Thủy điện tràn lan do lỗ hổng pháp lý

Thứ bảy, ngày 02/11/2013 06:50 AM (GMT+7)
“Để cho các chủ đầu tư, UBND một số tỉnh lập ra các dự án thủy điện rồi đưa vào quy hoạch xong lại loại ra, đây sự lãng phí rất lớn cho xã hội”.
Bình luận 0
“Để cho các chủ đầu tư, UBND một số tỉnh lập ra các dự án thủy điện rồi đưa vào quy hoạch xong lại loại ra, đây sự lãng phí rất lớn cho xã hội”- ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) đã phát biểu như vậy khi cho ý kiến về Quy hoạch tổng thể thủy điện tại buổi thảo luận ở tổ chiều 1.11.

Theo ĐB Hồng Hà, việc nhiều dự án được đưa vào xong lại loại bỏ gây ra sự lãng phí rất lớn. Tiền của doanh nghiệp thì cũng là lãng phí của xã hội. Cần phải xem lại vấn đề về quản lý nhà nước, trong đó vai trò quản lý của Bộ Công Thương.

“Về nội dung đề nghị trong báo cáo thẩm tra tôi thấy chưa đạt yêu cầu. Nhiều đoàn đi giám sát, tuy nhiên thấy đề nghị còn nhẹ nhàng chưa sát với thực tế. Tôi đề nghị bổ sung tăng cường kiểm tra, thanh tra của Chính phủ, giám sát của Quốc hội, đặc biệt là sự phối hợp với địa phương trong việc xả lũ, hạn chế tối đa thiệt hại cho người dân ở gần khu vực hồ chứa”- ĐB Hà nêu ý kiến.

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM):  Quy hoạch thủy điện tràn lan là do lỗ hổng pháp lý.
ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM): Quy hoạch thủy điện tràn lan là do lỗ hổng pháp lý.

Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) đặt câu hỏi, phải chăng thời gian qua chúng ta dễ dàng đưa vào dự án thủy điện vào quy hoạch rồi lại dễ dàng đưa ra? Dựa vào cơ sở nào đưa vào, đưa ra? Trong báo cáo của Chính phủ có đề cập tiêu chí, tiêu chuẩn của 3 lần rà soát nhưng vẫn chỉ tiêu chí đó lần thì đưa vào, lần thì đưa ra. Điều này cho thấy khó lý giải trong công tác quy hoạch, rà soát điều chỉnh quy hoạch. “Nước ta có đến 20 năm phát triển thủy điện nhưng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật về công trình thủy điện thì đến nay vẫn chưa có”- ĐB Thường nói.

ĐB Nguyễn Phi Thường cho rằng, chất lượng rừng trồng lại chưa được đánh giá, không phải tính theo diện tích mà phải đánh giá tổng thể, diện tích thiếu đất lấy đất đâu để trồng. “Không thể giải quyết kiểu chủ đầu tư đóng vào quỹ dịch vụ môi trường rừng cho xong như kiểu nộp phạt”- ĐB Thường đề nghị.

ĐB Huỳnh Minh Thiện (TP.HCM) cho rằng: Rừng bị khai thác tràn lan, nhiều nơi khai thác nhiều hơn so với yêu cầu làm thủy điện, nhiều nơi tận dụng khai thác rừng và khai thác luôn các tài nguyên khoáng sản khác. “Còn nhân dân ở hạ lưu thì luôn nơm nớp lo sợ xả lũ của thủy điện. Nhiều người dân miền Trung đã bị trắng tay sau cả đời chắt bóp chỉ vì xả lũ của thủy điện”- ĐB Thiện bức xúc.

Cũng trong phiên thảo luận, hầu hết các ý kiến đều đồng tình phải kiên quyết loại bỏ thủy điện nhỏ. Các?ĐB cũng đề nghị Quốc hội phải yêu cầu Chính phủ làm rõ trách nhiệm cụ thể trong việc quy hoạch thủy điện tràn lan, trồng rừng không đủ. Kể cả các dự án dù đã đưa ra khỏi quy hoạch nhưng phải đánh giá các chủ đầu tư đã làm gì ở đó, đã lấy rừng chưa, phải quy trách nhiệm.

Về trách nhiệm khi quy hoạch cũng như cho phép xây dựng thủy điện, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng: “Chính phủ điều chỉnh quy hoạch thủy điện là do Quốc hội giám sát và nêu vấn đề này. Giả định Quốc hội không giám sát, liệu Chính phủ có làm không? Hiện chưa có Luật Quy hoạch, vậy nên vẫn cứ quy hoạch mà không ai chịu trách nhiệm. Quy hoạch thủy điện tràn lan là do lỗ hổng pháp lý, do chưa có Luật Quy hoạch”.

Lương Kết (Lương Kết)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem