẽ phải thay đổi, hoặc phải lắp mới.

Liên quan tới đề xuất gắn hộp đen của Bộ GTVT, ông Thủy cho rằng việc này là cần làm để quản lý tốt hơn cho cả doanh nghiệp và đặc biệt là quản lý được lái xe, nếu lái quá thời gian quy định sẽ bị nhắc nhở để tránh tình trạng ngủ gật gây ra tai nạn thảm khốc như nhiều vụ tai nạn trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, ông Thủy cho rằng, Bộ GTVT cần nghiên cứu các thiết bị này để giảm thiểu chi phí đầu tư cho doanh nghiệp vận tải.

Còn ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cho rằng, quy định hộp đen trên mới được đưa vào dự thảo Nghị định. Các dự thảo trước đó Bộ GTVT đưa ra lấy ý kiến Doanh nghiệp không có nội dung trên.

Trong khi đó, trao đổi với Dân Việt, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Ô tô Hà Nội Bùi Danh Liên cũng cho rằng Hiệp hội và doanh nghiệp của ông cũng không được lấy ý kiến về quy định lắp hộp đen trên. Theo ông Liên, cần xem hộp đen ô tô là công cụ để DN quản lý phương tiện và con người của mình, không nên bắt DN trang bị để cơ quan quản lý dựa vào đó xử phạt vi phạm, trừ khi có tai nạn, hoặc phát hiện vi phạm mới trích xuất hộp đen để thêm cơ sở xử lý.

Về việc lắp đặt hộp đen cho ô tô những năm qua, ông Liên cho rằng, chưa mang lại nhiều hiệu quả, lại tốn kém cho DN. Đặc biệt, các thiết bị giám sát hành trình này hoạt động ở một số nơi chưa tốt, xảy ra trục trặc.

Ông Liên cho rằng, hàng nghìn tỷ đã được các DN vận tải chi ra để lắp hộp đen, nay Bộ GTVT lại “đùng đùng” đưa ra yêu cầu phải thay đổi, lắp mới, tốn thêm hàng nghìn tỷ đồng nữa là rất lãng phí.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem