Thanh niên Thanh Hóa vượt đèn đỏ đâm gãy chân thiếu tá CSGT ở Ninh Bình có thể bị xử lý ra sao?

Quang Trung Thứ sáu, ngày 27/05/2022 10:34 AM (GMT+7)
Thiếu tá CSGT ở Ninh Bình bị nam tài xế xe máy tông ngã làm gãy chân sau khi ra hiệu lệnh dừng xe. Người điều khiển phương tiện trong tình huống này có thể bị xử lý thế nào?
Bình luận 0

Vượt đèn đỏ đâm gãy chân CSGT

Chiều 26/5, tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) làm nhiệm vụ tại ngã ba cầu Lim thuộc phường Phúc Thành.

Thanh niên Thanh Hóa vượt đèn đỏ đâm gãy chân thiếu tá CSGT Ninh Bình có thể bị xử lý ra sao? - Ảnh 1.

Hiện trường xảy ra vụ việc hai thanh niên vượt đèn đỏ khiến thiếu tá Chung bị thương nặng. Ảnh: Đức Thắng

Lúc này, thiếu tá CSGT Trịnh Đức Chung phát hiện 2 nam thanh niên đi xe máy hướng Hà Nội - Thanh Hóa vượt đèn đỏ nên ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra. Nam tài xế sau đó không chấp hành mà tăng ga, tông thẳng vào viên CSGT khiến anh bị thương.

Hai nam thanh niên bị bắt giữ ngay sau đó. Người điều khiển xe máy được xác định là Lê Phạm Hoàng Duy (SN 2002, trú tại xã Quảng Tâm, thành phố Thanh Hóa), người ngồi sau là Nguyễn Quang Minh (SN 2002, trú tại xã Quảng Minh, TP Sầm Sơn, Thanh Hóa).

Thiếu tá Chung được chẩn đoán gãy chân, gãy xương hàm. Chiều cùng ngày, tình trạng sức khỏe của anh đã qua cơn nguy kịch.

Có thể bị xử lý hình sự?

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, hành vi vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông là hành vi vi phạm hành chính, hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Tuy nhiên, hành vi tông xe vào cảnh sát giao thông khiến cảnh sát giao thông bị gãy chân, gãy xương hàm có thể bị xem xét xử lý hình sự.

Theo ông Cường, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi của nam thanh niên điều khiển phương tiện, xác định yếu tố lỗi và xác định hậu quả đã gây ra đối với thiếu tá CSGT để xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

Trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy, nam thanh niên không có ý định chống người thi hành công vụ, không có mục đích bỏ chạy. Việc cảnh sát giao thông ngăn chặn hành vi vượt đèn đỏ là bất ngờ khiến người điều khiển phương tiện giao thông không kịp xử lý dẫn đến tai nạn xảy ra, người tham gia giao thông chỉ bị xử phạt hành chính và phải bồi thường thiệt hại cho người bị thương.

Còn trường hợp kết quả xác minh cho thấy, nam thanh niên vượt đèn đỏ, khi nhìn thấy CSGT ra hiệu lệnh yêu cầu dừng xe nhưng không chấp hành, cố ý, chủ động đâm xe vào cảnh sát giao thông để bỏ chạy dẫn đến cảnh sát giao thông bị thương, đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Hành vi này có thể sẽ bị xử lý hình sự về tội "Chống người thi hành công vụ" theo quy định tại Điều 330 Bộ luật hình sự năm 2015.

Nếu trường hợp kết quả xác minh, điều tra cho thấy nam thanh niên điều khiển xe máy cố ý đâm xe vào CSGT, nhận thức được rằng hành vi có thể gây ra thương tích cho người thi hành công vụ nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, bỏ mặc hậu quả thương tích có thể xảy ra, thì hành vi đã có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích.

Clip ghi lại diễn biến vụ việc. 

Lúc này, hành vi chống người thi hành công vụ sẽ là tình tiết định khung hình phạt trong tội cố ý gây thương tích.

Ông Cường cho biết, về góc độ lý luận, nếu người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nhận thức hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả xảy ra, đây là lỗi cố ý (cố ý tiếp và cố ý tiếp).

Pháp luật quy định hành vi có lỗi của người có năng lực trách nhiệm dân sự, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Như vậy, trường hợp kết quả xác định lỗi cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp đối với thương tích của người thi hành công vụ, cơ quan điều tra có thể sẽ không khởi tố về tội chống người thi hành công vụ mà khởi tố về tội cố ý gây thương tích theo và hành vi chống người thi hành công vụ sẽ được xác định là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Với tội cố ý gây thương tích, mức hình phạt sẽ nghiêm khắc hơn, phụ thuộc vào mức độ thương tích cụ thể của nạn nhân.

Ngoài ra, dù có bị xử lý hình sự hay không, nam thanh niên điều khiển phương tiện trong tình huống này vẫn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã xảy ra đối với nạn nhân.

Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc và bồi thường tổn thất về tinh thần theo quy định của Bộ luật dân sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem