Tiền vệ Tô Văn Vũ: "Nỗi ám ảnh rơi nước mắt về ngôi nhà tốc mái mùa bão về" - Ảnh 1.

Mảnh đất vùng biển Quảng Xương, Thanh Hóa nơi Tô Văn Vũ sinh ra và lớn lên, mỗi mùa bão về, sự bình yên thật xa xỉ. Trong ký ức thăm thẳm của Vũ, ngôi nhà chỉ có những cái cột bằng gỗ là còn trơ lại sau khi trận bão đột ngột xâm lăng Bngôi nhà lúc nửa đêm. Cơn bão đã cuốn theo sự bình yên của gia đình Vũ đến một nơi rất xa, để lại trong ánh mắt trẻ thơ của cậu bé Vũ nỗi sợ hãi cứ ầng ậc ở khóe mắt nhiều năm sau đó.  

Nhắc đến ngôi nhà lợp lá cọ, Tô Văn Vũ bất giác bật khóc, tác giả bài viết cũng lặng đi trước cảm xúc nghẹn ngào của chàng trai từng đội trưởng của CLB B.Bình Dương. Dường như trận bão trong ký ức vừa chạy qua tâm hồn Vũ, anh rưng rưng kể: "Mỗi mùa bão về, bố mẹ biết trước nửa đêm bão sẽ càn quét rất mạnh nên đã gửi hai anh em Vũ đến ngôi nhà họ hàng vững chắc hơn. Bố mẹ ở lại nhà để bảo vệ tài sản bằng tất cả nỗ lực nhỏ bé của con người trước sự tàn phá khủng khiếp của thiên nhiên. Cứ mỗi lần như thế, bố mẹ lại mất 2-3 ngày lợp lại mái nhà".

img
img
img
img

Mãi đến năm 2000, khi 7 tuổi, gia đình Tô Văn Vũ được cụ nội để lại cho một căn nhà tình thương khi cụ qua đời. Căn nhà mái bằng rộng rãi ấy đã giúp gia đình Vũ đi qua mùa bão mà không còn sợ hãi cảnh tốc mái. Năm 12 tuổi, tuổi thơ của Vũ cũng rẽ sang bước ngoặt mới. Mỗi khi được nghỉ hè, Vũ lại khăn gói theo bà nội lên Đắk Lắk để bán sách, báo kiếm thêm thu nhập. Cuộc sống lăn lộn đường phố đã giúp Vũ trưởng thành và biết yêu thương, sống có trách nhiệm với gia đình. Vũ kể: "Em thường để sách, báo vào một cái rổ, đội lên đầu và đi theo con đường riêng với bà nội để kiếm khách. Mỗi tháng, sau khi trừ hết chi phí rồi, em tiết kiệm được 1 triệu - 1,5 triệu đem về đỡ đần cho gia đình. Với em, chỉ cần làm gì đỡ cho cha mẹ, em cũng thấy hạnh phúc, vất vả mấy cũng không sao".

Đến giờ, ngoài đá bóng, Vũ không đam mê bất cứ việc gì khác. Vũ cũng không có quan hệ xã hội với giới thượng lưu, hay dùng đồ hiệu xa xỉ. Chia sẻ về điều này, Vũ kể: "Đến giờ em vẫn ngại ngùng khi vào quán cà phê hay khách sạn sang trọng. Vì những năm tháng bán sách báo rong và đánh giày, thường bị bảo vệ đuổi rất ráo riết mỗi khi mon men những địa điểm sang trọng kiếm khách. Ký ức ấy như một đàn mối, vẫn gan lỳ gặm nhấm cảm xúc của Vũ, nhưng đó cũng chính là động lực mãnh liệt để Vũ vươn lên".

Từ năm 12-18 tuổi, Vũ theo chân bà nội bán sách báo rong ở Đắk Lắk. Năm 18 tuổi, sau khi tốt nghiệp THPT, Vũ theo chân mẹ vào Đồng Nai, đánh giày mưu sinh. Mặc dù cũng tham gia thi đại học, cao đẳng nhưng vì quá thương cha mẹ vất vả lam lũ, Vũ chỉ muốn đi làm phụ mẹ thay vì cố học để trở thành gánh nặng cho đấng sinh thành. Mẹ Vũ bảo: "Con cứ đi thi đi, thà con thi đậu mà con không học người đời sẽ không cười chê".

Hai mẹ con thuê trọ trong căn phòng nhỏ ọp ẹp, mỗi ngày Vũ chỉ tiêu 5.000 đồng tiền xe bus và 7.000 đồng một ổ bánh mỳ. Số tiền đánh giày mỗi ngày đều được 50.000 đồng - 70.000 đồng, Vũ đưa mẹ giữ. Đứa trẻ lăn lộn đường phố nhưng rất thương cha mẹ, Vũ luôn đau đáu mong muốn làm thế nào để cha mẹ được dựa vào mình. Suy nghĩ hiếu thảo và tâm hồn thiện lương của chú bé bán báo, đánh giày đường phố đã được cuộc đời đền đáp khi những cánh cổng này khép lại, một cánh cổng khác mở ra. Ấy là bóng đá! 

Tiền vệ Tô Văn Vũ: "Nỗi ám ảnh rơi nước mắt về ngôi nhà tốc mái mùa bão về" - Ảnh 2.

Khi đi bán sách báo rong ở Đắk Lắk, giây phút tự do hoan ca trong tâm hồn Vũ chính là được chạy trên đôi chân trần đá bóng, sân bóng trải đầy đá răm lổn nhổn,cứa vào gan bàn chân, đau nhăn nhó. 11 cầu thủ đá bóng phủi trên sân khi ấy, có một cầu thủ không có nổi đôi giày, đó chính là Vũ. Nếu như các cầu thủ chuyên nghiệp lớn lên từ đội bóng trẻ, được vào lò đạo tạo chuyên nghiệp thì tiểu sử của Tô Văn Vũ thật ngắn gọn: Năm 13-20 tuổi là cầu thủ bóng đá đường phố (phủi). Huấn luyện viên của Vũ khi ấy chỉ là những người đá có kinh nghiệm của đội bóng phủi chỉ bảo. Chẳng có giáo án tập luyện nào cả.

Vũ ngày nào cũng ra sân sau khi đánh giày trở về nhà tầm 13h chiều. Đội bóng đá phủi ở Đồng Nai khi ấy "mở lòng" không thu bất kỳ khoản phí nào của cậu thanh niên đánh giày vì thấy Vũ chơi tốt. Cũng chính tại đội bóng không chuyên này, Vũ được các anh trong đội giới thiệu vô câu lạc bộ U21 Đồng Nai vì đội bóng khi ấy đang trong tình trạng thiếu quân.

Ánh mắt Vũ sáng lên như bầu trời xanh thẳm sau trận mưa rào nặng hạt, nắng hửng lên trong dòng hồi ức của Vũ: "Lúc ấy, em chưa biết đời cầu thủ chuyên nghiệp sẽ như thế nào? Chỉ biết rằng em rất vui, cảm giác lâng lâng khi nghĩ đến tương lai của một cầu thủ chuyên nghiệp. Bố mẹ rất vui, ai nấy cũng như muốn truyền niềm vui, sự hãnh diện ấy sang cho con. Bố mẹ bảo Vũ hãy chơi hết mình đi. Sự động viên của bố mẹ giúp Vũ vượt lên mặc cảm của "bóng đá phủi", Vũ thường ở lại tập luyện thật muộn để rèn luyện kỹ năng theo kịp đồng đội".

Tiền vệ Tô Văn Vũ: "Nỗi ám ảnh rơi nước mắt về ngôi nhà tốc mái mùa bão về" - Ảnh 4.

Mặc dù ở U21 Đồng Nai, Vũ chỉ được trợ cấp 1,5 triệu/tháng nhưng Vũ không quản ngại, chỉ mong được đá bóng để thay đổi cuộc đời. Thế nhưng cuối mùa bóng 2015 – 2016, CLB Đồng Nai gặp khó khăn vì các anh lớn dính nghi án cá độ. Sự nghiệp của Vũ lúc ấy khá bấp bênh do không biết lãnh đạo Đồng Nai có tiếp tục duy trì đội bóng hay không? Để sống sót giai đoạn chờ đợi căng thẳng ấy, Vũ lại lăn đi làm thêm ca đêm từ 22h đêm đến 6h sáng hôm sau cho một công ty Nhựa. Sau đó, lãnh đạo tỉnh có tiếp tục duy trì mặc dù CLB rớt xuống đá hạng Nhất. Nhưng kết thúc mùa giải 2016, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai vẫn quyết định giải thể đội bóng. Giây phút ấy, Vũ như một cánh chim cứng cáp đang bay liệng trên bầu trời của riêng mình, thì bị trúng tên, càng cố gắng lại càng chao đảo như muốn đâm sầm xuống mặt đất.

Có lẽ câu nói: "Ánh sáng phía cuối đường hầm" xuất hiện để động viên tinh thần khi người ta rơi vào tâm trạng tuyệt vọng nhất, không phải là một lời động viên, mà thực sự đó là một món quà. Huấn luyện viên Trần Bình Sự khi ấy không chỉ là thứ ánh sáng rực rỡ cuối đường hầm, mà còn là người kéo Vũ khỏi vực sâu để tiếp tục đá bóng. Vũ nhớ như in cuộc gọi chân tình của thầy Sự: "Con có muốn tiếp tục đá V.League không?" Vũ mừng quá và theo chân thầy Trần Bình Sự ra Hải Phòng. Nhưng khi ra Hải Phòng 1 tháng thử việc thì Vũ lại nghe tin thầy Sự về B.Bình Dương. Lúc ấy Vũ chưa biết Bình Dương tầm vóc ra sao, chỉ biết theo chân thầy Sự - người thầy ân nhân của mình.

Mùa giải năm 2017, qua 8 vòng đấu, đến vòng thứ 9 của V.League thì Vũ được ra sân. Vai trò của Tô Văn Vũ trên sân được ví như "sát thủ cánh phải" vì anh đóng vai trò kiến tạo cho các cầu thủ ghi bàn là chính. Sáu năm gắn bó với đội bóng B.Bình Dương và trở thành gương mặt đóng vai trò quan trọng trong đội bóng nhưng Vũ vẫn mang trong mình tâm hồn giản dị của chàng cầu thủ với xuất thân đặc biệt: Bóng đá đường phố, nhờ xuất phát điểm ấy đã hun đúc một Tô Văn Vũ không quản ngại bất cứ khó khăn nào để theo kịp đồng đội cả kỹ thuật lẫn sự rèn giũa tự thân.

Tiền vệ Tô Văn Vũ: "Nỗi ám ảnh rơi nước mắt về ngôi nhà tốc mái mùa bão về" - Ảnh 3.

Tô Văn Vũ là một trong những cầu thủ sáng giá của B.Bình Dương, vì thế việc HLV Park Hang-seo "để ý" tới Vũ 4 lần, chắc hẳn ở Vũ cũng có một sức hút nhất định với nhà cầm quân người Hàn Quốc này. Thế nhưng có lẽ giữa Vũ và thầy Park vẫn thiếu một chữ: Duyên. Vì quá tam ba bận, mà lần thứ 4 Vũ được thầy Park gọi lên tuyển rồi lại … về không! Lần nào cũng có lý do, mà lý do lần nào cũng khiến Vũ phải động viên mình: Cơ hội vẫn còn ở phía trước, hãy sống tích cực!

Tiền vệ Tô Văn Vũ: "Nỗi ám ảnh rơi nước mắt về ngôi nhà tốc mái mùa bão về" - Ảnh 6.

Năm 2019, Tô Văn Vũ được gọi lên ĐTQG đá vòng loại World cup. Nhưng không may, Vũ bị chấn thương cổ chân trong trận Bình Dương - Viettel. Lúc lên tuyển, Vũ chỉ xách giày đi quanh sân, trong lòng rất suy sụp và chán nản. Vũ có ý định xin Ban huấn luyện cho về. Sau buổi cơm trưa, cả đội đi tập gym, Vũ và những cầu thủ bị chấn thương tập riêng. Thầy Lee lúc ấy ra trò chuyện với Vũ một lúc, vốn tiếng Anh ít ỏi không đủ cho hai thầy trò hiểu nhau. Thầy gọi phiên dịch Lê Huy Khoa ra trao đổi để hiểu Vũ thêm. Sau khi thầy Lee kể thầy Park nghe, buổi trưa khi anh em cầu thủ ăn xong, thầy Park gọi Vũ nói chuyện riêng. Vũ kể: "Thầy Park hỏi Vũ xuất thân đá bóng như thế nào? Quá trình từ nhỏ đến lớn, sống như thế nào? Thầy Park xúc động nói rằng từ khi làm cầu thủ đến khi làm huấn luyện viên, chưa bao giờ gặp một cầu thủ có hoàn cảnh đặc biệt như vậy. Thầy Park dặn Vũ hãy tích cực điều trị chấn thương và sớm trở lại. Sau buổi trò chuyện ấy với thầy Park, tinh thần của Vũ đã sống dậy".

Lần thứ hai Vũ được gọi lên đá vòng loại World cup sau đó bị trả về, lần thứ ba Vũ lai được gọi lên, được giữ lại ở vị trí dự bị không được ra sân. Lần thứ 4 là khi Vũ được gọi lên tuyển thì bị covid. Kể về bốn lần lỡ duyên với ĐTQG và thầy Park, Vũ cười bảo: "Vũ vẫn còn một quãng đường tuổi trẻ rất dài phía trước để cống hiến cho bóng đá, cứ sống tích cực, mọi thứ tốt đẹp sẽ gõ cửa".

Tiền vệ Tô Văn Vũ: "Nỗi ám ảnh rơi nước mắt về ngôi nhà tốc mái mùa bão về" - Ảnh 4.

Chuyện tình cảm của Vũ, nhiều báo đã viết. Nhưng có lẽ chỉ có Vũ – người trong cuộc là hiểu hơn ai hết mình đã có một cuộc sống bình yên và viên mãn thế nào sau bao năm tháng lăn lộn ngoài đường phố và sân cỏ, để có được một hạnh phúc giản dị như bây giờ.

Vũ kể: "Thật may mắn vì lấy được vợ em, lúc yêu nhau cô ấy ngày nào cũng chạy xe Honda từ TP.HCM xuống Đồng Nai 70km để xuống thăm, động viên mua cho người yêu từng gói dầu gội đầu, thậm chí tiền tiêu vặt. Hiện giờ vợ cùng 2 con nhỏ của em vẫn đang sống yên ổn ở Thanh Hóa. Gia đình em vẫn ở chung với gia đình anh trai, bố mẹ rất đoàn kết và gắn bó. Đấy chính là điểm tựa vững chắc cho em tung hoành trên sân cỏ, tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ với trái bóng."

img
img

Gia đình Tô Văn Vũ luôn ngập tràn hạnh phúc

Vũ tâm sự: "Em đã dành tiền sửa sang, mua sắm tiện nghi cho gia đình để bố mẹ, vợ con sống yên ổn ở Thanh Hóa. Bây giờ em chỉ mong người thân khỏe mạnh, bình an là đủ rồi. Bên trong yên ổn hạnh phúc thì mới có năng lượng tích cực để tỏa ra bên ngoài".

Tiền vệ Tô Văn Vũ: "Nỗi ám ảnh rơi nước mắt về ngôi nhà tốc mái mùa bão về" - Ảnh 9.

Tiền vệ Tô Văn Vũ: "Nỗi ám ảnh rơi nước mắt về ngôi nhà tốc mái mùa bão về" - Ảnh 10.

 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem