Thanh Hóa: Vượt khó xây dựng nông thôn mới

Thứ ba, ngày 22/01/2013 15:31 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dù là một tỉnh còn nhiều khó khăn, song Thanh Hóa đã từng bước vượt khó để làm nông thôn mới (NTM). Đặc biệt, tỉnh này đã xây dựng thành công những xã NTM đầu tiên làm điểm để nhân rộng.
Bình luận 0

Trước tiên phải yên dân

Chia sẻ về kinh nghiệm trong xây dựng NTM của mình, ông Hoàng Cao Thắng – Bí thư Huyện ủy Yên Định, nói: “Khi bắt tay vào xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền huyện đã xác định, muốn đạt được những mục tiêu xây dựng NTM phải “yên dân”, phải được sự đồng lòng của nhân dân”.

img
Phong trào làm đường giao thông nông thôn đang được nhiều địa phương ở Thanh Hóa hưởng ứng.

Hiện nay, toàn huyện Yên Định đã có 1 xã hoàn thành 19 tiêu chí, 1 xã hoàn thành 17 tiêu chí, 1 xã hoàn thành 16 tiêu chí, có 3 đơn vị đạt 9 tiêu chí và 22/27 xã còn lại đạt từ 10 – 14 tiêu chí. Trung bình của toàn huyện đạt 12 tiêu chí (cao nhất tỉnh). Điển hình là xã Quý Lộc, đã hoàn thành 19/19 tiêu chí.

Còn huyện miền núi Thạch Thành, lại chọn cho mình cách làm khác. Bởi, với địa hình 3/4 diện tích là đồi núi, nhưng từ khi bắt tay xây dựng NTM (31.12.2011), toàn huyện Thạch Thành không có xã nào đạt 10 tiêu chí trở lên. Thế nhưng, chỉ sau 1 năm thực hiện Chương trình NTM, Thạch Thành đã đạt trung bình 8,8 tiêu chí (tăng 5,8 tiêu chí, cao nhất tỉnh). Lý giải về vấn đề này, ông Đỗ Minh Quý – Bí thư Huyện ủy Thạch Thành cho biết: “Ngoài việc hợp lòng dân thì cần phải chủ động, linh hoạt trong công tác lãnh đạo, điều hành. Trong 5 xã điểm xây dựng NTM của huyện, thì có 4 xã đã thực hiện điều động, luân chuyển cán bộ để xây dựng NTM”.

Còn ông Nguyễn Đức Xuân - Bí thư Huyện ủy Quảng Xương nói: “Chúng tôi xác định vấn đề “dồn điền, đổi thửa” là vấn đề nan giải nhất. Nhưng với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm và dân hưởng thụ”, qua 2 năm thực hiện, 35/36 xã đã triển khai thực hiện xong dồn điền đổi thửa”.

Đầu tư gần 2.000 tỷ đồng

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa, tính đến nay các địa phương trên toàn tỉnh đã huy động được 31.540 ngày công lao động, hiến 900ha đất, góp 1.983 tỷ đồng. Toàn tỉnh đã có 573/573 xã phê duyệt xong quy hoạch chung xã NTM.

Trong 2 năm qua, thu nhập bình quân đầu người ở Thanh Hóa cũng được nâng lên, từ 9,5 triệu (năm 2010) lên 14,5 triệu đồng/người/năm (năm 2012). Toàn tỉnh đã nâng cấp và xây dựng mới được 3.252km đường giao thông các loại; cải tạo và nâng cấp 12 chợ...

Ông Mai Văn Ninh – Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: “Mặc dù công tác lập và phê duyệt quy hoạch đã hoàn thành nhưng chất lượng quy hoạch chưa cao. Bên cạnh đó, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình sản xuất nông nghiệp vẫn còn chậm, hiệu quả sản xuất nông nghiệp còn thấp, việc dồn điền đổi thửa còn gặp nhiều khó khăn…”. Theo ông Ninh, hiện vẫn còn một số tiêu chí về thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo, vấn đề nước sạch, văn hóa… khó thực hiện. Nếu như T.Ư không có những điều chỉnh, sửa đổi sát với điều kiện tình hình thực tế, sẽ rất khó cho các tỉnh miền núi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem