Chống và xử lý hàng giả: Bất lực?!

Mai Hương Thứ sáu, ngày 10/04/2015 13:21 PM (GMT+7)
Việc chống và xử lý hàng giả của các cơ quan chức năng hiện nay đang bị xem là “bất lực” còn người tiêu dùng thì lãnh đủ...
Bình luận 0

Đây là thông tin tại cuộc tọa đàm trực tuyến về “Chống hàng giả: Cần sự quyết liệt của nhiều ngành” tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ diễn ra ngày 9.4.

img
Lực lượng chức năng kiểm tra rượu nhập khẩu.  
Nhập khẩu thịt trâu Ấn Độ nhưng đưa vào bếp ăn giả thịt bò là một trong những vụ hàng giả “sốt” nhất năm 2014. Chỉ tính riêng 2014, lượng thịt trâu nhập khẩu từ Ấn Độ và một số nước qua tờ khai hải quan đã trên 26.000 tấn, nhưng trên thị trường, các lực lượng chức năng đều không thấy có bán thịt trâu Ấn Độ bởi phần lớn đều được đội lốt thịt bò! Tại cuộc tọa đàm này, ông Hoàng Đại Nghĩa- Đội trưởng Đội QLTT số 14, Chi cục QLTT Hà Nội cho biết, vụ thịt trâu có sự chỉ đạo của Ban 389 quốc gia (Ban chỉ đạo chống buôn lậu và hàng giả) yêu cầu xử lý nghiêm. Tuy nhiên, việc nhập thịt trâu và kinh doanh thịt trâu đều có giấy phép, có thông quan. Sai ở đây là tiêu thụ thịt trâu giả thịt bò. “Nếu anh bỏ tiền ra mua thịt trâu thì không sai. Nhưng thịt trâu lại được bán giả thịt bò, và chúng tôi khảo sát trên thị trường đều không thấy người tiêu dùng phản ảnh …”- ông Nghĩa nói.

Đây chỉ là một trong hàng nghìn vụ hàng giả mà lực lượng chức năng tìm… không ra. Ông Lê Thế Bảo- Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả Việt Nam cho biết, có tới 30 ngành hàng đang bị làm giả trầm trọng- mỹ phẩm, rượu, bia, nước giải khát, điện tử, điện lạnh, trang trí nội thát, thuốc chữa bệnh, dệt may, quần áo, tôn, sắt, kẽm, dây cáp điện, vật liệu xây dựng- xi măng; sách giáo khoa…

Ông Nguyễn Trọng Tín- Cục phó Cục QLTT (Bộ Công Thương) thì nêu con số chỉ trong quý I năm nay, QLTT đã kiểm tra và xử lý trên 4.000 vụ. “Lực lượng thiếu, hàng giả phức tạp, thậm chí có yếu tố nước ngoài. Trong hàng giả có hàng lậu và ngược lại, nhiều đường mòn lối mở ở biên giới, cài cắm nên lực lượng chức năng khó phát hiện…”-ông Tín cho biết.

Ông Tín cũng nêu thực tế, quá trình xử lý hiện nay còn quá nhẹ. Năm 2014, QLTT xử lý trên 21.000 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả. Tuy nhiên, chỉ có 11 vụ chuyển cơ quan cảnh sát điều tra để truy tố trước pháp luật.

Ông Nguyễn Văn Cẩn- Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 cho biết, Luật Hình sự quy định trị giá lô hàng giả trên 30 triệu đồng là xem xét hình sự. “Tôi biết một vụ cơ quan QLTT bắt giữ 8 tấn bao bì giả mạo để đóng gói mỳ chính Ajinomoto nhưng đang xử lý hành chính. Tới đây sẽ đề nghị phải xử lý hình sự”- ông Cần nói.

Theo ông Cẩn, Thông tư liên bộ 60 đã ký và chuẩn bị có hiệu lực, theo đó tất cả hàng đi từ biên giới không có tờ khai hải quan đều bị coi là hàng lậu, không cần chờ xác minh 72 tiếng như trước đây. Đây là công cụ mạnh để chống hàng giả, hàng lậu tới đây.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem