Sa Lai “đi dễ, khó về”: Nỗi buồn gia đình “mồ côi”

Gia Tưởng Thứ năm, ngày 13/08/2015 06:38 AM (GMT+7)
Mất cha, vắng mẹ, hàng chục đứa trẻ ở bản Sa Lai (xã Chiềng Xuân, huyện Vân Hồ, Sơn La) sống vất vưởng lay lắt như những lá cây, ngọn cỏ trên rừng.
Bình luận 0

Chủ nhà 15 tuổi

Ở tuổi “bẻ gãy sừng trâu” nhưng Giàng A Hồ (17 tuổi) còi cọc, gầy yếu. Đó là vì em phải mang trên vai gánh nặng của cả một đại gia đình.

img

Những đứa trẻ  này đang ngày ngày ngóng mẹ quay về. Ảnh: Gia Tưởng

Bố đã mất, mẹ bỏ đi từ 2 năm trước, khi đó cậu bé Giàng A Hồ mới 15 tuổi. Dù không tình nguyện, Hồ vẫn phải gánh vác làm chủ gia đình với 6 con người gồm bà nội hơn 70 tuổi và 4 đứa em lít nhít. “Bố em mất được hơn 2 năm thì mẹ em lẳng lặng bỏ đi không dặn dò lại chúng em câu nào. Lúc mẹ đi, đứa em gái út Giàng Thị Ca mới hơn 3 tuổi, mấy đứa em Giàng A Sang, Giàng Thị Rư và Giàng A Ca chẳng biết làm gì cứ ôm nhau khóc nhiều lắm, không thể nào mà dỗ các em được, Hồ buồn lắm. Nhưng các em khóc mãi rồi cũng phải nín thôi, còn em đang đi học cấp 2 thì phải nghỉ để lo cho việc gia đình” – Hồ kể lại một cách thờ ơ. Nhưng ánh mắt của em sẫm tối, đầy vẻ buồn phiền, mệt mỏi – một ánh mắt già nua không đáng có ở tuổi của em.

Hồ cho biết từ ngày mẹ đi thì công việc làm nương và mọi sinh hoạt khác như bổ củi, lấy nước ăn uống hàng ngày, đóng học cho 2 đứa em đang học cấp I... Hồ đều phải lo. Khi được hỏi gia đình Hồ có bao nhiêu diện tích trồng ngô thì Hồ nói: “Em không nhớ được, chỉ biết rằng mỗi năm em trồng 23kg giống, phải đi mua chịu phân và thuốc bảo vệ thực vật”. Từ ngày mẹ đi, cuốn sổ ghi nợ của Hồ cũng dày hơn, tổng cộng cũng đã đến 30 triệu đồng. “Em làm nương được 3 vụ rồi, hàng năm đến vụ thu ngô xong mình bán đi, trả nợ tiền mua giống, mua phân, chỉ giữ lại khoảng 5 triệu để chi tiêu trong gia đình và đóng học cho em. Nếu thiếu nợ thì khất chủ cho đến vụ sau trả tiếp và  mình phải trả lãi cho người ta” - Hồ cho biết thêm. Trước kia bố còn sống, mẹ ở nhà làm được nhiều nương,  nhiều ruộng thì gia đình em không bị thiếu đói, nhưng kể từ khi mẹ bỏ đi thì có năm đủ ăn, có năm thiếu phải đi vay hàng xóm mới có gạo nấu cơm cho mấy đứa em ăn.

Nhắc đến mẹ, Hồ đau đớn: “Giá như mẹ đừng sinh chúng em ra thì hơn, tại sao mẹ lại bỏ đi để chúng em bơ vơ như cây cỏ giữa rừng thế này? Nhưng chúng em vẫn nhớ thương mẹ, vẫn chờ mong một ngày nào đó mẹ về”. Hồ bảo, hồi mẹ mới đi thì còn gọi điện về nhà vài lần, nhưng hơn 1 năm nay thì bặt vô âm tín. Cứ chiều đến mấy đứa em của Hồ đều ngồi lặng lẽ như những pho tượng ở đầu con dốc trước nhà để ngóng mẹ. Nhìn cảnh một bầy trẻ mặt mũi thất thần, buồn rười rượi, ánh mắt khắc khoải ngóng về phía đầu dốc, ít người cầm được nước mắt.

Nhà toàn trẻ em, người già, thiếu lao động, thiếu người chăm nom, Giàng A Hồ đã phải vội vàng lấy vợ. Giàng Thị Sy- vợ Hồ là cô bạn “nối khố”, thông cảm với hoàn cảnh của Hồ, thương Hồ nên về ở với nhau. “Bố mất, mẹ bỏ đi em buồn lắm, buồn nhất là khi em lấy vợ không có ai giúp đỡ cứ lủi thủi một mình, phải nhờ anh em đi làm đám cưới hộ. Đáng nhẽ em cũng chưa lấy vợ sớm ở tuổi 17 thế này đâu, nhưng có một thân một mình, lại phải lo cho 4 đứa em cùng bà nội đã già, cần người làm cùng mình cho đỡ vất vả nên phải lấy vợ  thôi”.

“Bố mẹ” tuổi 70

Theo chân Trưởng bản Sa Lai Giàng A Sử  đi hết 3 quả núi với những con dốc trơn trượt, chúng tôi đã đến được nhà đôi vợ chồng già ông Sùng A Lòng và bà Giàng Thị Va. Đôi vợ chồng già này đang nuôi 4 đứa cháu, đứa lớn nhất 11 tuổi còn bé mới được 3 tuổi. Vừa được hỏi chuyện, vai ông Lòng đã trĩu xuống: “Tôi khổ lắm nhà báo ạ! Thằng con trai Sùng A Sì nghe người xấu đi chở thuốc phiện bị 18 năm tù. Còn vợ nó là Lí Thị Xâu cũng bỏ đi hơn một năm nay rồi, để lại cho vợ chồng tôi 4 đứa cháu. Lúc gần đất xa trời rồi lại tiếp tục phải làm “bố mẹ” chăm con trẻ”.

Ông Lòng cũng không nhớ mình đã bao nhiêu tuổi, chỉ ước tính cũng đã sắp “thất thập cổ lai hy”. Do tuổi già, sức yếu, vợ chồng ông bà không đi làm nương được nữa. Có ít ruộng phải nhờ anh em, chòm xóm làm giúp rồi trả công cho người ta. Vì thế, gạo ngô thu được chẳng còn là bao. Thiếu gạo, mỗi năm, mấy ông cháu phải ăn ngô độn 2-3 tháng.

Ông Lòng cho biết, hiện gia đình ông có 2 đứa cháu học cấp I. Tiền học thì được miễn phí nhưng tiền mua sách bút thì vẫn đang nợ cô giáo, chưa đến mùa ngô nên chưa có tiền trả. Cũng may là nhà trường vẫn thương, mua sách bút cho các cháu học. Những đứa  cháu lít nhít mới 3-4 tuổi, trần trụi không có áo quần vẫn hồn nhiên nghịch đất trước sân nhà. Bà Va chỉ liếc mắt rồi bảo: “Cứ để kệ nó thôi, tối đến trời lạnh thì mới tắm và mặc quần áo cho chúng nó. Mỗi đứa chỉ có vài bộ quần áo, nghịch mà bẩn thì không có cái mặc đâu”. Chỉ khi chúng tôi ngỏ ý muốn chụp vài bức ảnh cho bọn trẻ, bà Va mới lật đật đi lục mấy bộ quần áo để dưới đáy bồ ra mặc cho các cháu. 

Nhìn 4 đứa cháu còi cọc, ông Lòng chua xót: “Giờ vợ chồng tôi già rồi, còn sống thì mấy đứa cháu vẫn còn chỗ mà nhờ. Nhưng đến lúc chết rồi thì không biết mấy đứa nhỏ cậy nhờ vào ai nữa. Thằng Sì con tôi thì đi tù hơn 10 năm nữa mới về, mà vợ nó thì từ ngày bỏ nhà đi chẳng có tin tức gì cả. Bây giờ vợ chồng tôi chỉ còn mong mẹ chúng nó nghĩ lại, thương con mà quay về. Đám trẻ không có người chăm sóc thì không biết sống vất vưởng kiểu gì. Nếu có sống sót mà lớn lên thì cũng phạm pháp, tù tội như bố nó thôi”. 

  Theo Trưởng bản Giàng A Sử, hiện tại bản Sa Lai có hơn 40 đứa trẻ không có cha mẹ ở nhà. Không ít đứa trẻ phải gánh vác gia đình, nuôi các em từ lúc 13-15 tuổi. Cũng có nhiều ông bà đầu bạc, lưng cong lại quay về thời “nuôi con mọn” để chăm cháu, làm bố mẹ ở tuổi 60-70.    

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem