Tìm “thủ phạm” khiến hóa đơn điện tăng phi mã

Thanh Phong Thứ sáu, ngày 02/07/2021 06:09 AM (GMT+7)
Thời gian qua, trước tình trạng hóa đơn tiền điện của nhiều người sử dụng tăng “phi mã”, nhiều câu hỏi xoay quanh việc cải tiến biểu giá điện 6 bậc được đánh giá lỗi thời lại được đặt ra.
Bình luận 0

Mức tiêu thụ điện 5 lần lập đỉnh trong 1 tháng

Số liệu từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho thấy, vào trưa 21/6, công suất tiêu thụ điện toàn quốc lần đầu tiên vượt 42.000 MW, thiết lập mức đỉnh kỷ lục mới với con số là 42.146 MW.

Ngoài ra, công suất tiêu thụ điện của riêng khu vực miền Bắc và riêng TP.Hà Nội cũng đã lập mức đỉnh kỷ lục mới, với công suất đỉnh lần lượt là 18.700 MW và 4.700 MW.

Như vậy, sau hơn 1 tháng nắng nóng, mức tiêu thụ điện đã có 5 lần lập kỷ lục mới, đây là biên độ chưa từng có trong các mùa hè trước. Đặc biệt, trong tháng 6 này, có tới 3 lần mức tiêu thụ đỉnh được thay đổi, vào các ngày 2/6, 18/6 và 21/6.

Tìm “thủ phạm” khiến hóa đơn điện tăng phi mã - Ảnh 1.

Nhân viên EVN kiểm tra, sửa chữa đường điện. Ảnh: EVN

Không đủ điện vào năm 2025

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tỷ lệ dự phòng hệ thống điện miền Nam sẽ giảm mạnh từ năm 2023 và không đủ điện vào năm 2025. Nguy cơ thiếu điện cao hơn vào mùa khô, hoặc thời điểm ngừng cấp khí, sửa chữa, bảo dưỡng các nhà máy điện ở khu vực miền Nam. Ở miền Bắc, tỷ lệ dự phòng năm 2025 chỉ còn 10%. Như vậy, trong giai đoạn 2023-2025, miền Bắc hầu như không có công suất dự phòng và phải nhận hỗ trợ từ miền Trung trong cao điểm mùa khô hoặc trường hợp sửa chữa bảo dưỡng các nhà máy điện.

Trước tình trạng lượng tiêu thụ tăng mạnh nói trên, thời gian qua nhiều người dân "tá hỏa" khi nhận hóa đơn điện tăng 3 - 5 lần so với các tháng trước.

Chị Nguyễn Hương Trà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, gia đình đã thanh toán tiền điện tháng 5 với tổng gần 2,3 triệu đồng. Theo đó, con số này hơn tiền điện tháng 4 là 1,022 triệu đồng và gấp 4 - 5 lần so với mức bình quân hằng tháng.

"Ngay từ tháng 4, gia đình tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần hóa đơn tiền điện sẽ tăng cao vào mùa nóng. Gia đình tôi chỉ có 2 vợ chồng và 1 con nhỏ, thời gian tiêu thụ điện gần như không thay đổi do chúng tôi cả ngày đi làm, con gửi ông bà do dịch Covid - 19 không thể đến trường. Vì vậy, sang tháng 5, hóa đơn lại tiếp tục tăng gấp nhiều lần là điều thực sự gây sốc"- chị Trà chia sẻ.

Có hoàn cảnh tương tự, hiện tại nhiều người dân sử dụng điện đã quen "sống chung" với việc hóa đơn điện tăng cao mỗi mùa nóng. Tuy nhiên, người dân mong chờ về việc có cơ chế minh bạch, thỏa đáng trong cách tính giá điện, số điện.

img

"Chúng ta khó kỳ vọng một biểu giá mà 100% người dân chấp nhận nhưng phải chấp nhận biểu giá nào mang lại lợi ích lớn, hài hòa nhất cho người tiêu dùng, ngành sản xuất điện và quản lý nhà nước".

TS Nguyễn Tiến Thỏa -

Chủ tịch Hội Thẩm định giá

img

"Điện được coi là hàng hóa đặc biệt, quá trình sản xuất, truyền tải phân phối diễn ra đồng thời. Cơ quan điều độ khi huy động nhà máy có giá thành rẻ trước, đắt sau. Hầu hết các nước trên thế giới đều áp dụng giá điện bậc thang nhằm phù hợp đặc điểm và khuyến khích tiết kiệm điện".

GS Trần Đình Long -

Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam

Chị Nguyễn Hồng Hạnh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, trung bình hàng tháng gia đình chỉ mất vài trăm nghìn đồng tiền điện. Đột nhiên tiền điện tháng 5 "vọt" lên gần 1,7 triệu đồng khiến gia đình chị Hạnh không khỏi bất ngờ.

"Gia đình tôi chỉ sử dụng duy nhất một chiếc điều hòa và thường chỉ bật vào ban đêm. Việc hóa đơn tiền điện tăng đột biến gần gấp 3 lần không thể "đổ lỗi" toàn bộ cho việc sử dụng điều hòa được. Tôi luôn ủng hộ việc tăng giá điện nếu tương xứng với mức độ sử dụng và trong bối cảnh nguồn điện hữu hạn. Tuy nhiên, việc tăng giá điện khác với tăng số điện. Chúng tôi chỉ mong muốn có cách tính minh bạch, hợp lý, thỏa đáng với điều kiện sử dụng"- chị Hạnh nhấn mạnh.

Biểu giá bán lẻ điện có phải "thủ phạm"?

PGS - TS Lê Nguyên Minh - Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật lạnh và điều hòa không khí Việt Nam cho biết, theo thông lệ hàng năm, trong 4 - 5 tháng mùa nắng nóng, mức tiêu thụ điện của các hộ gia đình tăng gấp khoảng 2 lần trung bình các tháng còn lại.

Với cách tính hiện tại, giá điện từ bậc 5-6 (từ 300kWh trở lên) sẽ có sự chênh lệch khoảng 38% so với giá điện bậc 1-4 (dưới 300kWh). Do đó, nếu lượng điện tiêu thụ vượt 300 kWh/tháng thì các khách hàng sử dụng phải đứng trước nguy cơ hóa đơn điện tăng vọt lên.

Cụ thể, ông Minh lấy ví dụ một hộ gia đình tiêu thụ tháng 5 là 300 kWh điện thì số tiền cần trả là 688.160 đồng. Nếu sang tháng 6, gia đình này tiêu thụ điện tăng 20% nghĩa là sản lượng điện tiêu thụ ở mức 360 kWh, số tiền điện cần thanh toán 875.204 đồng, tức là hóa đơn tiền điện tăng 27,18%. Tăng tăng chi phí là 27,18%, cao hơn mức tăng sử dụng là 20%.

Tương tự, nếu lượng điện tiêu thụ tăng 100% (600 kWh) thì số tiền thanh toán lên đến 1,6 triệu đồng, tăng 138,87% so với tháng 5. Chưa kể hiện nay tỷ trọng hộ dùng điện ở nhóm khách hàng thấp (50 kWh) đang giảm dần, nhóm trung bình và cao (200-300 kWh và 301 kWh trở lên) tăng nhanh chóng.

Đồng quan điểm trên, GS Trần Đình Long - Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, cũng cho rằng bình thường người tiêu dùng thường sử dụng điện ở bậc 3 - 4, vào mùa nắng nóng lượng điện tiêu thụ cao có thể tăng lên bậc 5 - 6.

"Do đó mà số tiền điện phải trả tăng vọt theo"- GS Trần Đình Long khẳng định.

Trước nhiều ý kiến cho rằng biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt theo 6 bậc lỗi thời góp phần gây ra tình trạng hóa điện tăng vọt, đại diện Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, đơn vị này đang hoàn thiện các phương án cải tiến biểu giá để trình Thủ tướng trong thời gian tới.

Qua đó, tư vấn đề án cải tiến biểu giá bán lẻ điện đang cập nhật số liệu tính toán, đánh giá tác động và đề xuất các phương án cải tiến biểu giá hợp lý, phù hợp thực tế nhu cầu sử dụng điện của khách hàng.

Trên cơ sở xem xét đề án, Bộ Công Thương sẽ lựa chọn phương án phù hợp và sẽ lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan có liên quan để hoàn thiện hoàn thiện các phương án sửa đổi Quyết định 28/2014/TT-BCT quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện trước khi báo cáo Chính phủ xem xét quyết định trong thời gian tới theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Về việc điều tiết cung ứng điện mùa nắng nóng, Cục Điều tiết điện lực cho hay, đơn vị này đã yêu cầu EVN, tăng cường thực hiện việc ghi chỉ số công tơ; kiểm tra, phúc tra chỉ số công tơ và thông tin kịp thời đến khách hàng sử dụng điện...

"Thực tế thời gian qua, công nghệ thông tin được EVN áp dụng hiệu quả, các ứng dụng về theo dõi tiền điện giúp khách hàng biết rõ lượng điện tiêu thụ để có thể điều chỉnh hợp lý trong sử dụng hằng ngày. Bên cạnh đó, ứng dụng cũng sẽ cảnh báo nếu lượng điện tiêu thụ của khách hàng tăng cao"- đại diện Cục Điều tiết điện lực cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem