Thưởng tiền hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh?

Thanh Xuân Thứ bảy, ngày 03/10/2015 07:06 AM (GMT+7)
Theo báo cáo tại Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm chương trình nước sạch và vệ sinh” tại 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia ngày 2.10, tình trạng phóng uế bừa bãi, cầu tiêu ao cá còn phổ biến. Điều này khiến cho môi trường ô nhiễm, nguồn lây lan dịch bệnh gia tăng.
Bình luận 0

Vẫn cầu tiêu ao cá

Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn (NSVSMTNT) là một trong những nội dung hết sức quan trọng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Chương trình mục tiêu quốc gia về NSVSMTNT được thực hiện qua 3 giai đoạn, bắt đầu từ 1999 đến 2015. Tuy nhiên, sau khi kết thúc giai đoạn 3 vào cuối năm nay, Chương trình mục tiêu quốc gia sẽ không còn là chương trình độc lập, trong khi nhiều mục tiêu của Chiến lược quốc gia NSVSMTNT đến năm 2020 vẫn chưa đạt được. Mặc dù chương trình đã đạt được những kết quả to lớn nhưng trên thực tế ở một số địa phương các công trình đầu tư chưa được đồng bộ dẫn đến công trình chậm phát huy hiệu quả, thậm chí có công trình hư hỏng, xuống cấp không phục vụ được gây lãng phí và hiệu quả đầu tư thấp.

img

Hình thức cầu tiêu áo cá vẫn phổ biến ở ĐBSCL.

Cùng chung nhận định trên, ông Dương Chí Nam – Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) nêu những thực tế còn tồn tại như: Tiếp cận vệ sinh của người dân hiện không đồng đều và tỷ lệ thấp ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long. Hiện tại, mới chỉ có 18 tỉnh có nhà tiêu hợp vệ sinh dưới 50%, còn lại tình trạng phóng uế bừa bãi, cầu tiêu ao cá vẫn phổ biến. “Từ năm 2000 đã có chỉ thị cấm cầu tiêu ao cá nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được, nguyên nhân chính là chưa có sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Chưa có quy định, chế tài mạnh để chấm dứt phóng uế bừa bãi, xóa bỏ cầu tiêu ao cá, xây dựng sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh”- ông Nam nói.

Thúc đẩy tư nhân tham gia

Tại hội thảo, bà Võ Thị Hiền – Tổ chức Đông tây hội ngộ đã chia sẻ kinh nghiệm của Lào và Camphuchia. Theo đó, ngoài huy động nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài, 2 nước này cũng đưa ra những chính sách khuyến khích đầu tư của khối tư nhân vào NSVSMT. Cụ thể ở Lào, các cơ quan chức năng đưa ra “gói thưởng”- mỗi hộ xây dựng 1 nhà tiêu hợp vệ sinh sẽ được thưởng 20USD, nếu 1 người vận động được 1 hộ xây nhà tiêu hợp vệ sinh được thưởng 3USD; khi 1 làng công bố là không đi tiêu bừa bãi thì chính quyền của làng sẽ được thưởng từ 300–500USD. Dù dự án mới triển khai ở giai đoạn đầu nhưng ở Lào hiện đã có 221 hộ nhận được gói thưởng và 7 làng công bố là cộng đồng không đi tiêu bừa bãi. Cũng với gói thưởng này, ở Campuchia đã có 8.000 nhà tiêu được xây dựng cho các hộ có thu nhập thấp ở 2 tỉnh Kampong Cham và Kratie.

 Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng cần huy động lĩnh vực tư nhân với ưu điểm là nguồn lực lớn, hiệu suất khai thác cao; tài chính bền vững, năng suất lao động cao hơn. Tuy nhiên, để thúc đẩy khu vực tư nhân và cộng đồng tham gia vào chương trình mục tiêu quốc gia sẽ kết thúc vào cuối năm nay cần tạo môi trường, thể chế thuận lợi đưa vệ sinh thành tiêu chí phát triển kinh tế -xã hội ở địa phương. 

 Tính đến cuối năm 2014 đã có 84,5% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, tăng 28% so với năm 1999 khi bắt đầu thực hiện chương trình; 63% hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh, tăng 37,5%. Ước tính đến hết năm nay, số dân nông thôn được được sử dụng nước hợp vệ sinh sẽ đạt 85%, trong đó 45% sử dụng nước đạt quy chuẩn Việt Nam, khoảng 65% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh. 

(Theo Bộ chỉ số giám sát đánh giá NSVSMTNT)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem