Đằng sau thoả thuận lịch sử về hạt nhân Iran: Sẽ trao “giấy phép giết người”?

Đức Hoàng (tổng hợp) Thứ tư, ngày 15/07/2015 06:43 AM (GMT+7)
Sau 20 tháng đàm phán quanh co, ngày 14.7, các nhà đàm phán của Iran và Nhóm P5+1 đã đạt một thỏa thuận lịch sử, qua đó Iran sẽ hạn chế các chương trình hạt nhân để đối lấy việc được gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.
Bình luận 0

Hạn chế hạt nhân để tránh bị trừng phạt

Trưởng đoàn đàm phán Mỹ John Kerry và đồng sự Iran Javad Zarif gần như không rời bàn đàm phán tại Vienna từ 16 ngày qua. Các Ngoại trưởng Pháp, Nga, Anh, Đức và Trung Quốc cũng đều đến thủ đô Vienna của nước Áo để đàm phán “giai đoạn quyết định”. Nhóm P5+1 gồm Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức muốn Iran hạn chế các chương trình hạt nhân của nước này ở mức độ không thể sản xuất vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, phía Iran ngoài việc khẳng định mục đích hòa bình của chương trình hạt nhân cũng yêu cầu gỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế liên quan tới chương trình hạt nhân của họ.

img
Trưởng đoàn đàm phán Mỹ John Kerry và đồng sự Iran Javad Zarif gần như không rời bàn đàm phán tại Vienna 16 ngày qua. Ảnh: CNN

Theo CNN, một nhà ngoại giao giấu tên của Iran ngày 14.7 thông báo nước này và Nhóm P5+1 đã đạt được một thỏa thuận hạt nhân lịch sử, qua đó cho phép dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt để đổi lấy việc nước Cộng hòa Hồi giáo ngừng chương trình hạt nhân gây tranh cãi.

Quan chức trên nêu rõ: "Tất cả những vấn đề chông gai đã được giải quyết và chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận". Một quan chức khác của Iran cũng xác nhận về thỏa thuận này. Một nhà ngoại giao cấp cao phương Tây cho hay thỏa thuận lịch sử vừa đạt được bao gồm 1 sự thỏa hiệp giữa Mỹ và Iran, theo đó cho phép thanh sát viên Liên Hợp Quốc thúc giục Tehran về các chuyến thăm những cơ sở quân sự của Iran như một phần trong sứ mệnh thanh sát của họ. Truyền hình Nhà nước Iran trước đó đã bác bỏ đòi hỏi này.

Trong khi đó, theo các nhà ngoại giao, lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc đối với Iran sẽ tiếp tục được duy trì trong 5 năm và các lệnh trừng phạt về tên lửa sẽ duy trì trong 8 năm nữa.

“Giấy phép giết người”?

Các quốc gia phương Tây không muốn để Iran tự do mua bán vũ khí do lo sợ điều này sẽ giúp Iran tăng cường hỗ trợ quân sự cho các dân quân dòng Shiite ở Iraq, các chiến binh Houthi ở Yemen và Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria. Giới phân tích cũng cho rằng, dù đạt được thoả thuận lịch sử, nhưng thoả thuận này còn phải vượt qua cửa ải khó khăn nhất ở Washington.

Trong động thái phản ứng, Bộ trưởng Văn hóa và Thể thao Israel Miri Regev - một cựu phát ngôn viên của quân đội, tuyên bố thỏa thuận nói trên sẽ trao cho Iran “giấy phép giết người”.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner cũng khẳng định: “Thà không có thỏa thuận còn hơn là một thỏa thuận tồi”. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitch McConnell cảnh báo phe Cộng hòa sẽ “khó tán đồng” một thỏa thuận cho phép Iran tiếp tục chương trình hạt nhân quân sự. Theo ông McConnell, nếu Tổng thống Mỹ sử dụng quyền phủ quyết ở Hạ viện thì khi lên đến Thượng viện, hành pháp cũng không hội đủ 34 Thượng nghị sĩ để thông qua thỏa hiệp với Iran. Lưỡng viện Quốc hội Mỹ có 60 ngày để xem xét thỏa thuận tính từ ngày hành pháp đệ trình.

Theo quan điểm của đảng Cộng hòa, chính quyền Iran, ngoài tham vọng chế tạo bom nguyên tử, còn bành trướng thế lực tại Syria, Liban, Gaza và Yemen, chống lại quyền lợi của Mỹ và các đồng minh khu vực nhất là Arabia Saudi và Israel. Về điểm này, Thượng nghị sĩ Dân chủ Bob Menendez nhìn nhận thỏa thuận hạt nhân với Iran sẽ không làm quan hệ Mỹ-Iran trở thành thân thiện, nhưng hai bên có thể hợp tác để chống thánh chiến Hồi giáo và buôn lậu ma túy.

Thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa Mỹ Tom Cotton nhận định chính quyền Obama đã đi quá xa trong những nhượng bộ với Iran, trong mọi trường hợp, thỏa hiệp hạt nhân sẽ là mối hiểm nguy cho Mỹ và cho cả nhân loại. 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem