Tiêm ngừa sởi - Rubella cho 23 triệu trẻ

Diệu Linh Thứ năm, ngày 28/08/2014 16:47 PM (GMT+7)
Dự tính có khoảng 23 triệu trẻ em từ 1-14 tuổi được tiêm ngừa vaccine sởi - Rubella miễn phí trong chiến dịch bắt đầu từ tháng 9.2014. Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp nhằm triển khai chiến dịch trên toàn quốc ngày 27.8 do Bộ Y tế tổ chức. 
Bình luận 0

Chia làm 3 đợt

PGS-TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, dự tính khoảng 23 triệu trẻ em thuộc 63 tỉnh thành phố sẽ được tiêm trong chiến dịch này, với kinh phí trên 36 triệu USD do Liên minh Vaccine và tiêm chủng toàn cầu hỗ trợ Việt Nam. Mỗi trẻ em sẽ được tiêm ngừa 1 mũi vaccine phòng sởi – Rubella. Đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay ở Việt Nam kể cả về quy mô lẫn số lượng trẻ được tiêm. Do số lượng trẻ quá lớn nên chiến dịch sẽ chia làm 3 đợt. Đợt đầu trong tháng 9-10 sẽ tiến hành tiêm cho trẻ từ 1-5 tuổi; đợt 2 vào tháng 11-12 sẽ tiêm cho trẻ từ 6-10 tuổi đang học tiểu học; đợt 3 vào tháng 1-2.2015 sẽ tiêm cho trẻ từ 11-14 tuổi đang học trung học cơ sở.

Theo TS Phu, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ GDĐT để tổ chức tiêm chủng tại các trường học, từ mẫu giáo đến THCS, sau đó tổ chức tiêm vét tại các cơ sở y tế xã, phường. Đối với vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, Bộ Y tế phối hợp Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng để tổ chức tuyên truyền và trực tiếp tiếp tiêm chủng cho bà con tại các đồn biên phòng. Mỗi điểm tiêm cho khoảng 100 trẻ/ngày.

TS Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, đối với vùng sâu vùng xa cần hỗ trợ kinh phí vận chuyển phương tiện, vaccine cho các cơ sở y tế và có thủ tục thanh toán hợp lý; có chế độ để chi nước uống, suất ăn cho bà con. “Họ đi từ núi xuống 3-4 giờ, đói lả, nếu không cho họ ăn uống họ đói xỉu ra đó, lúc tiêm bị phản ứng thì làm thế nào” – Thứ trưởng chia sẻ.

Bệnh truyền nhiễm nguy hiểm



PGS-TS Trần Đắc Phu  
 
 
Chiến dịch là cơ hội giúp Việt Nam khống chế bền vững bệnh sởi, Rubella, cắt đứt sự lây truyền của hai virus này, đồng thời bảo vệ trẻ khỏi bệnh rubella và các biến chứng nguy hiểm của hội chứng Rubella bẩm sinh”.

 
Dịch sởi từ cuối năm 2013 đến tháng 5.2014 đã khiến gần 5.000 trường hợp mắc sởi xác định trong số 25.512 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 63/63 tỉnh thành. Đáng nói, bệnh sởi đã cướp đi sinh mạng của hơn 120 đứa trẻ vì các biến chứng nguy hiểm. PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết: “Bệnh sởi cũng lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc khi hắt hơi, nói chuyện, cầm nắm các vật có dính dịch đường hô hấp nên rất dễ lây lan. 90% người tiếp xúc với bệnh nhân sởi sẽ mắc bệnh. Bệnh sởi tuy không nguy hiểm nhưng làm suy giảm hệ miễn dịch nghiêm trọng khiến người bệnh mắc thêm nhiều các bệnh khác như viêm não, viêm phổi, tiêu chảy…, nguy hiểm đến tính mạng. Cách tốt nhất để phòng bệnh cho mình và người thân là tiêm phòng vaccine sởi”.

 

Theo TS Dũng, Rubella có biểu hiện lâm sàng na ná bệnh sởi. Bệnh cũng lây qua đường hô hấp. Đối với trẻ em, bệnh rubella không nguy hiểm. Tuy nhiên lo sợ nhất là bệnh lây sang các bà mẹ mang thai. Nếu sản phụ mang thai trong 3 tháng đầu thai kỳ thì rất nguy hiểm. Vì virus qua máu mẹ vào thai nhi, có thể phá hủy hoặc làm chậm quá trình phát triển của phôi thai, gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi (điếc, hở van tim, bệnh về mắt, dị dạng não… TS Dũng cũng cho biết, sởi và Rubella là hai bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, không có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng có thể phòng ngừa bằng vaccine.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem