Thăng hạng giáo viên năm 2023: Giáo viên còn nhiều kiến nghị dù bỏ thi thăng hạng viên chức

Tào Nga Thứ hai, ngày 18/12/2023 06:40 AM (GMT+7)
Chính phủ bãi bỏ hình thức thi, chỉ giữ lại xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức dựa vào năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ, tuy nhiên giáo viên ở các địa phương vẫn còn nhiều trăn trở về thăng hạng giáo viên năm 2023.
Bình luận 0

Thăng hạng giáo viên năm 2023: Ủng hộ bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp

Chính phủ ban hành Nghị định 85/2023/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2023 về tuyển dụng và quản lý viên chức, trong đó sửa đổi tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Với Nghị định này, chính thức bỏ thi thăng hạng viên chức, thay vào đó sẽ xét thăng hạng. Viên chức được đăng ký dự xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện.

Thăng hạng giáo viên năm 2023: Giáo viên còn nhiều kiến nghị dù bỏ thi thăng hạng viên chức - Ảnh 1.

Thăng hạng giáo viên năm 2023 đang là chủ đề được nhiều người quan tâm. Ảnh minh họa: Tào Nga

Theo đó, viên chức phải được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật; không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định.

Ngay sau khi có thông tin này, nhiều giáo viên bày tỏ vui mừng. "Tôi ủng hộ việc bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức nói chung và giáo viên nói riêng. Những thế hệ giáo viên có nhiều cống hiến cho giáo dục nước nhà sẽ có nhiều thiệt thòi nếu phải thi với lớp trẻ với khả năng ngoại ngữ và tin học giỏi hơn. Mặt khác, giáo viên sẽ cần thêm quá trình ôn thi, mất một khoản chi phí, tốn kém khi tham gia, còn với xét thăng hạng sẽ đảm bảo tính khách quan, yêu cầu nhiều nội dung về năng lực chuyên môn, đánh giá cả một quá trình công tác của giáo viên", cô Lê Phương Lan, một giáo viên ở Hà Nội bày tỏ.

Cô Nông Thị Hà, giáo viên tiểu học tại tỉnh Cao Bằng, đánh giá, hiện nay, viên chức tập trung chủ yếu ở ngành Giáo dục. Tuy nhiên, hiện tại lại không có một quy định nào về tiêu chuẩn, điều kiện để tổ chức thi thăng hạng viên chức. "Việc xét thăng hạng không chỉ là quyền lợi của giáo viên khi đã đủ điều kiện các giấy tờ, chứng chỉ, bằng cấp... mà còn cho thấy sự minh bạch trong việc xét duyệt thăng hạng cho giáo viên. Tuy nhiên, vì chưa có quy định nào về tiêu chuẩn thi thăng hạng viên chức nên rất khó để tiến hành tổ chức thi.

Có những giáo viên xếp hàng dài chưa được thi, ảnh hưởng rất lớn đến việc nâng cao trình độ, quyền lợi của họ. Có những giáo viên lớn tuổi, khả năng cập nhật công nghệ, tin học còn hạn chế. Rồi có những giáo viên bận bịu cả ngày, nếu dành thời gian chuẩn bị ôn tập cho một kì thi thăng hạng cũng không phải chuyện dễ dàng. Sau khi có thông tin bỏ thi thăng hạng viên chức, có đồng nghiệp của tôi thở phào nhẹ nhõm vì họ cảm thấy tiết kiệm được công sức, thời gian, đặc biệt là tiết kiệm một phần lớn chi phí xã hội, bãi bỏ các thủ tục hành chính rườm rà", cô Hà nói.

 Thăng hạng giáo viên năm 2023: Vẫn còn nhiều trăn trở 

Mặc dù bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp nhưng điều kiện việc thăng hạng giáo viên vẫn còn khiến nhiều giáo viên tủi thân trong thời gian qua. 

Một giáo viên ở Kon Tum chia sẻ với PV báo Dân Việt: "Tôi mong tòa soạn lên tiếng cho chúng tôi. Hiện nay ở Kon Tum còn hàng nghìn giáo viên chờ đợi được thăng hạng nhưng ở đây không tổ chức thăng hạng khiến chúng tôi rất thiệt thòi". Dù chưa biết thực hư việc này ra sao nhưng thực tế cho thấy hiện nay có nơi giáo viên phản ánh chưa được đổi từ hạng III cũ sang hạng III mới. 

Ngay tại Hà Nội, nhiều giáo viên vui mừng khi Sở Nội vụ quyết định bỏ thi nhưng kèm theo sau đó là hàng loạt những điều kiện khác gây khó cho giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm, giáo viên có thành tích. Cụ thể như điều kiện phải đủ 9 năm có bằng đại học; phải là tổ trưởng, tổ phó, giáo viên cốt cán...

Ngoài ra, một số giáo viên khác ở các tỉnh thành khác cũng đưa ra ý kiến: "Cần phải xem xét lại vấn đề giáo viên hợp đồng và giáo viên biên chế. Không thể có chuyện giáo viên hợp đồng hơn 3 năm liên tục (thậm chí có giáo viên liên tục ký hợp đồng 10 - 20 năm) nhưng không thể thi vào biên chế trong khi đó giáo viên biên chế vẫn thiếu. Nếu chỉ thiếu giáo viên theo thời vụ thì sao hết năm này đến năm khác hợp đồng nhiều giáo viên như vậy?".

"Tôi rất mong Bộ Nội vụ xem xét bỏ luôn vấn đề thi tuyển viên chức với các em đã tốt nghiệp đại học sư phạm. Đây là công đoạn gây khó khăn và cản trở các em học giỏi muốn vào ngành sư phạm", một ý kiến khác nêu.

Đề xuất bỏ thi thăng hạng viên chức được Bộ Nội vụ nêu hồi tháng 5. Lý do toàn quốc có 1,8 triệu viên chức khiến kỳ thi thăng hạng hàng năm tốn kém, có nhiều tiêu cực. Hơn nữa, trong 6 năm (2012-2018) chỉ có 6 bộ tổ chức thi. Các địa phương cử viên chức tham gia các kỳ thi này, thay vì tự tổ chức. Chỉ có TP.Hà Nội tổ chức thi. Những chức danh như kiến trúc sư, thẩm kế viên, đo đạc, địa chính, đạo diễn chưa được thi.

"Bỏ thi thăng hạng viên chức để giảm gánh nặng thi cử, tốn kém. Trên thế giới không có nước nào thi hay xét thăng hạng viên chức", Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nói hồi tháng 6 và nhấn mạnh, đang tính toán để thời gian tới bỏ cả thi và xét thăng hạng viên chức để trả lương theo vị trí việc làm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem