Người dân xếp hàng rút tiền, Hy Lạp sát bờ khủng hoảng tài chính

Huyền My (tổng hợp) Thứ hai, ngày 29/06/2015 06:29 AM (GMT+7)
Nguy cơ Hy Lạp rời bỏ Khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) - đang ngày càng trở nên rõ ràng nhất sau khi các nước đối tác trong khối từ chối kéo dài chương trình cứu trợ Athens, đẩy quốc gia này tới sát bờ vực khủng hoảng tài chính.
Bình luận 0

Sự bất ổn trở lại

Trên các đường phố tại Hy Lạp, từ sáng sớm tới hoàng hôn, những người dân đầy lo lắng đứng xếp hàng dài trước cửa các ngân hàng để chờ rút tiền trong bối cảnh đầy bất ổn. Hàng tỷ euro đã được rút khỏi các ngân hàng trong suốt vài tuần qua.

img
 Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Varoufakis bị các nghị sĩ vây quanh để chất vấn bên lề phiên họp Quốc hội ngày 28.6. Ảnh: Reuters.

Khoản nợ trị giá 1,6 tỷ euro (tương đương 1,8 tỷ USD) của Hy Lạp đáo hạn vào ngày 30.6, và đây cũng là thời điểm kết thúc chương trình cứu trợ hiện hành.

Sau suốt 5 tháng đàm phán không đem lại kết quả cụ thể, mối quan hệ giữa Hy Lạp và các chủ nợ thậm chí còn trở nên xấu hơn sau khi Thủ tướng Alexis Tsipras gây chấn động với tuyên bố tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý tại Hy Lạp về các biện pháp cải cách nhằm đạt được gói cứu trợ. Một ngày sau khi Quốc hội Hy Lạp đã phê chuẩn kế hoạch trưng cầu dân ý về đề xuất mới nhất liên quan tới thỏa thuận cho vay của nhóm chủ nợ vào tối 27.6, chủ đề này vẫn tạo ra làn sóng tranh luận trái chiều nóng bỏng nhất ở Hy Lạp. Tuy nhiên, với kết quả kiểm phiếu, ít nhất 179/300 nghị sĩ đã phê chuẩn cuộc trưng cầu dân ý dự kiến diễn ra vào ngày 5.7 tới, người dân Hy Lạp chỉ còn biết chờ đợi.

Điều đáng nói, truyền thông cho biết Thủ tướng Tspiras không hề thông báo trước cho người đồng cấp Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker ý định tiến hành cuộc trưng cầu ý về kế hoạch cải cách và thắt lưng buộc bụng này. Kế hoạch của Athens chỉ được ông Tsipras thông báo ngày 26.6 với hai nhà lãnh đạo Đức, Pháp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels (Bỉ) trước khi kế hoạch được chính thức đưa ra. Thông tin này đã không chỉ khiến bộ ba chủ nợ quốc tế - gồm Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), EC - mà ngay chính người dân Hy Lạp cũng hết sức bất ngờ.

“Chắc chắn sẽ bị tổn hại”

Thủ tướng Tsipras cáo buộc các chủ nợ đã dùng tài chính và đưa ra không ít tối hậu thư nhằm "hạ nhục" ông cũng như những người dân Hy Lạp đang phải chật vật với các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Trong khi đó, giới chức châu Âu cho rằng quyết định của Thủ tướng Tsipras quá thiếu lý trí và là một nước cờ hấp tấp, là hành động trực tiếp đóng sập cánh cửa dẫn tới các cuộc đàm phán nhằm cứu vãn tình hình tài chính cho Hy Lạp.

Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Gianis Varoufakis bày tỏ lo ngại uy tín của Eurozone, vốn được coi là một thể chế dân chủ, “chắc chắn sẽ bị tổn hại”. Theo ông, quyết định này là điều đáng buồn bởi trong cuộc trưng cầu ý dân tới đây, nhân dân Hy Lạp có thể sẽ ủng hộ gói cứu trợ mới. Ông Varoufakis dẫn một kết quả thăm dò dư luận tại Hy Lạp cho biết có tới 57% số người dân Hy Lạp được hỏi ủng hộ một thỏa thuận của nước này với bộ ba chủ nợ quốc tế.

Trước đó, Hy Lạp đề nghị các chủ nợ quốc tế gia hạn vài ngày chương trình cứu trợ hiện nay, sẽ hết hạn vào 30.6 tới, cho đến khi Hy Lạp tiến hành cuộc trưng cầu ý dân. Hiện vẫn chưa rõ sau thời khắc quyết định này, Hy Lạp sẽ xoay xở vấn đề tài chính thế nào.

Không có thỏa thuận với các chủ nợ, Hy Lạp bị rơi vào tình trạng vỡ nợ có nguy cơ ra khỏi châu Âu. Giới kinh tế rất lo ngại trước khả năng “bất ổn định toàn diện” sẽ ập đến với Hy Lạp.   

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem