Người chuyển giới tiếp tục sống “ngoài vùng phủ sóng“

Lương Kết Thứ sáu, ngày 26/06/2015 06:18 AM (GMT+7)
"Quy định về chuyển đổi giới tính trong dự luật không chỉ là vấn đề nhạy cảm trong xã hội mà còn là một điều khó và mới"- đại biểu (ĐB) Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nói như vậy khi góp ý vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) chiều 25.6.
Bình luận 0

ĐB Trần Ngọc Vinh bày tỏ: Khi nghiên cứu tôi thấy quy định trong dự thảo không thống nhất với nhau, một mặt nhà nước không thừa nhận chuyển đổi giới tính, nhưng mặt khác lại quy định trường hợp cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác… "Về nguyên tắc nếu nhà nước đã không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính thì đương nhiên các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng không cho phép thay đổi hộ tịch, quyền nhân thân khác theo giới tính mới. Do đó quy định như vậy là thừa và không khả thi" - ĐB Vinh khẳng định.

img
ĐB Trần Ngọc Vinh có những phân tích kỹ xung quanh vấn đề chuyển giới. Ảnh: L.K
Từ phân tích trên, ĐB Vinh đặt ra một số vấn đề với Ban soạn thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Thứ nhất nếu không thừa nhận chuyển đổi giới tính thì ta có vi phạm luật không? Thứ hai, trong thực tiễn xã hội hiện nay đã có nhiều người chuyển đổi giới tính, nếu nhà nước không thừa nhận họ tức là họ phải tiếp tục sống “ngoài vùng phủ sóng” về pháp luật. Vậy họ sẽ tham gia, hoà nhập xã hội như thế nào, các chính sách về y tế, an sinh xã hội có tác động đến họ hay không? Thứ ba, việc thực thi pháp luật về tố tụng hình sự đối với những người chuyển đổi giới tính sẽ được giải thích như thế nào, như về vấn đề tạm giam tạm giữ, thi hành án phạt tù? Thứ tư là tác động đối với kinh tế xã hội, sức khoẻ, nòi giống và đạo đức truyền thống văn hoá như thế nào nếu công nhận cho phép chuyển đổi giới tính?

 

Cùng quan điểm với ĐB Vinh, ĐB Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) cũng nhìn nhận việc chuyển đổi giới tính là vấn đề nhạy cảm, bởi thừa nhận hay không thừa nhận không chỉ liên quan đến vấn đề nhân thân mà còn nhiều vấn đề khác nhau như chăm sóc dịch vụ y tế, hôn nhân đồng giới. "Đã không thừa nhận thì nên quy định chặt chẽ trong luật" - ĐB Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) bày tỏ.

Ở một góc nhìn khác, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, quyền xác định lại giới tính và chuyển đổi giới tính là hai vấn đề khác nhau, nhưng quy định trong dự thảo luật lại chưa có sự phân biệt. Trong thực tế có nhiều trường hợp bị bệnh, bị khuyết tật bẩm sinh về giới tính, sau đó họ phải nhờ sự can thiệp của y học. Bên cạnh đó có trường hợp bình thường nhưng muốn chuyển đổi giới tính. Vì vậy nên tách làm 2 điều luật là xác định lại giới tính và chuyển đổi giới tính.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem