Thánh thót một niềm tin!

Nhà văn Văn Chinh - thành viên Ban Giám khảo Thứ năm, ngày 02/10/2014 06:18 AM (GMT+7)
Là thành viên Ban giám khảo, tôi thấy những bút ký, tác phẩm dự thi Cuộc thi viết Tự hào Nông dân Việt Nam mà Báo Nông Thôn Ngày Nay tổ chức đều là những phát hiện độc đáo, nó giúp bản hòa tấu của 51 bút ký mà tôi được đọc, thánh thót một niềm tin. 
Bình luận 0

Trong hành trình công nghiệp hóa đất nước, ngành công thương nghiệp và dịch vụ khó một thì nông nghiệp khó ba. Thứ nhất, công nghiệp phát triển càng nhanh, nông nghiệp càng bị chèn lấn (đất đai, thủy lợi, môi trường tự nhiên... bị xén bớt, lao động nông nghiệp bị lấy đi những người trai trẻ khỏe mạnh).

Thứ hai, công thương nghiệp và dịch vụ, khi bắt đầu là gần như từ số 0; nhà đầu tư chỉ cần làm việc với chính quyền trong cái thế rải thảm đỏ đón khách rồi mang máy móc thiết bị có sẵn, công nghệ có sẵn từ nơi khác đến úp lên... Nông nghiệp thì khác, sau khoán 10 vài ba năm, năng suất sản lượng tăng vọt, nhiều mặt chạm trần, như năng suất lúa, ngô.

Thứ ba, nông nghiệp liên quan trực tiếp đến đất đai thủy lợi, vừa ra khỏi ngõ – tức là mới chỉ ở ngưỡng đủ cơm no là gặp ngay barie hạn điền. Vâng, bất cứ ai đã là bạn đọc của Báo NTNN thì đều biết rõ mà không cần chứng minh, rằng nếu không có tích tụ ruộng đất thì không thể công nghiệp hóa nền sản xuất nông nghiệp.

Kỳ diệu thay, với 3 cái khó hơn, nền nông nghiệp Việt Nam vẫn phát triển bền vững. Trong khi khoảng 1 triệu ha (1/7,5 tổng quỹ đất nông nghiệp) bị rút ra khỏi hệ thống (để làm đường, thủy điện và các khu công nghiệp...), nhưng lượng gạo xuất khẩu đứng lâu ở ngưỡng 4,5 – 5 triệu tấn (từ 1998 - 2010) và mấy năm qua lại vọt lên 6 – 7 triệu tấn/năm. Ngoài gạo, cà phê, thủy sản, chúng ta đã từ 12 tăng lên 16 mặt hàng xuất khẩu; nông dân đã mang về cho nền kinh tế mỗi năm 27 tỷ USD nhờ xuất khẩu nông-lâm-thủy sản.

Cuộc thi viết phóng sự- ghi chép, bút ký của Báo NTNN mang tên Tự hào Nông dân Việt Nam ra đời trong hoàn cảnh như vậy, nó rất đáng được mang tên như thế.

Thực ra, trước năm 2008, con số chúng tôi được nghe nói là nền nông nghiệp của chúng ta có 7,2 triệu ha canh tác, trong đó có 4 triệu ha chuyên lúa. Con số thống kê hiện nay là hơn 7,8 triệu ha. Như vậy, nông dân đã khai hoang phục hóa hơn 1 triệu ha sau hơn 6 năm qua (bởi trong quá trình đó còn có vài trăm nghìn ha được rút ra để làm các lĩnh vực phi nông nghiệp).

Đó là con số thật đáng tự hào. Qua bút ký Chúa đất miền Tây (Trần Đăng) ta thấy công cuộc khai hoang phục hóa thật vĩ đại. Vĩ đại ở chỗ, 10 người lên kinh tế mới ở xã Lương An Trà (Tri Tôn, An Giang), thì hết 9 người bỏ đất đi tứ tán. Riêng ông Nguyễn Lợi Đức thì trụ lại, tự khai hoang, mua thêm đất thau chua rửa mặn 6 – 7 năm trời để bây giờ sở hữu 250 công đất lúa, cơ giới hóa toàn bộ từ khâu làm đất đến gặt đập sấy khô. Hay như bút ký Kiếm tiền tỷ giữa vùng cát trắng (Phan Phương) kể việc anh nông dân Đinh Đăng Tuân (Quảng Bình) từ chỗ không có nổi vài triệu đồng thuê ủi ao ban đầu, Tuân đã biến 4ha đất cát thành ao nuôi cá vừa thu tiền tỷ mỗi năm vừa mở rộng quỹ đất canh tác nông nghiệp cho đất nước. Bút ký Tỷ phú mom sông (Hoàng Hạnh) lại là một dạng khác trong quá trình tăng quỹ đất, ông Phạm Ngọc Ánh đã bỏ phố về rừng, mua 14ha đất ở Hố Gùi (Cà Mau) để nuôi tôm và trồng rừng; chỗ ngọt hóa bằng giếng khoan, chỗ lại căn cứ mực nước biển dâng để đắp đê bao và tháo phèn đáy ao mỗi khi cần vệ sinh đầm tôm. Hai Ánh sẽ là một điểm tựa để nông dân miền Tây tự tin tranh đua với biển dâng trong mưu sinh và rồi họ sẽ chiến thắng.

Nhiều hơn cả, sum suê hơn cả vẫn là chùm bút ký về các ý tưởng sáng tạo cách làm ăn mới của những người có ý chí làm giàu mạnh mẽ. Họ là những nông dân có học, có kinh nghiệm canh tác, có tư tưởng không cam chịu đói nghèo. Một phần trong số họ có tích lũy, bỏ vốn sang nhượng đất hoặc đấu thầu để mở rộng và kiến tạo nên diện mạo mới của hình ảnh đồng ruộng Việt Nam; nhưng nhiều hơn lại là những người cứ từng bước bập bõm (như đi trên ruộng sình) để rồi cây thành công mọc trên bãi lầy của thất bại trước đó. Bằng cách nào, thì các tỷ phú ở nông thôn này cũng tạo nên một hình ảnh sáng láng cho gương mặt nông dân thời hiện đại: Ông trùm cá sấu miền Tây (Vũ Thống Nhất); Tỷ phú cá lồng (Linh Nhu); Nhãn Ido của Út Hiện (Phạm Thị Toán) - tác phẩm đoạt giải Nhất của cuộc thi… Lại có các nông dân chưa có ở bất cứ thời nào trước đây- tốt nghiệp đại học, không xin việc ở thành phố mà về quê lập nghiệp: Triệu phú 24 tuổi (Nguyễn Hải); Vườn phật thủ tiền tỷ của cô gái trẻ xứ Thanh (Hồng Đức, Hoài Thu); Chàng sinh viên và sáng chế máy chăm nấm bào ngư (Huyền Trang); Người bỏ tiền tỷ xây những nhịp cầu (An Sơn)… Đó là những người đi trước thời đại, tự mình làm ra công nghiệp hóa của chính mình mà không chờ đợi ai ban phát; ngược lại, họ còn tạo việc làm cho hàng chục, hàng trăm lao động trẻ khác. Từ những người như thế, tôi chợt có thêm nhận thức thật đơn giản mà sâu sắc- một dân tộc muốn độc lập thật sự thì cần nhiều lắm những công dân biết độc lập tự chủ làm giàu.

Chùm bút ký về những nông dân xuất chúng củng cố thêm nhận thức ấy của tôi: 9x chinh phục… đông trùng hạ thảo (Ngọc Minh) kể về chàng sinh viên Ngô Kim Lai. Lai đã khảo nghiệm, nhân thành công giống nấm quý đông trùng hạ thảo với dược tính cao gấp 3,5 lần so với hàng cùng loại mà thị trường Việt Nam vẫn nhập khẩu từ Trung Quốc. Hay trong tác phẩm Người trồng tiêu giỏi nhất thế giới (Phụng Anh) lại kể về Trần Hữu Thắng (Đồng Nai) được Chủ tịch Hiệp hội Tiêu thế giới sau 3 năm khảo sát rồi cấp giấy chứng nhận danh hiệu này. Vườn tiêu của Thắng cho năng suất 11 tấn/ha, với thời giá hiện giờ, cho thu nhập 180 triệu đồng. Bút ký Ông Phụ sáng chế (An Sơn) kể về người nông dân ít học nhưng lại sáng chế rất nhiều loại máy cơ khí có tính năng vượt trội. Chỉ riêng chiếc máy bơm của ông Phụ có công suất gấp đôi máy bơm Nhật, nhiên liệu tiêu hao chỉ bằng một nửa, còn giá bán lại chỉ bằng 1/8 hay 1/10 của máy bơm Nhật cùng loại.

Người thuần hóa lợn rừng (Sơn Đạo) đọc hấp dẫn như một thiên truyện ngắn về hành trình ngàn năm tiền nhân đã thuần hóa thú hoang thành gia súc gia cầm. Đó là chị Lào Thị Toan (Bắc Giang), người sẵn sàng lai cả “ngáo ộp” để thoát nghèo đã cho thấy ý chí không cam chịu nghèo đói làm nên sức mạnh thần kỳ như thế nào và cần thiết cho mỗi con người hiện đại như thế nào. Hai bút ký Xuất ngoại nuôi heo (Trần Đăng) và “Hai lúa” Việt rạng danh trên đất Brunei (Đức Khánh) kể về những nông dân mang trình độ canh tác, tiến bộ kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất đi thi thố ở nước ngoài...

Các bút ký vừa kể cố nhiên đều là những phát hiện người thật việc thật, khá nhiều trong số các nhân vật là hết sức độc đáo. Về sự độc đáo, tôi muốn kể thêm ông Võ Lới ở Quảng Trị trong bút ký Ông Lới cứu tàu (Ngọc Vũ) và cậu thanh niên bảo thủ Phùng Văn Hợi ởVĩnh Phúc đã “Thổi hồn” cho từng thớ gỗ (Mè Quang Thắng). Ông Lới có lẽ là ngư phủ mạnh nhất Việt Nam, có tổng công suất tàu cá 4.000 CV. Rõ ràng, với khát vọng vươn khơi trong khi Biển Đông dậy sóng đã là biểu tượng khác cho niềm tự hào nông dân Việt; Võ Lới còn đem lại cho giới người giàu thời đại mình là hình ảnh lòng tương thân tương ái. Còn Phùng Văn Hợi thừa hưởng nét tài hoa và kỹ năng điêu luyện của nghề mộc tổ tiên truyền lại, anh đã kiên định với cái đẹp sáng tạo duy nhất, với truyền thống và văn hóa chứ không chạy theo sản xuất hàng loạt như xu hướng thị trường và anh đã thắng.

Qua đây, tôi cũng xin cảm ơn các tác giả đã cho tôi gặp gỡ những niềm tự hào đích thực của nông dân Việt Nam. Vào những ngày biết bao nhiêu cái xấu, cái ác, cái lừa đảo chụp giật… đang khiến nhiều người sống co lại và lo âu, niềm tin, niềm tự hào càng trở nên quý giá đối với niềm vui sống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem