Thôi, ta về cùng nước lợ

Nhà văn Dạ Ngân Chủ nhật, ngày 03/05/2015 07:00 AM (GMT+7)
Một trăm năm trước, đứa trẻ của người mở cõi ngồi trên chiếc ghe lườn vượt sông Tiền đi dài xuống. Mấy chục năm sau, đứa trẻ ấy vẫn kể chuyện lần đầu nhìn thấy nước lợ như thế nào. Ngậm ngùi kể, thong dong kể, vừa tém trầu vừa kể khiến con cháu nghe thuộc làu mà vẫn thú vị.
Bình luận 0

Tụi con biết vì sao ông ngoại lấy nước lợ làm ranh giới không? Là vì nước Hậu Giang đổ xuống, gặp với nước biển lấn vô, có cả một vùng nước không ngọt cũng không mặn gọi là nước lợ. Trên bờ lá dừa nước bịt bùng, nhìn thấy tán cây tràm sau biền lá và trong bóng tràm là khỉ. Đêm đêm, cá sấu quẫy đuôi đùng đùng, muỗi kêu như sáo thổi, đom đóm lập lòe suốt hai bờ sông, âm trì, địa ngục.

img

Vậy mà ông ngoại khoái tầm đất ở vùng nước lợ, tụi con biết vì sao không? Đơn giản vì chim kêu vượn hú thì đất rẻ, đất rẻ mình sang được nhiều mà nhiều thì ông của tụi con mới phỉ chí. Cắm sào ở một cái xẻo, vừa lội sình vừa lấy dao phạt đường lên, tìm thấy một mái lá sâu hút bên trong, một mảnh vườn toàn tràm với cây mù u. Hỏi, bán liền, thành hàng xóm, thì nhà nội của tụi bây đó, còn chưa nghĩ ra sao?

Đứa trẻ đầu thế kỷ thích nhất cảnh đêm tối lần đầu tiên ở vùng nước lợ và mấy chục năm sau, những đứa con của bà cũng thích nghe nhất cái đoạn này. Đêm đầu tiên ấy bọn trẻ chưa thể rời ghe lườn vì thủy triều chưa lên, bãi biền xa bờ và xẻo quá cạn. Ai đã lên được bờ thì đừng có xuống nữa, lội sình cao tới vế à nghen. Người cha đã lên bờ, chủ nhà hiếu khách giữ chân và điều đình mua bán.

Người mẹ với một đám con ba đứa ở lại ghe, ôi thôi mịt mùng sợ hãi. Đứa con trai út đứng phía lái xả bụng, kêu thét lên, Má ơi con đái ra lửa! Hai con chị lấy dầm đập nước, má ơi, thằng út nó khùng, nước mặn nó nhảy ra tia sáng nè. Thế là quên sợ, tha hồ giỡn nước, dầm chèo đùng đùng một hồi. Cá sấu nghe thấy, cá sấu trườn dưới lục bình đến hỏi thăm, may mà chiếc ghe lườn quá vững. Từ đó mới biết thứ đáng sợ nhất của vùng nước lợ hồi đó là cá sấu.

Khi mảnh đất thuộc xong để trồng vườn thì cô bé đi trên chiếc ghe lườn ấy đến tuổi lấy chồng. Gã trai hàng xóm đánh tiếng ngay. Quá tiện! Ông ngoại và ông nội cùng cho nhau kinh nghiệm, người giỏi phá tràm đào gốc, người thạo làm mương làm đập xẻ liếp thau chua tháo mặn. Người phụ nữ sớm nghiện trầu hay kể đoạn đi chở nước.

Chở nước là chèo ghe đi lấy nước ngọt ở cuối sông Hậu về đổ lên lu lên thạp chứa để nấu ăn và tắm giặt. Nước uống thì phải trữ khi mùa mưa già, một hàng lu kê riêng trong một cái chái. Rồi sinh ra nghề “bán nước”, nhưng không ai dám nói mình bán nước, vì vậy mà rao “Ai đổi nước hôn?” Thực chất là nước ngọt chở trong ghe lớn, người bán gánh từng đôi thùng lên, lấy tiền, hẹn mười ngày nửa tháng đưa một ghe nước khác xuống. Đó, một thời mở cõi, ông bà đã sống như vậy đó, cho đến hôm nay thì thủy lợi đã đâu vào đó, nước ngọt đã đẩy lui nước biển, biến những biền lá và rừng tràm xưa thành vườn dừa, vườn cây thổ cư đề huề như mọi nơi được nước ngọt sống cùng.

Người hay kể chuyện nước lợ giờ đã thành bà cố. Còn người viết bài này là bà ngoại và bà nội. Cố ngoáy trầu chứ không còn răng để nhai và câu chuyện thì khi quên khi nhớ rất buồn cười. Cố chỉ không thành trò cười khi ai đó đem chuyện xưa ra kể, mỗi khi đúng ý, cố tủm tỉm vui hay gục gặc đầu ra chiều mãn nguyện. Câu chuyện vì vậy cứ được lưu truyền, như một thứ biên niên sống.

Cô bé được sinh ra hoàn toàn hồi nước lợ nhớ những buổi hừng đông kỳ diệu của mình. Sân nhà đầy những mô tèng heng, ai bây giờ từng thấy con tèng heng, biết chết liền. Nhưng mà hồi đó tèng heng nhiều vô kể, chúng đùn đất nhão lên để tìm gì trong đó chỉ có trời mới biết. Mô tèng heng khô nắng, ông bà ngoại kêu bọn cháu sao không đứa nào giẫy chúng, để đi vấp chết à? Giẫy xong, hôm sau lại thấy những mô đất nhão mọc lên, như một trò ú tim. Tèng heng là giống tôm, xanh xao, ghê ghê, không ai thèm để mắt, nếu không tuyệt chủng, bây giờ chắc thành đặc sản hay thuốc quý rồi.

Buổi sáng các chị đưa cá hoặc đưa ếch đưa nhái xuống sông rửa. Khi ấy sông Cái đã vãn lục bình, đã có tiếng ghe máy đi lại và cá sấu đã bị đẩy vào bưng trấp tận U Minh. Nhưng các loại cá trên sông thì nhiều không ai thèm đánh bắt nhiều. Vãi một đường chài, đủ ăn, nhảy ùm xuống mép bờ, mò bằng tay không, lát sau đã có một giỏ tôm càng mang lên. Trẻ con thì có thể ngồi trên sàn nước vừa rửa cá rửa ếch rửa nhái vừa xúc cá chốt cá lòng tong bu đến đông như đi hội.

Chiến tranh đã làm gì sông Cái và xóm làng thế này? Thuốc khai hoang khiến cá và mọi thứ tận diệt cùng với màu xanh cây và lá. Nhưng đất phù sa làm cho cây cỏ hồi sinh, chỉ có cá tôm là tổn thương ghê gớm. Hòa bình, cùng với các loại thuốc bảo vệ thực vật đổ bộ vào, cây ngắn ngày cây tăng trọng nhưng cá chết, chim bỏ đi, đom đóm cũng bị tàn sát. Dân tình nghĩ, thôi thì được và mất, biết làm sao.

Bỗng dưng nước ngọt ít đậm đà đi. Dân người ta tinh với nước như đứa con ngửi được tình cảm của người mẹ. Đài báo nói trên thượng nguồn bị xây nhiều đập lắm, với lại khí hậu thay đổi rồi, miền Tây sẽ ngập chìm trong nước biển dâng. Chuyện nước ngọt rồi ít ngọt, rồi lợ dần và rồi tái mặn sẽ là chuyện của những thập niên. Nhưng mà người ta rục rịch trồng khóm trống mía thay cây ăn trái, hai thứ cây tiền thân của vườn thổ cư hôm nay.

Ta sẽ về với nước lợ trăm năm cũ. Về với khóm Cầu Đúc, mía Vị Thanh. Duy là đi bằng ô tô, trên mặt đê chống mặn chống lụt chống sạt chống lở. Cá sấu chỉ còn văng vẳng trong câu chuyện khi nhớ khi quên của bà cố, những con tôm càng to bự cũng không còn, đám cá chốt cá lòng tong cũng không nốt. Chỉ có nước lợ, ánh lân tinh trên mái chèo đêm và nỗi niềm: à ơi, một vòng quay của thời cuộc, vật đổi sao dời nhưng Mẹ thiên nhiên thì luôn vĩ đại và bí ẩn!

Không thấy ai có ý định bỏ quê vì nước lợ. Trồng lục bình cũng sống được kia mà. Đã gian nan bằng châu Phi và sa mạc chưa? Rồi sẽ có cây nước lợ, cũng như sẽ có người tìm ra lợi ích của cây lá dừa nước, sản vật ngàn năm của vùng đất miên trường này. Rồi sẽ hộ đê, vành đai đê, trữ ngọt, vựa nước mưa, sẽ sống chung với tất cả tai ách và khôn ngoan lên, giỏi giang hơn nữa như những giống người rơi vào những nơi thiên nhiên từng không ưu đãi chút gì.

Nhớ lắm thay và hy vọng lắm thay.


Bỗng dưng nước ngọt ít đậm đà đi. Dân người ta tinh với nước như đứa con ngửi được tình cảm của người mẹ. Đài báo nói trên thượng nguồn bị xây nhiều đập lắm, với lại khí hậu thay đổi rồi, miền Tây sẽ ngập chìm trong nước biển dâng.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem