Tổ bảo vệ tự quản thôn làm chết vịt của người dân tại Hải Phòng, quy định pháp lý ra sao?

Việt Sáng Chủ nhật, ngày 17/07/2022 11:21 AM (GMT+7)
Luật sư Quách Thành Lực cho rằng cần phải xem xét nhiều khía cạnh để có cái nhìn tổng thể trong vụ Tổ bảo vệ tự quản thôn làm chết vịt của người dân ở Hải Phòng.
Bình luận 0

Tổ bảo vệ tự quản thôn làm chết vịt của người dân

Ngày 16/7, Công an huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng cho biết đã ra quyết định khởi vụ án hình sự về hành vi hủy hoại tài sản theo quy định tại khoản 1, điều 178, Bộ luật hình sự xảy ra tại thôn Đông Lôi, xã Thắng Thủy, huyện Vĩnh Bảo.

Chăn nuôi vịt đồng ở huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai. Ảnh: Trần Khánh

Luật sư Quách Thành Lực cho rằng cần phải xem xét nhiều khía cạnh để có cái nhìn tổng thể trong vụ Tổ bảo vệ tự quản thôn làm chết vịt của người dân. Ảnh minh họa.

Theo tài liệu điều tra, ngày 3/6, đàn vịt khoảng 1.600 con của gia đình ông Đông Quang Hướng (58 tuổi, trú xã Thắng Thủy, huyện Vĩnh Bảo) đi vào ruộng lúa của gia đình ông Nguyễn Duy Sơn (55 tuổi) ở cánh đồng Súng, thôn Đông Lôi. Cho rằng đàn vịt tràn vào gây tổn thất ruộng lúa, ông Sơn đã báo lực lượng bảo vệ của thôn.

Nhận tin báo, tổ bảo vệ tự quản của thôn Đông Lôi gồm các ông: Nguyễn Văn Đẩu (49 tuổi), Nguyễn Văn Công (44 tuổi) và Nguyễn Đức Thịnh (58 tuổi) lập tức có mặt tại cánh đồng Súng, dùng gậy "trấn áp" đàn vịt.

Hậu quả khiến 101 con vịt bị đánh chết. Gia đình ông Đông Quang Hướng sau đó trình báo cơ quan chức năng. Nhận thấy có dấu hiệu hành vi hủy hoại tài sản, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Vĩnh Bảo đã ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra.

Luật sư nói gì vụ Tổ bảo vệ tự quản thôn làm chết vịt của người dân?

Luật quy định thế nào vụ Tổ bảo vệ tự quản thôn làm chết vịt của người dân tại Hải Phòng? - Ảnh 3.

Luật sư Quách Thành Lực - Đoàn LS TP Hà Nội phân tích pháp lý xung quanh việc Tổ bảo vệ tự quản thôn làm chết vịt của người dân.

Theo dõi vụ việc này, Luật sư Quách Thành Lực - Đoàn LS TP Hà Nội cho biết, cần xác định rõ mức độ thiệt hại trong vụ việc để có kết luận cụ thể.

"Chỉ cần xác định một con vịt giá bao tiền, rồi nhân lên với 101 là ra thiệt hại. Tội hủy hoại tài sản được quy định rõ tại Điều 178 Bộ luật hình sự 2015.

Theo tôi, nếu bị xử lý, Tổ bảo vệ tự quản thôn có thể bị áp dụng khoản 1, Điều 178", vị luật sư phân tích.

Điều 178, Tội hủy hoại tài sản và tội cố ý làm hư hỏng tài sản:

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng tài sản là di vật, cổ hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa hoặc tài sản trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

Có tổ chức;

Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

Gây thiệt hại tài sản là bảo vật quốc gia;

Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

Để che giấu tội phạm khác;

Vì lý do công vụ của người bị hại;

Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm:

Gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.“

Như vậy nhìn vào hình phạt có thể thấy mức độ nguy hiểm của hành vi tăng dần theo các khoản. Hơn nữa người phạm tội này còn có thể chịu hình phạt bổ sung đó là phạt tiền hoặc cầm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm.

Vị luật sư cho rằng, tính chất của sự việc có nhiều điểm bất thường khiến dư luận quan tâm, vì vậy cơ quan điều tra cần phải xác minh rõ các tình tiết đó.

"Tổ bảo vệ tự quản thôn do lùa đàn vịt lên không may làm chết, hay có dấu hiệu đuổi, đánh khiến vịt chết... đây là những điều cần làm rõ để xác định tội danh của những người này. Bởi việc đảm bảo, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ tài sản của người dân, Tổ bảo vệ tự quản thôn cũng có một phần trách nhiệm.

Bên cạnh đó, Tổ bảo vệ tự quản thôn có mặt khi được người dân thông báo về sự việc trên.

Trường hợp cơ quan chức năng khởi tố bị can về tội hủy hoại tài sản thì những người này có thể được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, được quy định tại Điều 51, Bộ luật hình sự 2015.

Các tình tiết có thể áp dụng như: Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm; Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết; Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn; Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng...", luật sư Lực nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem