Thanh tra và sự độc lập

Thứ tư, ngày 28/07/2010 23:06 PM (GMT+7)
(Dân việt) - Dự Luật Thanh tra (sửa đổi) vừa được Thường vụ Quốc hội bàn thảo. Nhiều ý kiến có trọng lượng cho rằng, mạng lưới thanh tra hiện nay rộng khắp, “trùng trùng điệp điệp” nhưng không mạnh, và không hiệu quả, bởi tính độc lập không cao.
Bình luận 0

Vì vậy, Luật Thanh tra (sửa đổi) phải khắc phục được vấn đề này, nghĩa là phải làm cho cơ quan thanh tra có vị trí pháp lý độc lập, như Kiểm toán Nhà nước. Thanh tra Chính phủ, vì vậy, cần được đổi lại tên thành Thanh tra Nhà nước như trước đây, nhưng sẽ do Quốc hội lập. Đó là một đề xuất hợp lý.

Cơ quan thanh tra, lâu nay, đều trực thuộc các cơ quan quản lý của chính quyền các cấp. Khi có việc cần thanh tra, thì cấp trên trực tiếp của thanh tra là UBND, là Chính phủ, nghĩa là trong hệ thống quản lý nhà nước mà thanh tra chỉ là thành viên, thậm chí là thành viên cấp thấp, nên tiếng nói không thể “mạnh” được. Dĩ nhiên, thanh tra không thể “biến không thành có”, nhưng khi đã “có” thì thanh tra cũng không thể vì chịu áp lực mà biến “có thành không”.

Đã có những tỉnh thành, kết quả chống tham nhũng là con số không tròn trĩnh, vì thanh tra nơi ấy không thể phát hiện bất cứ hành vi tham nhũng nào, trong khi nhân dân và các cơ quan truyền thông (cũng của nhà nước) đã phát hiện những vụ tham nhũng cũng ở nơi ấy không hề nhỏ.

Và không chỉ là những chuyện tham nhũng, vì còn nhiều sai phạm do lãng phí, do thiếu ý thức trách nhiệm, do cấp dưới e sợ cấp trên, do cấp trên không quản lý được cấp dưới… gây nên “những hậu quả nghiêm trọng”. Mà tất cả những sai phạm ấy, nếu không có một cơ quan độc lập đủ năng lực điều tra và làm rõ, thì hầu hết sẽ rơi vào “sự im lặng đáng sợ”.

Chúng ta không kỳ vọng các cơ quan thanh tra, dù là Thanh tra Chính phủ hay Thanh tra Nhà nước sẽ tuyệt đối công bằng và vô tư, nhưng một khi cơ chế đủ mạnh để ràng buộc và để một cơ quan thanh tra có thể làm việc một cách độc lập, thì nhiều điều sẽ được làm rõ, nhiều uẩn khúc sẽ được phơi bày, nhiều khoảng tối sẽ được sáng rõ. Và khi một cơ quan thanh tra hoạt động một cách độc lập như thế, sẽ có những cơ quan khác theo dõi, kiểm tra cơ quan ấy một cách cũng hoàn toàn độc lập. Đó là cơ chế hoạt động của một nhà nước pháp quyền, và dân chủ. Thanh tra Nhà nước, thật ra, đã có từ thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Bây giờ, chỉ là khôi phục lại hoạt động hữu hiệu của nó mà thôi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem