Thành viên đầu tiên phê chuẩn cho Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO

Lê Phương (RT) Thứ tư, ngày 06/07/2022 14:35 PM (GMT+7)
Canada là thành viên NATO đầu tiên chính thức chấp thuận tư cách thành viên của Thụy Điển và Phần Lan.
Bình luận 0
Thành viên đầu tiên phê chuẩn cho Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO - Ảnh 1.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ảnh: AP

Các nhà lập pháp Canada đã bỏ phiếu phê chuẩn tư cách thành viên NATO cho Stockholm và Helsinki, sau khi khối quân sự do Mỹ dẫn đầu nhóm họp tại Brussels để ký kết các nghị định thư gia nhập cho hai quốc gia Bắc Âu.

Thủ tướng Justin Trudeau đã thông báo về động thái này vào hôm 5/7, nói rằng Hạ viện Canada đã giải quyết vấn đề "càng nhanh càng tốt" và bỏ phiếu nhất trí để hai nước tham gia liên minh.

"Hôm nay, Canada trở thành quốc gia đầu tiên phê chuẩn nghị định thư gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển. Động thái này đã đưa hai nước tiến gần hơn đến tư cách thành viên đầy đủ", Thủ tướng nói và nhấn mạnh thêm rằng Ottawa hoàn toàn tin tưởng cả hai quốc gia sẽ hội nhập nhanh chóng và hiệu quả vào NATO, đóng góp vào sự phòng thủ chung của liên minh.

Bình luận của Trudeau được đưa ra sau khi các nhà lãnh đạo NATO gặp nhau tại Bỉ vào đầu ngày để ký các nghị định thư. Nghị định thư phải được quốc hội của mỗi quốc gia thành viên phê chuẩn. Mặc dù Canada đã thông qua việc phê chuẩn trong vòng vài giờ, nhưng quá trình này có thể mất vài tháng để hoàn thành vì các nhà lập pháp từ hàng chục quốc gia sẽ phải đạt được thỏa thuận về vấn đề này.

Khi nộp đơn xin gia nhập NATO vào đầu năm nay, Phần Lan và Thụy Điển đã phá vỡ truyền thống trung lập lâu đời của hai nước, với lý do lo ngại về an ninh sau khi Nga đưa quân vào Ukraine hồi tháng 2/2022. Trong khi hầu hết các thành viên ngay lập tức hoan nghênh hai nước tham gia liên minh, thì đơn đăng ký của họ đã bị Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ, do cáo buộc cả hai thúc đẩy "chủ nghĩa khủng bố".

Tuy nhiên vào tuần trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã chấm dứt phản đối sau khi hai nước Bắc Âu ký một thỏa thuận, theo đó họ hứa sẽ giải quyết các cáo buộc khủng bố và gỡ bỏ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với hàng hóa của Thổ Nhĩ Kỳ, cùng những điều kiện khác. 

Thỏa thuận dường như đã giải quyết được bế tắc, mặc dù Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cảnh báo rằng ông có thể chặn quá trình này một lần nữa nếu các yêu cầu của đất nước ông không được đáp ứng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem