“Thần y” chữa rắn cắn bằng... ống nứa

Thứ tư, ngày 01/02/2012 10:06 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hàng chục năm qua, nhờ vào “độc chiêu” của ông Bùi Hồng Thái (xã Thạch Bình, Thạch Thành, Thanh Hoá) mà đã có hàng trăm người thoát chết vì nọc độc của các loài rắn.
Bình luận 0

Cách làm kỳ bí

Ông Thái năm nay đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng dáng người vẫn quắc thước, tóc bạc như tơ, giọng nói ấm lạ. Nghe tôi đề cập đến vấn đề muốn tìm hiểu về cách thức chữa rắn cắn, ông bảo: Ông chữa rắn cắn không phải bằng thuốc, mà trong đó có vấn đề tâm linh. Bởi, cách chữa của ông độc nhất vô nhị: Chỉ bằng chiếc ống nứa và 3 lá trầu, 1 quả cau mà thôi.

img
Ông Bùi Hồng Thái kể về cách chữa trị rắn cắn bằng ống nứa và 3 lá trầu, cau.

Vừa nói, ông Thái vừa đứng dậy hạ đĩa trầu trên bàn thờ tổ tiên xuống cho tôi xem. Ông cho hay, đĩa trầu ấy ông vừa chữa cho một người ở Hà Nam bị rắn hổ mang cắn. Mỗi lá trầu, ông chia thành 3 miếng, dù lớn nhỏ đều phải tách theo đường gân của lá trầu; còn quả cau phải bổ thành 9 miếng, rồi ông chia thành 3 phần.

“Mỗi phần phải để 3 miếng cau, 3 miếng trầu của một lá rồi lấy vôi quyện vào 3 phần và gói lại. Sau đó tôi thổi đều đều 9 lần, khi thổi phải nín hơi dài khoảng 1-2 phút kèm theo đó là những câu “thần chú”. Nếu bệnh nhân bị rắn cắn ở chân thì phải thổi “đón” từ đầu xuống, đó là nguyên tắc bất di bất dịch”- ông Thái kể.

Mỗi đợt “điều trị” của ông tổng cộng có 81 lần thổi với 27 hơi, kết thúc quá trình điều trị sức khỏe người bệnh sẽ trở lại bình thường, các nọc độc dần biến mất.

Cách làm của ông cũng “ăn lộc” gia truyền, mẹ ông nổi tiếng chữa trị rắn cắn. Nhà có 4 chị em, ông là con trai độc nhất nên được mẹ truyền nghề cho. Lần đầu tiên, do mẹ ốm, ông thay mẹ đi chữa cho một người già ở cùng xã.

“Khi đến nơi, tôi thấy bà cụ nằm khòng kheo trên cái nia ở gốc cây bưởi. Người cụ tím tái, bọt mép sùi ra, mắt mờ tịt. Khi bà cụ được con cháu đưa vào giường, tôi thổi đến hơi thứ 81 thì thấy bà cụ cựa quậy và miệng ú ớ đòi uống nước. Sau lần ấy, tôi được mẹ khen và nhiều người trong làng biết tiếng”- ông Thái hồi tưởng.

Bí quyết khó lý giải

Vài chục năm thoát ly công tác trong ngành giáo dục, ông không tham gia chữa rắn cắn cho ai. Từ khi nghỉ hưu (năm 1988), bỗng dưng trong đầu ông luôn nghĩ tới việc phải tiếp tục nghề gia truyền của mình. Từ đó tới nay, tổng số bệnh nhân bị rắn cắn được ông cứu chữa khỏi lên đến trên 300 người, gần 100 con trâu. Chưa có ca nào ông chịu “bó tay”.

Nếu ông Thái xuống đăng ký và có bài thuyết minh, chứng minh bằng văn bản, Sở Y tế sẽ về thẩm định. Hiện nay, việc đăng ký bài thuốc gia truyền cũng không phải là khó khăn. Sau khi ngành y tế xác minh, thẩm định được kết quả, sẽ cấp giấy chứng nhận ngay.

Bây giờ tiếng lành đồn xa, không chỉ có người địa phương, các huyện lân cận mà ngay cả ở tỉnh ngoài như Ninh Bình, Hòa Bình, Hà Nam, Hà Nội… khi có người bị rắn cắn đều tìm đến ông…

Anh Nguyễn Văn Tấn (40 tuổi, trú tại thôn La Thạch, xã Thạch Định, Thạch Thành), người thoát chết nhờ ông Thái chữa, kể lại: “Năm 1991, trong lúc đi làm đồng, tôi bị rắn hổ mang cắn vào bắp chân phải, toàn thân tê dại, xung quanh vết rắn cắn bị thâm đen. Được người nhà cõng tới nhà bác Thái, với ống nứa và 3 lá trầu cau, bác Thái đã chữa khỏi cho tôi”.

Còn ông Phạm Xuân Nguyên - Chủ tịch Hội Đông y huyện Thạch Thành cho biết: “Phương thuốc chữa rắn cắn gia truyền của ông Thái được bà con khá tín nhiệm. Sắp tới chúng tôi sẽ vận động thành lập hệ thống hội viên ở các xã, để ông Thái có thể tham gia hoạt động ở Hội Đông y của huyện”.

Chuyện cứu người độc đáo của ông Thái rất cần có các nhà khoa học quan tâm, nghiên cứu để giải mã.

-------------

Bài 3: Trĩu nặng “ luật gia truyền”

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem